Trò thuỷ chiến cửa đình hội làng Khê Hồi - một trò diễn mang tinh thần thượng võ dưới nước phỏng theo tích Ngô Quyền phá quân Nam Hán và Hưng Đạo Vương diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng
Trò thuỷ chiến cửa đình hội làng Khê Hồi gọi là trò thuỷ chiến vì có chia ra quân xanh quân đỏ giao đấu với nhau bằng bè mảng. Mỗi bè mảng là một chiến thuyền. Giữa bè dựng một bù nhìn - một chủ tướng mặc giáp trụ, đeo mặt nạ, cầm một binh khí bằng gỗ cắm cờ hiệu bên ta, bên địch. Mỗi bên ta hoặc bên địch thường chuẩn bị ba bè ứng với 3 thuyền chiến. Trên mỗi bè còn có 6 tráng binh với 6 tay chèo chít khăn đầu rìu màu xanh (ứng với bên địch) hoặc khăn đầu rìu màu đỏ (ứng với bên ta), mình trần, quần lửng chẽn bó. Mục tiêu của trò diễn là bằng mọi cách bên này phải xô cho được chủ tướng của bên kia ngã xuống nước. Hễ bên nào hoàn thành nhanh gọn được mục tiêu là bên ấy thắng.
Mở đầu của trò diễn thường là cuộc diễu hành. Cả 6 bè chiến bên ta bên địch diễu một vòng quanh ao chào các khán giả bốn phía ao đình. Tiếp đó là cuộc thi đua chèo theo chiều rộng của ao đình. Trước giờ xuất phát, các bè xếp hàng ngang nhau. Khi người chỉ huy trò diễn phát lệnh bằng loa thì nhất loạt cả 6 bè đều đua chèo xem ai đến đích trước. Cảnh tượng cuộc đua tài thật hào hùng khi các tráng binh quạt chèo theo nhịp đưa bè lao như tên lên phía trước. Phần thưởng cuộc đua chỉ là một lá cờ được cắm trên bè thắng cuộc.
Ngay sau cuộc đua chèo bè là trò diễn thuỷ chiến cửa đình. Thường thì bên xanh từ bên kia vòm đình tiến sang, còn bên đỏ nghênh chiến ngay ở ao nhà. Tiếng trống trận thì thùng nổi lên và tiếng reo hò cổ vũ của khán giả làm cho hai bên thêm phần hăng hái. Từng đôi bè một áp sát vào nhau và tráng binh bên này bỏ mái chèo nhảy sang bè bên kia xô vị chủ tướng xuống nước. Trò diễn cứ thế tiếp tục khiến cho toàn bộ số người tham gia đều ướt như chuột lột. Đến lúc đó thì hầu hết các bè chuối đều bị tan tác, các hình nộm lênh đênh trên mặt nước, các binh khí bằng gỗ sơn cũng nổi lềnh bềnh.
Trận thuỷ chiến kết thúc không có bên thắng, bên thua. Người ta thu nhặt lại những thứ cần thiết, còn để lại những thân cây chuối rải rác khắp mặt ao.
Đây là một trò diễn mang tinh thần thượng võ dưới nước phỏng theo tích Ngô Quyền phá quân Nam Hán và Hưng Đạo Vương diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng. Trò diễn rất thích hợp với cư dân đồng bằng Bắc Bộ có nhiều ao chuôm, nhiều sông ngòi. Trò diễn cũng là dịp trai làng làm quen với việc bơi lội lặn ngụp dưới nước, thiết thực chống úng lụt bão lũ.
Trên đây là vài nét phân tích về trò thuỷ chiến cửa đình hội làng Khê Hồi được giới thiệu trong cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian”. Trong cuốn sách này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cùng các cộng sự căn cứ trên 3 tiêu chí về quy mô lễ hội, về tính biểu tượng cho việc thờ cúng, việc tôn vinh, về trò chơi, trò diễn dân gian để chọn lọc giới thiệu 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian trong hàng trăm lễ hội, hàng trăm trò chơi và trò diễn Thăng Long xưa - Hà Nội nay. Có thể thấy, những trò chơi, trò diễn đều gắn với lễ hội ở một địa danh thuộc vùng Thăng Long – Hà Nội. Và khi đọc, nghiên cứu, tìm hiểu hiểu lễ hội, trò chơi và trò diễn dân gian cũng là một trong những phương thức tiếp cận với lịch sử, nhìn nhận lịch sử, nuôi giữ gây dựng lòng yêu nước, yêu nhân dân của mỗi con người chúng ta. Cuốn sách này cùng những tập sách của bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa và di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội. Tất cả lễ hội, tất cả trò chơi và trò diễn được giới thiệu trong cuốn sách cũng như được lưu truyền tại các lễ hội của làng, xã, phố, phường Hà Nội hiện nay tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội.
Viết Nguyễn