Di sản vật thể đình Nại Sa và chùa Nại Sa - hai di tích được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh qua cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 – Huyện Đan Phượng – Huyện Hoài Đức – Huyện Phúc Thọ”
Đình Nại Sa
Đình Nại Sa thuộc thôn Nại Sa, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2001. Đình thờ Quý Minh đại vương và Ả Lã Nàng Đê.
Tương truyền Quý Minh đại vương là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi khai phá đất đai lập làng, tên thật là Nguyễn Sùng. Quý Minh đã nhiều lần giúp vua Hùng đánh thắng Thục Phán, được phong là Thượng đẳng phúc thần. Vua Đinh Tiên Hoàng phong là Quý Minh linh ứng đại vương.
Tương truyền Ả Lã Nàng Đê là con gái của Tể tướng Lữ Gia, quê ở làng Yên Nội, tổng La Nội, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Bà đã tham gia cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo, lật đổ ách thống trị của nhà Hán. Bà được ban tước lộc và cho về lập ấp luyện quân ở cửa sông Đáy. Năm 43 Mã Viện đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà. Ả Lã Nàng Đê tham gia chiến đấu trận Lãng Bạc và Cấm Khê. Do chênh lệch lực lượng, bà đã trẫm mình ở sông Hát.
Đình quay hướng Nam, gồm cổng, đại bái, hậu cung, hai dãy tả hữu mạc, giếng đình. Đại bái 5 gian, xây kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai với kết cấu vì kèo kiểu kèo kìm quá giang trụ trốn. Hậu cung là phần kiến trúc chạy dọc phía sau, nối với gian giữa tạo thành hình chữ “đinh”. Hậu cung có 3 gian, kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, kết cấu kiểu tiền đao hậu đốc. Bên ngoài được đắp kìm cách điệu, các đầu đao đắp hình rồng. Các bức cốn nách của hậu cung, cửa võng chạm hoa văn hình hổ phù, mây, rồng chầu nguyệt, hoa chanh… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn.
Chùa Nại Sa (Sùng Phúc tự)
Chùa Nại Sa thuộc thôn Nại Sa, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2001. Chùa quay hướng Nam, cách đình 20m. Mặt bằng kiến trúc tổng thể của chùa gồm: cổng, chùa chính, nhà tổ, điện mẫu. Chùa chính được bố cục theo mặt bằng hình chữ “đinh” gồm tiền đường và thượng điện. Tiền đường 3 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Kết cấu vì kèo được làm theo hai kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền và kèo kẻ quá giang, trốn cột. Các xà, kẻ được bào soi, tạo gờ chỉ, đầu các xà nách chạm lá lật, kẻ chuyền chạm hoa văn nổi theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Thượng điện có 3 gian dọc phía sau với kiến trúc đơn giản, ít hoa văn. Nhà tổ và điện mẫu được xây dựng năm 2005 – 2006. Trong khuôn viên chùa còn có nhà bia tưởng niệm liệt sĩ được quy hoạch và xây tường bao riêng biệt.
Chùa còn lưu giữ 2 đạo sắc phong cho hai vị Thành hoàng có niên đại Khải Định thứ 9 (1924), 1 bức phù điêu Quan Âm bằng gỗ, 1 bộ kiệu long đình, bài vị, hệ thống tượng thồ và nhiều hoành phi, câu đối…
Đây là những giới thiệu về hai di tích được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2001 đình Nại Sa và chùa Nại Sa thuộc thôn Nại Sa xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Qua cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 – Huyện Đan Phượng – Huyện Hoài Đức – Huyện Phúc Thọ” thuộc Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành, độc giả có thể tiếp cận nguồn tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội phục vụ hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về hệ thống di sản di vật và di sản văn hóa phi vật thể của các đơn vị xã, phường, thị trấn trên địa bàn ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức và Phúc Thọ.
Thùy Hiên