Tìm hiểu về di tích văn hoá Phùng Nguyên tại địa điểm Đàn Xã Tắc qua những trang sách “Di tích khảo cổ Đàn Xã Tắc Thăng Long - Thăng Long - Xã Tắc Altar archaeological site”
Phùng Nguyên là tên một giai đoạn văn hoá thuộc sơ kỳ thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam, có niên đại khoảng 4.000 đến 3.500 năm cách ngày nay. Thời đại kim khí này trong khảo cổ học được gọi là thời đại Đồng thau - Sắt sớm. Ở Việt Nam, thời kỳ này bao gồm 4 giai đoạn văn hoá sau:
- Văn hoá Phùng Nguyên: lấy tên địa diểm khảo cổ học Phùng Nguyên (Phú Thọ), có niên đại khoảng 4.000 – 3.500 năm cách ngày nay.
- Văn hoá Đồng Đậu: lấy tên địa điểm khảo cổ học Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), có niên đại khoảng 3.500 – 3.000 năm cách ngày nay.
- Văn hoá Gò Mun: lấy tên địa điểm khảo cổ học Gò Mun (Phú Thọ), có niên đại khoảng 3.000 – 2.700 năm cách ngày nay.
- Văn hoá Đông Sơn: lấy tên địa điểm khảo cổ học Đông Sơn (Thanh Hoá) có niên đại khoảng thế kỷ VI – VII Tr.CN đến thế kỷ I – II CN.
Giai đoạn văn hoá này, người Việt cổ đã đưa kỹ nghệ sản xuất đồ đá và nghệ thuật trang trí đồ gốm tới đỉnh cao và bắt đầu biết tới kỹ nghệ luyện kim màu: kỹ nghệ sản xuất đồ đồng. Các thành tựu có tính chất đột phá trong sản xuất đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Quá trình hình thành dân tộc Việt Nam có thể coi như được bắt đầu từ khoảng thời gian này.
Văn hoá Phùng Nguyên phân bố chủ yếu ở khu vực trung du (Phú Thọ, Vĩnh Phúc) và một phần đồng bằng Bắc Bộ (Bắc Ninh, Hà Tây cũ và Hà Nội cũ). Trong quá trình tiến về khai phá khu vực nội thành Hà Nội, trung tâm của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Đó là một quá trình dần dần và lâu dài. Trước hết người Phùng Nguyên định cư chiếm khu vực Văn Điển (xã Tam Môn, huyện Thanh Trì) Văn hoá Phùng Nguyên được phân thành 3 giai đoạn phát triển thì di chỉ Văn Điển được xếp vào giai đoạn 2 sau các di tích tiêu biểu của giai đoạn 1 là Gò Bông, Đồng Chỗ và Gò Hội. Từ Văn Điển, người Phùng Nguyên dần dần mở rộng địa bàn sinh sống ra các khu vực xung quanh, mà di chỉ Gò Cây Táo (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) là ví dụ. Di chỉ Gò Cây Táo được xếp vào giai đoạn 3 tức là giai đoạn cuối của văn hoá Phùng Nguyên.
Lớp văn hoá Phùng nguyên ở địa điểm Đàn Xã Tắc cho thấy người Phùng Nguyên đã tiến rất sâu vào khu vực trung tâm nội thành Hà Nội. Có thể nói đây là di tích chứng tỏ sự chiếm cư sớm nhất của người Việt cổ ở trung tâm nội thành Hà Nội. Bởi vậy lớp văn hoá Phùng Nguyên góp phần phản ánh lịch sử và văn hoá Hà Nội khoảng 3.500 năm cách ngày nay.
Trước hết di chỉ cho phép tìm hiểu thêm cảnh quan thiên nhiên Hà Nội thời văn hoá Phùng Nguyên.
Có thể hình dung lúc này, sau biển tiến Flandrian (biển tiến diễn ra từ khoảng 10.000 năm cho đến khoảng 5.000 năm cách ngày nay), diện mạo khu vực nội thành Hà Nội và các vùng phụ cận là vùng đất có những gò cao, những vùng đất bằng xen lẫn nhiều đầm hồ sông ngòi chằng chịt với cảnh quan đặc trưng là rừng rậm - đầm lầy.
Kết quả nghiên cứu khoan địa chất, các kết quả nghiên cứu phân tích độ hạt, phân tích bào tử phấn hoa, phân tích tảo biển, phân tích khoáng vật, phân tích hoá ở địa điểm Đàn Xã Tắc đã cho phép phục dựng lại quá trình hình thành địa hình vùng đất này từ khoảng 6.000 năm trở lại đây.
Ở khu vực Đàn Xã Tắc, người Phùng Nguyên không cư trú ở khu vực trung tâm, mà phần bố tập trung về phía nam và đông nam. Đây là quy luật rất phổ biến của nhiều làng cổ Phùng Nguyên ở các nơi khác bởi hướng nam thường được xem là hướng mát mẻ, thuận tiện cho việc cư trú sinh sống.
Người Phùng Nguyên ở địa điểm Đàn Xã Tắc có rìu, bôn. Những chiếc rìu ở đây đều có kích thước nhỏ được mài nhẵn toàn thân, thể hiện trình độ cao của kỹ thuật sản xuất đồ đá. Với những chiếc rìu, bôn sắc bén, công cụ sản xuất tiên tiến nhất ngày ấy, người Phùng Nguyên có thể chặt phát cỏ, khai phá miền đồng bằng còn nguyên sơ của Hà Nội, lập nên xóm làng đầu tiên ở giữa lòng Hà Nội.
Theo kết quả nghiên cứu của khảo cổ học về văn hoá Phùng Nguyên thì vào thời kỳ này, người Phùng Nguyên đã biết đến nghề trồng lúa nước, đã biết chăn nuôi gia súc kết hợp với săn bắn, đánh cá. Người Phùng Nguyên cũng đã biết đến nghề đan lát, nghề dệt và thành tựu vĩ đại có tính đột phá được xác lập: bắt đầu biết kỹ nghệ luyện kim chế tác đồ uống. Tư duy mỹ học, tư duy mang tính khoa học của người Phùng Nguyên cũng đã có các thành tựu đáng kinh ngạc.
Người Phùng Nguyên ở Hà Nội không giàu có, phong phú như người Phùng Nguyên ở vùng trung du. Những người Phùng Nguyên đi tiên phong trong việc tiến sâu về vùng trung tâm nội thành Hà Nội mà địa điểm đầu tiên và có thể cũng là duy nhất chính là địa điểm Đàn Xã Tắc. Và chắc chắn đây cũng là cái lõi sự thật của lịch sử cho truyền thuyết về ông Lý Tiến ở 27 Hàng Cá từng đem quân đi theo ông Gióng đánh giặc Ân ở vùng Quế Võ (Bắc Ninh), làm rạng rỡ trang sử dựng và giữ nước đầu tiên của người Hà Nội đầu tiên khai phá vùng đất kinh đô.
Địa điểm Đàn Xã Tắc ẩn chứa dấu tích của ba thời kỳ khác nhau:
- Thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên khoảng 3.500 năm ách ngày nay.
- Thời kỳ văn hoá Việt Nam khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên.
- Thời kỳ có dấu tích của đàn Xã Tắc các thời Lý – Trần – Lê chồng xếp lên nhau ở gần cùng một vị trí, thế kỷ XI – XVIII.
Dấu tích đàn Xã Tắc góp phần nhận diện rõ hơn cấu trúc của kinh thành Thăng Long nghìn tuổi với các giá trị lịch sử văn hoá nổi bật mang tầm cỡ khu vực và thế giới.
Dấu tích của lớp văn hoá 10 thế kỷ sau Công nguyên và lớp văn hoá Phùng Nguyên cho phép tìm hiểu lịch sử Thăng Long – Hà Nội ngược lên 2.000 năm và 3.500 năm cách ngày nay.
Dấu tích đàn Xã Tắc biểu trưng của sự trường tồn và phồn thịnh quốc gia, dấu tích của cuộc đấu tranh bất khuất nghìn năm chống Bắc thuộc, dấu tích văn hoá Phùng Nguyên chồng xếp lên nhau ở địa điểm Đàn Xã Tắc. Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên giàu ý nghĩa lịch sử và văn hoá nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Mai Hương