Trò thi đẩy gậy làng Bộ Đầu thể hiện tinh thần thượng võ và gây được hưng phấn cho những người tham dự
Hầu hết các nam thanh niên của làng tham dự lễ hội đều chơi múa gậy. Gậy múa là đoạn tre dài 2,5m đến 2,8m. Gậy được dán giấy thành các vòng xanh đỏ trắng trông đẹp mắt.
Đầu tiên từng cặp đấu, đầu quấn khăn đầu rìu, áo chẽn đỏ hoặc trắng, eo thắt bao đỏ, chân quấn xà cạp, đứng theo hàng chống gậy trước cửa đền. Khi có hiệu lệnh, họ dùng chân phải đá gậy tung lên rồi tiện tay bắt lấy và bắt đầu ba lần múa gậy đi vào rồi múa gậy đi ra để chào thánh và chào người xem.
Tiếp đó họ thao diễn 5 bài múa gậy cơ bản. Đó là: Múa vớt (bước lên 3 bước, bước lui 3 bước, tay đưa gậy hớt trước mặt); múa ráo đất (tay cầm gậy giơ lên phía trước rồi đưa gậy cặp nách quay người lại phía sau); múa vắt khăn (đưa gậy xuống 3 lần rồi chuyển qua sau gáy và đưa gậy ra đỡ); múa quét chợ (đưa gậy lùa qua đầu, đánh gậy quét qua chân để đối phương nhảy lên tránh); múa đánh lá lật (múa gậy tròn trên đầu, đánh gậy xuống, quay 180 độ đánh sang phía phải rồi đánh sang phía trái; múa vắt khăn (đưa gậy xuống 3 lần rồi chuyển qua sau gáy và đưa gậy ra đỡ). Múa thao diễn xong, cuộc tỉ thí bắt đầu. Từng cặp một vào múa đối kháng. Cả hai đều đi đủ 5 bài cơ bản song cấm chọc táo, chống bổ thượng. Khi vào thế quét chợ, phải báo trước để đối phương biết trước nhảy lên tránh đòn. Ai thua do bị dính đòn đầu gậy có quét qua bể vôi) hoặc bị gậy rời khỏi tay.
Tay gậy nào thắng liền 3 đối tượng sẽ đứng giữ ngôi chủ gậy. Người vào phá thắng 2 hiệp mới coi là được cuộc. Còn người đứng giữ ngôi chủ gậy, đến hết hội không ai phá nổi sẽ là người thắng cuộc cuối cùng, được nhận phần thưởng của làng gồm một vuông vải điều, một bao chè và một bao thuốc.
Trò thi múa gậy ở hội đền Bộ Đầu hay và độc đáo, có truyền thống lâu đời, thể hiện tinh thần thượng võ và gây được hưng phấn cho những người tham dự. Đây cũng là một trong những trò chơi trên cạn hấp dẫn xưa nay.
Trên đây là những nét khái quát về trò chơi đẩy gậy làng Bộ Đầu. Để tìm hiểu về một số trò chơi nổi tiếng khác của Thăng Long – Hà Nội bạn đọc có thể tham khảo cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” là một tập trong bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Bộ sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. Trong cuốn sách, bạn đọc sẽ được tìm hiểu 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian trong hàng trăm lễ hội, hàng trăm trò chơi và trò diễn Thăng Long xưa - Hà Nội nay. Về trò chơi, cuốn sách giới thiệu 10 trò chơi mang tính tiêu biểu, đại diện nhất: Trò kéo lửa làng Từ Vân, trò thi đẩy gậy làng Bộ Đầu, trò bắt chạch trong chum làng Bạch Trữ, trò kéo mỏ hội làng Ngải Khê, trò vật lầu trùng trinh của đồng bào Mường xã Tiến Xuân, trò ném giỏ hội làng Ninh Hiệp, trò thổi cơm thi làng Thị Cấm, trò “ội ại” trong hội làng Miêng Hạ, trò thi thả diều làng Bá Giang, trò thi bắt vịt trên sông trong hội làng Chuôn Ngọ. Đi sâu vào nội dung của hàng trăm lễ hội và trò chơi, trò diễn, người đọc, người xem, người tham dự còn cảm nhận được dấu vết, ý nghĩa lịch sử qua các nhân vật lịch sử, qua các sự kiện lịch sử và qua các tích trò được khai sinh hoặc có nguồn gốc từ trong lịch sử. Cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” cùng những tập sách với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu của bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Huy Giang