Ruộng đất thời Lý gồm có ruộng công (Quốc khố điền, Đồn điền, Tịch điền, Sơn lăng, Ruộng công làng xã, Ruộng thác đao và ấp thang mộc) (1), ruộng tư và đặc biệt, do Phật giáo phát triển mạnh nên nhà chùa sở hữu một bộ phận lớn ruộng đất (không thuộc ruộng công lẫn ruộng tư). Để phát triển nghề nông, triều đình ra những biện pháp như quy tập người tha hương trở về quê quán để đảm bảo sức lao động ở nông thôn; trị nặng tội ăn trộm và giết trâu bò bừa bãi. Nhờ sự quan tâm phát triển nông nghiệp và làm thủy lợi của nhà Lý, đời sống nhân dân tương đối ổn định.
Thủ công nghiệp cũng rất phát triển dưới thời nhà Lý. Trong cung đình, những người thợ thủ công lao động cho triều đình gọi là thợ bách tác. Sản phẩm họ làm ra để phục vụ hoàng cung. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 2 năm 1040, "Vua Lý Thái Tông đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan,từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa". (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 2)
Trong dân gian, nghề chăn tằm ươm tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, xây dựng đền đài, cung điện, nhà cửa rất phát triển. Ngoài ra, nghề làm đồ trang sức bằng vàng, bạc, nghề làm giấy, nghề in bảng gỗ, đúc đồng, rèn sắt, nhuộm vải, khai thác vàng lộ thiên…đều được mở rộng. Có những công trình do bàn tay người thợ thủ công Đại Việt tạo dựng nên rất nổi tiếng như chuông Quy Điền, tháp Bảo Thiên Thăng Long .
Thương nghiệp cũng phát triển mạnh. Cảng Vân Đồn có vị trí rất quan trọng cho hoạt động ngoại thương, nằm trên trục hàng hải từ Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, nơi này còn thuận lợi cho việc đỗ tàu thuyền. Ngoài Vân Đồn, vùng biển Diễn châu cũng là nơi có hoạt động ngoại thương phát triển(Trương Hữu Quýnh, 2008).Tại vùng biên giới, những người dân tộc thiểu số cũng qua lại buôn bán với nhau. Theo sách Lĩnh ngoại đại đáp của Nam Tống, người Việt thời Lý thường sang Trung Quốc buôn bán qua hai ngả là trại Vĩnh Bình trên bộ, nằm ở biên giới với Ung Châu, và đường biển là cảng châu Khâm và Liêm. Nhà Lý cũng thường cử sứ giả sang buôn bán, gọi là "đại cương". Nhà Lý cử sứ giả sang Trung Quốc ba lần để thống nhất cân đo, tạo điều kiện cho buôn bán phát triển. Hàng hóa xuất khẩu của Đại Việt chủ yếu là thổ sản; hàng nhập khẩu bao gồm giấy, bút, tơ, vải, gấm. Các thương nhân Đại Việt thường mua trầm hương của Chiêm Thành để bán lại cho thương nhân người Tống. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm 1149 tháng 2, thuyền buôn của các nước Trảo Oa (Java), Lộ Lạc (có thể là một vùng của Xiêm La vào Hải Đông (tỉnh Quảng Ninh ngày nay), xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn hay năm 1184 tháng 3, người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề (Srivijaya ở đảo Sumatra) vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán. (ĐạiViệt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 4).
Do thương mại phát triển, nhu cầu trao đổi hàng hóa trong nước ngày càng tăng. Nhà Lý đúc tiền bằng hợp kim đồng. Tuy nhiên, tiền do triều đình đúc ra không đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông hàng hóa nên nhiều đồng tiền nhà Tống và thậm chí thời Đường vẫn được lưu hành trong nước. ( Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên, 2008)
Ngoài hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Chiêm Thành, vào thời nhà Lý, nhà Trần đã có buôn bán thêm với các vương quốc trong vùng Đông Nam Á tại cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), thời Hậu Lê có buôn bán thêm với Châu Âu, Nhật Bản tại các trung tâm như Thăng Long và Hội An.
Về văn hóa:
Nhà Lý còn nổi tiếng về nghệ thuật với kinh đô Thăng Long phỏng theo mô hình kinh thành Trường An của nhà Đường và Khai Phong của nhà Tống, tạo nên một quần thể kiến trúc vĩ đại và hoa lệ. Những hiện vật về mái ngói, linh thú trang trí trên nóc mái và các loại gạch lót cho thấy trình độ mỹ nghệ cao của các nghệ nhân thời Lý. Con Rồng thời Lý được xem là hình tượng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình đương thời. Ba trong 4 bảo vật của An Nam “tứ đại khí” là Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền và Tượng phật chùa Quỳnh Lâm được tạo ra trong thời đại nhà Lý. Cùng với sự sùng đạo Phật, những tinh hoa nhất của nghệ thuật thời Lý đa phần đều thể hiện qua các bức tượng Phật, chùa chiền, phản ánh sự xa hoa tột độ của Phật giáo thời Lý. ( Viện Sử học 1987).
Ở Thăng Long việc tổ chức đời sống đô thị đã trở nên nề nếp. Chẳng hạn quần áo, trang sức đã có sự phân biệt sang hèn: Vua mặc áo vàng, quần tía, răng đen, tóc búi cài trâm vàng; quan sĩ tử mặc áo dài thâm, cổ áo vòng khít, áo bốn vạt (tứ thân), quần thâm, tóc búi cài trâm sắt, chân đi dép da; dân thường mặc áo thâm hoặc dùng áo trắng, áo cánh viền cổ nhỏ, chân đất.
Văn hóa lối sống đô thị Thăng Long đời Lý vẫn mang nhiều nét của văn hóa xóm làng, nhất là tại các ấp trại. Tính cộng đồng thấy rõ ở mỗi trại, mỗi phường. Đạo đức, nếp sống của giới vua quan đã tách ra khỏi đạo đức, nếp sống dân gian nhưng chưa cách ly dân và vẫn gần dân.( Phan Đăng Long, 2014)
Trong thời Lý thơ văn phát triển khá rầm rộ, có tới hàng trăm tác giả nhưng trải qua các cuộc chiến tranh, lụt lội các sách vở đã bị hư hại nhiều, đặc biệt là chủ trương phá hủy văn hóa của nhà Minh thời kỳ đô hộ Đại Việt đã tịch thu hoặc tiêu hủy hầu hết chứng tích văn hóa thời nhà Lý. Một số văn bia các chùa còn lưu giữ các bài thơ, bài vịnh của thời này .Ngoài Chiếu dời đô và Nam quốc sơn hà, các tác phẩm đặc sắc thời này là Thiền Uyển tập anh, ghi lại hành trạng của 68 vị thiền sư, cùng 77 bài thơ, bài kệ. Một số tác gia thời này được truyền tới đời sau như các tác phẩm của thiền sư Viên Chiếu (999-1091), thiền sư Không Lộ (?-1119) và bài kệ "Sắc không" của Hoàng thái hậu Linh Nhân (Ỷ Lan).
Lê Ngân