Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Trò múa hát chèo tàu hội tổng Gối xưa - một trò diễn xướng và ca hát công phu thể hiện trí tuệ, tài năng của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ
Thứ tư, 11/12/2019 09:17

Trò múa hát chèo tàu hội tổng Gối xưa là một trong 10 trò diễn tiêu biểu được lựa chọn giới thiệu trong cuốn sách“Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Trò múa hát chèo tàu hội tổng Gối xưa còn gọi là hội hát chèo tàu Tân Hội. Hát chèo tàu là hệ thống tiết mục đứng hát một số bài dân ca nghi lễ và một vài làn điệu chèo trên những con tàu tự chế tác (tàu tức thuyền) của tổng Gối xưa nay gồm 4 làng Phan Long, Thượng Hội, Thuý Hội, Vĩnh Kỳ thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Hội mở ngày 15 tháng Giêng tại Đại dinh tầu tượng để nhớ ơn thánh Văn Dĩ Thành - một thủ lĩnh nghĩa quân thế kỷ XV.

Trước mồng 10 tháng Giêng, mọi khâu công việc cho mở hội phải được hoàn tất. Đúng vào ngày rằm tháng Giêng, hội mở đầu bằng cuộc rước kiệu của dân bốn làng Thượng Hội, Thuý Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long cùng tổng Gối kết chạ với nhau. Đoàn rước kiệu thánh có đầy đủ bộ 2 tàu (thuyền) có chúa thuyền, cái thuyền và bộ ca nhi, 2 tượng (voi) có quản voi. Tiếp theo là 50 thiếu nữ xinh đẹp cùng hàng đô trai tráng khoẻ mạnh cầm cờ, lọng, bát bửu, đánh trống… Đám rước uy nghi khởi hành từ thôn Thượng Hội đi qua bốn làng để về khu Đại dinh. Tới đây, người ta sắp xếp các nghi trượng vào đúng vị trí rồi làm lễ yên vị. Lúc đó trời vừa tối, người đi dự hội rất đông. Hôm sau bắt đầu vào hội chính thức kéo dài trong 6 ngày liên tiếp.    Đại lễ nhạc trong mỗi ngày hội được diễn ra như sau:

          Trước hết là những bài lễ ca với nghi thức hát hay múa thờ. Người chủ tế dẫn các con tàu, chúa tàu vào làm lễ trình trước cung điện thờ. Tất cả dàn hàng ngang lễ Thánh rồi đồng ca bài hát nghi lễ. Cách hát lễ ca là: một người xướng, ba người hoạ, khi múa hai tay đưa lên ngang mặt chơi vơi không định hướng gọi là “múa xén” hay còn múa bằng quạt hoặc dầm chèo. Lời hát dâng hương:

          Thăm thẳm thanh miếu

          Thửa hương mới dâng

          Mùi hương thơm phức

          Thần đến cả mừng…

          Tiếp đó chiêng trống nổi lên rồi đến các đoạn hát tiến rượu, tiến nhạc và kết thúc với đoạn:

          Chiêng trống kêu vang

          Quản khách kêu vang

          Thần ban phước lành

          Hết phần ca và nghi lễ tiến hương tiến rượu, tấu nhạc là phần hát chúc. Tất cả gồm bốn tuần chúc (có chung một nhạc điệu), còn phần lời thì bốn khúc khác nhau.

          Bây giờ mới đến khúc hát lễ trình. Chúa tàu đánh thanh la ra hiệu cho hai cái tàu gõ sênh dẫn nhịp hát rằng:

          Chắp tay vái lạy long trì

          Chúng tôi một bộ ca nhi lễ trình

          Tham gia lễ trình này những nhân vật chính thức chủ tàu, tất cả ca nhi của bốn làng tham dự, gọi chung là ca nhi phường. Sau những nghi thức lễ cử hành trong điện, các ca nhi ra ngoài sân Đại dinh, bước lên thuyền rồng múa hát theo điệu chèo thuyền. Cách hát là chúa tàu đánh thanh la, hai cái tàu gõ sênh dẫn câu hát, mười con tàu hoạ theo, cái tàu xướng, con tàu xô. Lời hát thoải mái hơn, mỗi làng hát theo lời ca riêng của mình, do những người có học thức trong làng làm ra. Cứ như vậy cuộc hát kéo dài và có khi tới hàng trăm câu chưa hết. Tiếp theo đến lượt quản voi vào điện hát lễ trình. Những năm hội lớn, bốn làng đều làm thuyền và voi cho riêng mình nên hội hấp dẫn lạ thường. Tất cả những quản tượng đứng thành hàng ngang để hát lễ trình:

          Chắp tay vái lạy long trì

          Chúng tôi quản tượng ca nhi lễ trình.

          Khi lễ trình kết thúc, quản tượng cũng ra sân Đại dinh, trèo lên bành voi để hát múa. Trong quá trình hội diễn ra cuộc hát của các con tàu, chúa tàu và cái tàu; cuộc hát giữa các tàu với các quản tượng, hát tỏ tình của bên này hoặc bên kia… Làn điệu hát cũng rất phong phú: hát chèo thuyền, hát bỏ bộ, hát theo giọng bình văn, hát giao duyên và các làn điệu dân ca của đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt là hát ca trù có mặt của các nhà nho, tuỳ hứng trước cảnh hội mà sáng tác các câu thơ để các đào nương ca ngay trước công chúng. Ngoài hoạt động chính trong ngày hội là hát còn có trò leo dây, múa rối, đánh đu, đánh vật, thổi cơm thi.

          Trò múa hát chèo tàu thực sự là một trò diễn xướng và ca hát công phu có bài bản, có lộ trình, thể hiện trí tuệ, tài năng của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng là một trò diễn có đông người tham gia với nhiều vai diễn khác nhau.

          Qua những giới thiệu khá chi tiết về trò múa hát chèo tàu ở hội tổng Gối xưa chúng ta cảm nhận được đây là một trò diễn xướng và ca hát thể hiện những nét đặc trưng trong sáng tạo nghệ thuật của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Trò diễn này được giới thiệu trong cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian”. Cuốn sách này cùng những tập sách với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu của bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa và di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội. Ngoài ra, độc giả có thể tham khảo cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS. TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc mảng sách Tư liệu - Tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, cuốn sách cũng giới thiệu trò diễn này cùng nhiều các lễ hội, trò diễn và di sản vật thể và phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội. 

          Huy Nguyễn

Tin cùng chuyên mục
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá