Nhìn lại quá trình thay đổi diên cách của huyện Ba Vì trong lịch sử
Vào thời Hùng Vương - An Dương Vương, vùng đất huyện Ba Vì hiện nay thuộc bộ Giao Chỉ - một trong 15 bộ của nước Văn Lang - Âu Lạc. Thời Bắc thuộc, từ sau năm 179 TCN đến thời thuộc Tùy (602 - 618), vùng đất huyện Ba Vì thuộc quận Giao Chỉ, thời thuộc Đường (618 - 905) đổi làm châu Giao Chỉ thuộc An Nam đô hộ phủ. Thời Ngô - Đinh - Tiền Lê đến Lý - Trần - Hồ (thế kỷ X - đầu thế kỷ XV), vùng đất huyện Ba Vì thuộc lộ Tam Đái. Thời thuộc Minh (1407 - 1427), vùng đất huyện Ba Vì thuộc châu Tam Đái, lệ vào phủ Giao Châu. Đến thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469), đặt huyện Tân Phong thuộc phủ Tam Đái, thừa tuyên (còn gọi là đạo hay xứ) Sơn Tây. Vùng đất là huyện Ba Vì hiện nay, thời Lê - Mạc chủ yếu thuộc huyện Tân Phong, phủ Tam Đái, thừa tuyên Sơn Tây. Dưới thời Lê - Trịnh, do kiêng húy vua Lê Kính Tông (1599 - 1619) nên đổi huyện Tân Phong thành Tiên Phong, đồng thời thừa tuyên (đạo, xứ) Sơn Tây được đổi thành trấn Sơn Tây. Thời kỳ này, vùng đất huyện Ba Vì chủ yếu thuộc huyện Tiên Phong, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây. Đến đời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), huyện Tiên Phong đổi lệ vào phủ Quảng Oai. Từ đó, vùng đất huyện Ba Vì chủ yếu thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây.
Vào thời Nguyễn, đầu thế kỷ XIX, vùng đất huyện Ba Vì hiện nay chủ yếu thuộc địa giới của bốn huyện: Tiên Phong, Minh Nghĩa, Bất Bạt và Phúc Lộc (Gia Long đổi tên từ Phú Lộc thời Tây Sơn, đến năm 1822 Minh Mệnh lại đổi thành Phúc Thọ); đều thuộc phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Huyện Tiên Phong khi ấy gồm 7 tổng, 47 xã, thôn, phường; huyện Minh Nghĩa gồm 6 tổng, 43 xã, thôn; huyện Bất Bạt gồm 6 tổng, 45 xã, thôn; huyện Phúc Thọ gồm 11 tổng, 55 xã, thôn, phường, phố, giáp.
Sau cải cách hành chính của vua Minh Mệnh (năm 1831), tỉnh Sơn Tây được thành lập, gồm 5 phủ, 1 phân phủ, 21 huyện. Từ đó đến cuối thế kỷ XIX, 4 huyện Tiên Phong, Minh Nghĩa (năm 1853 đổi thành huyện Tùng Thiện), Bất Bạt và Phúc Thọ thuộc phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây. Theo sách Đồng Khánh địa dư chí (1888), huyện Tiên Phong khi ấy gồm 7 tổng, 47 xã, thôn, phường; huyện Tùng Thiện gồm 6 tổng, 45 xã, thôn, phố; huyện Bất Bạt gồm 7 tổng, 51 xã, thôn, sách; huyện Phúc Thọ gồm 11 tổng, 58 xã, thôn.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1954, ba huyện Quảng Oai, Tùng Thiện, Bất Bạt thuộc tỉnh Sơn Tây. Sau năm 1954, ba huyện Quảng Oai, Tùng Thiện, Bất Bạt thuộc tỉnh Sơn Tây. Trải qua nhiều lần thay đổi địa giới, đến ngày 29/12/1978, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội, trong đó có toàn bộ các xã thuộc huyện Ba Vì. Ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đã ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới của Thủ đô Hà Nội, trong đó chuyển huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phúc, thị xã Sơn Tây và 5 huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì và Thạch Thất về tỉnh Hà Tây (được tái lập theo cùng Nghị quyết).
Đến ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 15 điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong đó sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Từ ngày 1/8/2008, quyết định mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội chính thức có hiệu lực thi hành. Từ đó đến nay, huyện Ba Vì là một trong 30 quận, huyện và thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Huyện Ba Vì hiện nay có 31 đơn vị hành chính cơ sở, gồm huyện lỵ là thị trấn Tây Đằng và 30 xã: Ba Trại, Ba Vì, Cam Thượng, Cẩm Lĩnh, Châu Sơn, Chu Minh, Cổ Đô, Đông Quang, Đồng Thái, Khánh Thượng, Minh Châu, Minh Quang, Phong Vân, Phú Châu, Phú Cường, Phú Đông, Phú Phương, Phú Sơn, Sơn Đà, Tản Hồng, Tản Lĩnh, Thái Hòa, Thuần Mỹ, Thụy An, Tiên Phong, Tòng Bạt, Vân Hòa, Vạn Thắng, Vật Lại, Yên Bài.
Trên đây là vài nét phác họa về quá trình thay đổi diên cách của huyện Ba Vì. Bạn đọc quan tâm đến vấn đề này có thể tìm hiểu chi tiết và đầy đủ hơn trong bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tập 8 - Thị xã Sơn Tây - Huyện Ba Vì - Huyện Thạch Thất” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên. Sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành và giới thiệu đến đông đảo bạn đọc năm 2019.
Trang Thu