Tìm hiểu di sản vật thể đình Cổ Ngoã và chùa Cổ Ngoã xã Phương Đình, huyện Đan Phượng qua những trang hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long
Đình Cổ Ngoã Hạ
Đình thuộc thôn Cổ Hạ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố năm 2014. Đình thờ Cao Sơn đại vương. Tương truyền Cao Sơn đại vương sống ở thời Hùng Duệ Vương (vua Hùng Vương thứ 18). Cao Sơn cùng với em là Quý Minh theo Tản Viên sơn thánh đánh quân Thục bảo vệ triều Hùng. Cao Sơn được vua Hùng phong là Thống lĩnh tả bộ sơn thần, được Tản Viên sơn thánh giao cho giữ đạo Kinh Bắc. Vào ngày 15/11, ông hoá. Nhân dân tôn Cao Sơn, Quý Minh và Tản Viên sơn thánh là Tam đức thánh Tản. Về sau, ông Cao Sơn có công phù trợ cho cuốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, được phong làm thượng đẳng phúc thần. Vua Đinh Tiên Hoàng phong là Cao Sơn linh ứng đại vương.
Đình được xây dựng vào thời Nguyễn, trung tu vào năm Duy Tân thứ 6 (1912). Quy mô kiến trúc hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào các năm 2000, 2010. Đình toạ lạc ở đầu làng, quay hướng Tây Bắc, phía trước là ao làng. Kiến trúc chính có kết cấu kiểu chữ “đinh” gồm đại bái 3 gian, hậu cung 2 gian. Các hạng mục kiến trúc được quy hoạch trong một không gian có tường bao khép kín.
Đình còn lưu giữ 7 đạo sắc phong (trong đó có 2 đạo sắc thời Lê, 3 đạo sắc thời Nguyễn), 1 bộ long ngai bài vị, 1 bộ bát bửu, 3 đôi câu đối, 2 pho tượng, 2 bộ kiệu rước, 1 khám thờ… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Chùa Cổ Ngoã (Sùng Quang tự, chùa Thoá)
Chùa thuộc thôn Cổ Ngoã Thượng, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1990.
Theo truyền thuyết trong làng, chùa Cổ Ngoã xây dựng vào thời Lý. Tuy nhiên, tấm bia có niên đại Hồng Đức thứ 20 (1489) ghi việc nhân dân hưng công tu sửa có thể khẳng định chùa xây dựng từ thế kỷ XV.
Chùa có bố cục mặt bằng hình chữ “đinh” gồm tiền đường và thượng điện. Tiền đường có 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, hệ thống cửa làm kiểu thượng song hạ bản, vì kèo kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ chuyền trên 4 hàng chân cột. Trang trí tập trung trên các đầu bẩy, xà, đẩu rường với các mảng chạm khắc hình hoa văn xoắn ốc và sóng nước, lá lật… Hai bên tiền đường đặt bàn thờ Đức Ông và Thánh Hiền. Gian hồi phải tiền đường có đặt tấm bia Trùng tu Tu tri bạ điền số có niên đại năm Hồng Đức thứ 20 (1489). Thượng điện gồm 3 gian nhà dọc với bộ vì tương tự tiền đường song kiến trúc đơn giản hơn, chử yếu là bào trơn đóng bén. Giữa tiền đường và thượng điện đặt một bức cửa võng có niên đại thế kỷ XIX trang trí các hình lưỡng long chầu nhật, tứ linh, vân xoắn. Trong thượng điện có 21 pho tượng, đáng chú ý là ba pho Tam thế có phong cách nghệ thuật thê skyr XVIII, pho A Di Đà được tạo tác vào thời Nguyễn.
Chùa còn lưu giữ 1 quả chuông đồng thời Nguyễn, 1 khánh đồng Sùng Quang tự khánh, 1 tấm bia tạo tác năm Hồng Đức thứ 20 (1489), lư hương, đài hương thời Nguyễn, hoành phi, câu đối, hương án…
Trên đây là vài nét khái quát về di sản vật thể đình Cổ Ngoã Hạ và chùa Cổ Ngoã, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Để tìm hiểu về những di sản vật thể và phi vật thể của xã Phương Đình, độc giả có thể tìm đọc cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đối với những độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về xã Phương Đình, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến thì cuốn sách này là một trong những tài liệu có ý nghĩa để tham khảo. Sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.
Đức Anh