Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Đặc sắc lễ hội văn hoá truyền thống phường Hàng Bồ
Thứ tư, 18/12/2019 08:34

Phường Hàng Bồ nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Địa giới hành chính của phường hiện nay như sau: phía Đông giáp phường Hàng Đào, phía Tây giáp phường Cửa Đông và phường Hàng Mã, phía Nam giáp phường Hàng Gai và phía Bắc giáp phường Hàng Mã. Phường Hàng Bồ được chính thức thành lập theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa VIII, ngày 10/06/1981 về việc phân cấp quản lý cho chính quyền cấp Quận và Phường (thay thế Khu phố và Tiểu khu). Phường Hàng Bồ có đời sống văn hoá tinh thần khá phong phú với nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu là lễ hội đình Đông Thành (đình Hàng Vải), lễ hội đình Nhân Nội và lễ hội đình Thái Cam (Tân Khai). Chúng ta có thể tìm hiểu về các lễ hội truyền thống này qua cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tập 2 - Quận Hai Bà Trưng - Quận Hoàn Kiếm - Quận Hoàng Mai” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên, nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. Đây là bộ sách giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay.

Trước hết, tìm hiểu về đời sống vật chất - kinh tế của phường Hàng Bồ xưa, có thể thấy trong lịch sử, các phố trên địa bàn phường đều bán sản phẩm mang tên phố như: phố Lò Rèn, phố Hàng Bồ, phố Hàng Khóa, phố Hàng Gà, phố Bát Đàn (phố Hàng Chén), phố Hàng Dép, phố Bát Sứ, phố Hàng Vải, phố Hàng Bút. Hiện nay, phố Lò Rèn trong phường vẫn còn giữ được nghề truyền thống mang tên phố, các sản phẩm của nghề rèn với nguyên liệu từ tôn, sắt vẫn ít nhiều được sản xuất ở đây như thùng, xô, chậu…

Quay trở lại về đời sống lễ hội của phường Hàng Bồ, chúng ta sẽ tìm hiểu về Lễ hội đình Đông Thành (đình Hàng Vải). Đình Đông Thành có địa chỉ tại số 7, phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 28/10/2013. Lễ hội đình Đông Thành là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 và mồng 9 tháng 9 âm lịch tại phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội để tưởng niệm Huyền Thiên Hắc Đế. Đình Đông Thành là một trong năm đình đền Hà Nội thờ thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, người có công lớn trong việc chống lại những thế lực hắc ám từ phía Bắc kinh thành, bảo vệ đất nước. Mỗi năm, đình có hai kỳ lễ chính vào các ngày mồng 2, 3, 4 tháng 3 và mồng 8, 9, 10 tháng 9 âm lịch. Đây là lễ tế Xuân Thu nhị kì tại đình. Trong ngày lễ có dâng hương lễ thánh cùng nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc.

Lễ hội thứ hai của phường Hàng Bồ là Lễ hội đình Nhân Nội. Đây là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, lễ hội do cấp phường tổ chức, cấp quận quản lý để tưởng niệm thần Bạch Mã. Đình Nhân Nội thờ thần Long Đỗ đại vương, biệt hiệu là Bạch Mã Đại Vương. Tương truyền, năm 1010 khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần thành đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, cho đắp đất xây thành, thành mới đứng vững. Để ghi nhớ ơn, thần được vua Lý Thái Tổ phong làm Thành hoàng của kinh thành Thăng Long. Trong các vị thần thiêng ở Long Thành, Bạch Mã đại vương được coi là linh thiêng nhất.

Lễ hội thứ ba của phường Hàng Bồ là Lễ hội đình Thái Cam (Tân Khai). Đây là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức vào ngày 16 tháng 4 âm lịch, do cấp phường tổ chức, cấp quận quản lý để tưởng niệm ba vị thần là Tô Lịch, Thiết Lâm, Bạch Mã. Đình Tân Khai thờ ba vị thành hoàng làng đã có công giúp vua Lý Công Uẩn xây dựng thành Thăng Long, và trở thành những vị thần bảo hộ cho kinh đô.

Vị thần đầu tiên là thần Tô Lịch. Ngài là vị thành hoàng đầu tiên ở nước ta được hai viên quan đô hộ nhà Đường là Lý Nguyên Hỷ (Gia) và Cao Biền phong theo đúng tiêu chuẩn Bắc phương, do nghĩa: “Thành” là cái thành, “Hoàng” là cái hào khô bao quanh thành, thành hoàng là vị thần bảo vệ thành luỹ. Vị thần thứ hai là thần Bạch Mã (còn gọi là thần Long Đỗ). Tương truyền, khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long xây dựng kinh thành gặp nhiều khó khăn, nhiều lần thành đắp lên rồi lại đổ. Vua cho người cầu đảo ở đền thờ thần Long Đỗ, thì thấy một con ngựa trắng từ đền chạy ra một vòng quanh thành. Vua cứ theo vết chân ngựa rồi xây thành. Vua xuống chiếu phong Long Đỗ làm Thành hoàng và cho dân Thăng Long thờ, tước phong “Quảng Lợi Bạch Mã Tối Linh Thượng Đẳng Thần”. Vị thần thứ ba là thần Thiết Lâm (thần rừng lim), tương truyền đây là vị thần của vùng Hồ Tây. Nguồn gốc xuất xứ của vị thần này có lẽ bắt nguồn từ tín ngưỡng nguyên thuỷ cổ xưa của người Việt trong việc tôn sùng các lực lượng thiên nhiên (như thần cây đa, thần cây gạo…).

Bạn đọc yêu thích các lễ hội văn hoá truyền thống của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nói chung, tìm hiểu về đời sống văn hoá của phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm nói riêng có thể tìm đọc bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” do TS. Vũ Văn Quân chủ biên, thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.

Trang Thu

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá