Trò múa Tết nhảy của người Dao xã Ba Vì - một nét đẹp văn hoá cổ truyền đã ngấm sâu vào các thế hệ người Dao vùng Hà Nội mở rộng
Trò múa Tết nhảy của người Dao xã Ba Vì còn gọi là trò diễn “múa rùa” vì theo điềm báo của ông tổ Ban Vương thì mọi gian nguy vất vả của người Dao đều do một con rùa yêu quái gây ra. Phải tìm bắt và giết cho được loài yêu quái ấy. Và trong lễ hội Tết nhảy của người Dao, tất cả trai tráng tham dự đều phải sắm vai người đi tìm bắt rùa.
Người Dao cư ngụ tập trung ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Từ Hà Nội theo quốc lộ 32 đến thị xã Sơn Tây rẽ trái theo đường qua Xuân Khanh đến Đá Chông thì rẽ trái theo đường phía Tây núi Ba Vì, đi đến đỉnh đèo là địa phận thuộc xã Ba Vì. Chặng đường dài tổng cộng chừng 55km, đường rải nhửa, ô tô hoặc xe máy đều được.
Người Dao tổ chức Tết nhảy (tiếng Dao gọi là Đại chay) theo phạm vi gia đình có sự tham gia của làng bản. Nếu gia đình nào sắm được đủ bộ tranh 12 ông hoàng, chuẩn bị đủ vật chất cho lễ hội, thì họ tổ chức. Xưa Tết nhảy thường kéo dài nhiều ngày đêm, nay Tết nhảy chỉ kéo dài tối đa 3 ngày 3 đêm. Người Dao bắt đầu tổ chức Tết nhảy từ 15 tháng Giêng âm lịch trở đi cho tới trước Tết âm lịch.
Trò diễn “múa rùa” chỉ là một phân khúc trong lễ hội Tết nhảy của người Dao. Tất cả nam giới (trừ ông già) đứng tuổi trong gia đình dòng họ bản làng đều là diễn viên thay thế nhau. Họ chạy và nhảy theo khe đường do 12 con dao đẽo bằng gỗ có bôi phẩm màu cắm trên nền nhà đất theo hình chữ “chi”. Dẫn đâu lần lượt là một thầy mo và một thầy cúng. Thầy mo đại diện cho sự tham dự của ông bà tổ tiên và những người đã khuất nhập vào chạy nên gọi là “âm chạy”. Thầy cúng đại diện cho sự tham dự của những người đang sống nên gọi là “dương chạy”. Thầy mo và thầy cúng đều mặc áo nỉ đỏ, có nẹp xanh, đầu đội mũ tai bồng kiểu nhà sư. Các diễn viên trang phục theo y phục nam giới người Dao. Vừa chạy nhảy họ vừa hát múa theo các bài hát có in trong cuốn sách của người Dao. Họ sử dụng các nhạc cụ: chuông, trống con, kèn, mõ nhỏ, thanh la, não bạt, lục lạc ngựa. Ở giữa đường chạy họ đặt một con rùa tượng trưng bằng gỗ tròn bầu sơn then.
Có tất cả 3 trò diễn:
- Trò “ra binh vào tướng” theo hình thức “âm chạy”. Họ dùng 1 chiếc kiệu tượng trưng để rước linh hồn ông bà tổ tiên và những người đã khuất vào nhà để xem con cháu vừa hát múa vừa chạy nhảy. Người diễn cầm dao gỗ có sơn màu giơ lên đảo xuống theo nhịp trống thanh la não bạt. Đây là điệu múa mang tính chất thượng võ, cầu mong cho mọi người có sức khoẻ, trong xóm bản không có ai qua đời vào dịp Tết nhảy. Kết thúc điệu múa là màn “âm chạy” do thầy mo dẫn đầu. Trống chiêng, tù và dồn dập nổi lên tưng bừng, náo nức.
- Trò “làm ăn sinh sống” theo hình thức “dương chạy”. Dàn thanh niên, diễn viên vừa hát vừa múa các động tác diễn tả các công việc lao động sản xuất như: phát nương, tra hạt, thu hoạch, phơi lúa ngô, xay giã, quạt sạch, thổi nấu. Kết thúc điệu múa là màn “dương chạy” do thầy cúng dẫn đầu, thanh niên tay cầm dao gỗ chạy theo sau để xua đuổi yêu quái ra khỏi bản làng.
- Trò “múa rùa” gồm vài chục thanh niên ăn mặc gọn gàng, đeo cây đèn quanh mình, cùng thầy cúng săn tìm và bắt rùa. Họ làm các động tác: săm soi, nghiêng ngó, tìm kiếm và khi thấy rùa thì bắt rùa,, trói rùa, mổ rùa, giết rùa, xào rùa và dâng lên hiến cúng Bàn Vương.
Tuỳ theo thời gian những trò diễn múa này được diễn ít nhất hai lần trong ngày, rồi mới dừng nghỉ để ăn uống.
Trò diễn là một sự thể hiện cụ thể lòng biết ơn của những người đang sống với ông tổ của người Dao là Bàn Vương, với ông bà tổ tiên, với những người thân và cuộc sống hiện tại. Đây là một nét đẹp văn hoá cổ truyền đã ngấm sâu vào các thế hệ người Dao vùng Hà Nội mở rộng cũng như trên cả nước.
Đó là bức tranh tả thực về trò diễn múa Tết nhảy của đồng bào Dao ở Ba Vì được giới thiệu trong cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian”. Trong cuốn sách này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cùng các cộng sự căn cứ trên 3 tiêu chí về quy mô lễ hội, về tính biểu tượng cho việc thờ cúng, việc tôn vinh, về trò chơi, trò diễn dân gian để chọn lọc giới thiệu 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian trong hàng trăm lễ hội, hàng trăm trò chơi và trò diễn Thăng Long xưa - Hà Nội nay. Có thể thấy, những trò chơi, trò diễn đều gắn với lễ hội ở một địa danh thuộc vùng Thăng Long – Hà Nội. Tất cả lễ hội, tất cả trò chơi và trò diễn tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội.
Có thể khẳng định, khi đọc, nghiên cứu, tìm hiểu hiểu lễ hội, trò chơi và trò diễn dân gian cũng là một trong những phương thức tiếp cận với lịch sử, nhìn nhận lịch sử, nuôi giữ gây dựng lòng yêu nước, yêu nhân dân của mỗi con người chúng ta. Cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa và di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội.
Viết Nguyễn