Trò thi thả diều làng Bá Giang thể hiện sự khéo tay, trí tuệ trác việt và nét đẹp văn hoá của người nông dân
Để có cuộc thi thả điều mỹ mãn và hoành tráng, người làng Bá ngay từ tháng Tám năm trước đã chọn tre, mua giấy, khoét sáo, vót dây. Công việc làm diều rất tỉ mỉ và cũng rất công phu. Dây diều xưa làm bằng tre đủ tuổi, vót đều nối dài rồi cuộn lại ngâm vào nước quả cây chuối hột và muối. Sau dó họ cho vào nồi đồng 30 lít nước đun ninh một đêm để cho cuộn dây vừa mềm mại, vừa dẻo dai. Số diều đan bằng nan tre dựng hình ống rồi đun sơn ta phủ khắp gắn với miệng sáo làm bằng gỗ vàng tâm. Nhờ vậy mà tiếng sáo vừa réo rắt thánh thót, vừa trầm ấm lúc hạ thấp độ cao.
Ngày rằm tháng Ba năm sau làng Bá Giang vào hội. Sau phần tế lễ, phần rước bánh giấy, đến phần thi thả diều bắt đầu.
Mở đầu là lễ trình diều. Toàn bộ những người dự thi đều mang diều đến lễ trình trước cửa miếu. Có nhiều chiếc diều nhỏ chỉ dài 1m. Riêng chiếc diều biểu tượng như đã trình bày ở phần trên dài tới 5m. Gữa buổi chiều miền quê, khi gió nồm nam thổi lộng, lúa chiêm xuân đang thì con gái, bờ đê cao thoáng đãng phút chốc hàng mấy chục con diều cất cánh lên không trung bao la và xanh trong thật tuyệt vời. Người xem diều bay đứng trên bờ đê, ngồi ngay sân nhà mình trong các xóm ngõ hoặc đang hý hoáy làm cỏ xuân nơi cánh ruộng ngước lên đâu đâu cũng xem được những cánh diều bay, đâu đâu cũng nghe được tiếng sáo ngân nga. Cảnh tượng thật là ngoạn mục ít thấy xưa nay. Thi thoảng lại có cánh diều đứt dây bay tít ra sông. Lại có những cặp diều đan chéo vào nhau và cùng rơi khiến cho những cuộc hò reo rộn rã vang khắp không gian. Thật đúng là ở chốn nhân gian thanh bình, nghe đâu đây tiếng “chuông Bồng, cồng Bá” như từ cõi tiên cảnh hiện về.
Cuộc thi thả diều kéo dài từ 1h đến 2h tuỳ theo sự trợ giúp của gió xuân. Theo thời gian, số diều tham gia bay giảm dần. Cuối cùng chỉ còn lại trên dưới 10 chiếc diều lọt vào chung kết giải. Ban tổ chức chấm giải tụ họp ở cửa đền Châu Trần. Tất cả những chủ diều mang dây diều của diều mình cột vào hàng mốc cắm trước cửa dền, điều chỉnh sao cho cánh diều của họ ở trên cao ứng với khoảng nóc miếu thờ tướng Cả. Diều nào đạt các tiêu chuẩn bay cao, ổn định và có tiếng sáo hay sẽ được nhận giải Nhất, Nhì hoặc Ba. Ban tổ chức tuyên bố giải thưởng xong các chủ diều nhận giải gồm có cờ xếp và tặng vào làm lễ tạ thần. Cùng lúc đó hội thi kết thúc nhưng họ vẫn để cho diều ngân nga lượn bay mãi mãi để “hầu Thánh” cho đến tận đêm khuya ngày 15 tháng Ba mới thôi.
Trò thi thả diều trong hội làng Bá Giang là để kỷ niệm danh nhân thời vua Đinh Tiên Hoàng: tướng Nguyễn Cả. Ông vốn là người làng được sinh ra một cách huyền ảo từ hòn đá trên đê cao, rồi cũng hoá một cách lạ lùng bay lên trời xanh biếc theo cha khỉ giống như một cánh diều vút lên không trung. Đây chính là sự tri ân tổ tiên nguồn cội để lớp con cháu đời sau mãi mãi nhớ ghi.
Cuộc thi thả diều còn thể hiện sự khéo tay, trí tuệ trác việt và nét đẹp văn hoá của người nông dân tuy chân lấm tay bùn, tuy cuộc sống còn nhiều khốn khó song không thiếu những ước mơ bay bổng, những âm thanh réo rắt ngân nga. Đẹp và tuyệt vời biết bao khi cứ năm nào dân làng Bá Giang tổ chức được một trò thi thả diều mỹ mãn và hoành tráng thì năm đó họ cũng thu hoạch được một vụ chiêm xuân, một vụ mùa tháng Mười hoà cốc phong đăng. Vì vậy mà cho tới ngày nay, hội làng Bá Giang vẫn có trò thi thả diều. Họ còn mang những cánh diều của làng lên tham dự Ngày hội văn hoá huyện Đan Phượng.
Với những nét khái quát về trò thi thả diều làng Bá Giang được trình bày ở trên,. để bạn đọc có thêm kiến thức khi tìm hiểu về một số trò chơi nổi tiếng khác của Thăng Long – Hà Nội, có thể tham khảo cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” là một tập trong bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Những trò chơi, trò diễn đều gắn với lễ hội ở một địa danh thuộc vùng Thăng Long – Hà Nội. Tất cả lễ hội, tất cả trò chơi và trò diễn tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội. Đi sâu vào nội dung của hàng trăm lễ hội và trò chơi, trò diễn, người đọc, người xem, người tham dự còn cảm nhận được ý nghĩa lịch sử qua các nhân vật lịch sử, qua các sự kiện lịch sử và qua các tích trò được khai sinh hoặc có nguồn gốc từ trong lịch sử. Cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” cùng những tập sách với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu của bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Nguyễn Huy