Trò múa hát dô đền Khánh Xuân thể hiện tín ngưỡng dân gian thờ cúng đức Thánh Tản của cộng đồng cư dân vùng xung quanh dãy núi Ba Vì
Từ giữa tháng Tám âm lịch, cửa đền được mở để dân làm lễ xin Thánh cho hạ sách hát, sao chép bài bản, chuẩn bị đợt tập hát. Ngay sau đó, các thôn đã tuyển chọn vào phường hát những cô gái, chàng trai có năng khiếu ca hát, có gia phong tốt đẹp, lại không có tang, để tập luyện dưới sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm. Thường những nhà hằng tâm, hằng sản đăng cai chứa đám. Những tháng đầu, chỉ tập ban đêm. Đến tháng Chạp tập cả ban ngày. Dịp này, những nhà có con được vào phường, mời thợ may ở Nủa xuống may quần áo cho con ngay tại nhà. Có nhà phải bán cả suất ruộng ít ỏi để chi phí vì không chịu thua chị kém em.
Trong đội hình diễn xướng, chỉ huy có tám đến hai mươi nữ làm con hát (còn gọi là bạn nàng) đảm nhiệm phần hát xô, đồng ca và múa phụ hoạ. Cái hát từ tuổi 16 đến 18, mặc quần trắng, áo the, khăn đóng, tay cầm sênh.
Bạn nàng chia ra lớp bạn nàng mẹ từ 14 đến 17 tuổi, bạn nàng con từ 12 đến 13 tuổi. Hai thôn Đại Phu, Vĩnh Phú mới có hai lớp bạn nàng này. Các thôn khác chỉ có bạn nàng mẹ.
Các bạn nàng tóc vấn bỏ đuôi gà, cổ đeo chuỗi hạt vàng, mặc áo năm thân đóng mớ ba, đi dép cong, cầm quạt. Tại ngón tay đeo nhẫn còn đeo một túi vải nhỏ hình múi cam có tua chỉ ngũ sắc.
Khi chầu hát thờ bắt đầu, cái hát dùng sênh làm hiệu dẫn bạn nàng vào chiếu. Đội hình ổn định theo hàng ngang, cái đứng trên một hàng. Nếu đủ số bạn nàng thi trên là bạn nàng mẹ, dưới là bạn nàng con.
Người cái hát xướng, bạn nàng phụ hoạ. Khi hát, bạn nàng vừa hát vừa múa minh hoạ theo nội dung từng đoạn hát như: múa quạt, bắn cung, chèo đò, hái hoa, dệt cửi… Đạo cụ chính, được sử dụng rất linh hoạt là chiếc quạt như lời ca có câu:
Hỡi bạn nàng ta
Nào mở quạt ra
Múa cho mềm mại
Đội hình di động lên, xuống đơn giản tại nơi đứng hát.
Mỗi chầu hát của mỗi thôn thường dài không quá nửa giờ. Khai chầu là hát giáo đầu có tính giới thiệu nội dung, mục đích của hội hát, sau đó đến phần cầu chúc Thánh:
Bước chân vào tôi chầu Thánh Cả
Bước chân tôi tạ thiền quan
Đức Thánh Cả vâng chạ cho an
Vâng lấy chúng tôi an lành
Lời ca khẩn Thánh ban cho dân học hành đỗ đạt, nông tang được mùa, chăn nuôi nghề nghiệp phát triển, sức khoẻ dồi dào… tiếp theo đó là mừng xuân, là kể chuyện bốn mùa cỏ cây hoa lá.
Về nửa cuối của chầu hát, cuộc sống đời thường được tái hiện sinh động với nội dung mô tả cảnh trái gái du thuyền bến tiên, cảnh tập trận bắn cung, cảnh kéo thuyền bủa lưới đánh cá… Tiết tấu bài ca mạnh mẽ, gấp gáp dần lên đặc biệt là phần xô đưa đà huầy dô dô huầy… được nhấn nhá, khoa trương gây một ấn tượng khó quên khi chầu hát kết thúc. Và sau đó, đến phường của thôn khác tiếp nối cuộc hát đấu cho đến hết lượt 6 phường.
Trò múa hát dô đền Khánh Xuân thể hiện tín ngưỡng dân gian thờ cúng đức Thánh Tản của cộng đồng cư dân vùng xung quanh dãy núi Ba Vì. Đối với cư dân bản địa, Thánh Tản Viên là đáng cứu thế, đấng sáng tạo nên cuộc sống của họ. Vì vậy mà trò diễn hát dô là sự tái hiện nguồn cội, cầu chúc đức Thánh Tản, cầu cho cuộc sống của cư dân ngày một an khang thịnh vượng hơn.
Qua những hình ảnh giới thiệu về trò diễn múa hát dô diễn ra ở đền Khánh Xuân trong cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian”, chúng ta có thể cảm nhận được những giá trị văn hoá trong trò diễn này. Tiếp cận cuốn sách, chúng ta thấy Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cùng các cộng sự căn cứ trên 3 tiêu chí về quy mô lễ hội, về tính biểu tượng cho việc thờ cúng, việc tôn vinh, về trò chơi, trò diễn dân gian để chọn lọc giới thiệu 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian trong hàng trăm lễ hội, hàng trăm trò chơi và trò diễn Thăng Long xưa - Hà Nội nay. Những trò chơi, trò diễn đều gắn với lễ hội ở một địa danh thuộc vùng Thăng Long – Hà Nội. Tất cả lễ hội, tất cả trò chơi và trò diễn tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội.
Cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” cùng những tập sách với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu của bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa và di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội. Bên cạnh đó, độc giả có thể tham khảo bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc mảng sách Tư liệu - Tổng hợp trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, gồm 10 tập, với dung lượng hơn 10.000 trang. Bộ sách giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay.
Huy Giang