Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Những di tích kiến trúc đình đền tiêu biểu xã Cổ Đông
Thứ tư, 18/12/2019 08:34

Xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 101-HĐBT, ngày 2/6/1982 của Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Cổ Đông thuộc huyện Ba Vì. Nằm trong vùng văn hoá thành cổ Sơn Tây, xã Cổ Đông là nơi có mật độ dày đặc các di tích đình, đền, chùa với lối kiến trúc đặc sắc. Bạn đọc có thể tìm hiểu về di sản vật thể vùng đất Cổ Đông này qua cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tập 8 - Thị xã Sơn Tây - Huyện Ba Vì - Huyện Thạch Thất” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên, nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.

Di tích kiến trúc thứ nhất có thể kể đến trên vùng đất Cổ Đông này là đình Cổ Liễn. Đình thờ Thượng tướng quân Thái úy Tây Quốc Công Nguyễn Kính. Theo sử sách, Nguyễn Kính sinh năm Mậu Thìn (1508), tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Năm 20 tuổi (1528) ông thi đậu tú tài, nhưng 4 năm sau mới ra làm quan. Năm 1538, khi 30 tuổi, ông được phong làm Tây Quận Công Trí Thành Tây vệ chỉ huy quân sự thành Sơn Tây. Ông là người có công lớn với nhà Mạc, giữ nhiều chức vụ quan trọng và được ban quốc tính họ Mạc. Năm 1568, ông về trí sỹ. Sau khi ông mất, nhân dân Cổ Liễn đã lập đền thờ và suy tôn ông làm Thành hoàng làng. Đình Cổ Liễn xưa có quy mô bề tế, to lớn. Theo các cụ kể lại thì đình xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Pháp đã phá hủy toàn bộ ngôi đình. Kiến trúc hiện nay là kết quả của lần trùng tu trong những năm gần đây. Đình quay hướng nam, kiến trúc hình chữ Nhị, gồm đại bái và hậu cung làm bằng gỗ mang phong cách truyền thống. Đình còn lưu giữ 3 đạo sắc phong, 1 giá văn, 1 bát hương sứ, 1 bộ long ngai bài vị, 1 tấm bia đá dựng năm Duy Tân 9 (1909)... có niên đại nghệ thuật thời Nguyễn.

Di tích kiến trúc thứ hai trên vùng đất này là đình Ngõ Bắc, đình thờ Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh và Lê Bảo Thông. Tản Viên Sơn Thánh có công đánh Thục Phán bảo vệ vương triều Hùng. Sau khi hóa ở núi Tản (Ba Vì), Tản Viên thường phù giúp cho các vua đời sau đánh thắng giặc, đất nước yên bình, được phong là Thượng đẳng thần, nhiều nơi thờ phụng. Cao Sơn và Quý Minh có công giúp vua Hùng nhiều lần đánh thắng Thục Phán. Cao Sơn và Quý Minh là hai thần ngự ở hai bên tả hữu của ba ngọn Ba Vì (Tản Viên ở giữa, Cao Sơn bên trái, Quý Minh bên phải). Lê Bảo Thông là vị nhân thần thời Lê, quê ở Ngõ Bắc tương truyền có công lớn trong việc giúp vua dẹp giặc nổi loạn, bảo vệ đất nước. Sau khi ông hoá, nhà vua phong tặng Thông minh chính trực quang vinh xa giá, và truyền cho nhân dân Ngõ Bắc lập đền miếu phụng thờ.

Căn cứ vào tấm bia đá Hậu thần bi kí niên hiệu Tự Đức thứ 10 (1858) có thể đoán định đình Ngõ Bắc được xây dựng trước mốc thời gian này. Đình quay hướng nam, kiến trúc chính gồm Đại bái và Hậu cung. Đại bái 3 gian 2 chái, bờ nóc mái làm kiểu bờ đinh, các bộ vì kèo làm kiểu thượng giá chiêng, hạ xà nách rường nách, bẩy hiên và bẩy hậu. Phía trước Đại bái, ở hai bên tường hồi có hai trụ biểu, trụ được nối với tường hồi Đại bái qua một bức tường lửng. Hậu cung 2 gian chạy dài vào phía trong tạo thành hình chuôi vồ. Bộ vì chính Hậu cung làm kiểu thượng chồng rường, hạ xà nách rường nách. Đặc biệt, tại gian giữa Hậu cung có gác lửng bên trên được cuốn vòm bằng ván bưng để làm nơi thờ thành hoàng. Đình còn lưu giữ 1 tấm bia đá Hậu thần bi kí niên hiệuTự Đức thứ 10(1858); 1 bộ long ngai chạm rồng; 1 bài vị mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII; hoành phi, câu đối, cùng nhiều đồ thờ tự khác như: lọ lộc bình, cờ, quạt, tán, lọng, nậm rượu...

Di tích kiến trúc thứ ba trên vùng đất này là đình Thiên Mã. Đình này cũng thờ ba vị thần là Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh. Căn cứ cuốn ngọc phả của đình soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và tấm bia đá niên hiệu Gia Long thứ 6 (1807) dựng tại đình, có thể đoán định đình xây dựng vào thời Hậu Lê và trùng tu vào thời Nguyễn. Đình quay hướng tây nam, kiến trúc gồm Nghi môn, tòa đình, hai dãy Tả - Hữu vu. Nghi môn xây kiểu trụ biểu, phía trên cùng của trụ biểu có đắp nổi hình trái dành cách điệu, thân trụ có câu đối chữ Hán. Phía trước tòa đình có dựng hai trụ biểu, đỉnh trụ có đắp nổi hình tứ linh và trái dành cách điệu, thân trụ đắp đôi câu đối chữ Hán. Qua sân lên đến tòa đình qua 5 bậc thềm bằng đá xanh, hai bên là đôi rồng đá xen lẫn với hoa văn mây mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Đình kết cấu hình chữ Đinh gồm đại bái và hậu cung. Đại bái 3 gian 2 chái, bờ nóc bờ đao đắp bờ đinh, 2 đầu bờ nóc là 2 con kìm bằng vôi vữa, bờ dải trang trí hình rồng cuộn cách điệu. Hai bộ vì gian giữa làm kiểu thượng giá chiêng rường nách, hạ tiền rường nách hậu kẻ, bẩy, hai bộ vì gian bên làm kiểu thượng ván mê chạm hổ phù, hạ chồng rường, kẻ suốt. Hậu cung 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, vì kèo kiểu thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ chuyền xà nách. Ở giữa hậu cung mở hệ thống cửa lửng, 2 bên mở 2 lối đi nhỏ vào cung cấm - nơi đặt long ngai bài vị các vị Thành hoàng làng.Đình  còn lưu giữ 1 cuốn Ngọc phả do Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572); 1 tấm bia đá niên hiệu Gia Long năm thứ 6 (1807); 2 đạo sắc phong; 3 long ngai gỗ, 1 giá văn gỗ; 1 hương án gỗ thời Nguyễn cùng hệ thống hoành phi, câu đối, hương án và nhiều đồ thờ khác… Lễ hội truyền thống đình Thiên Mã tổ chức vào hai ngày mồng 7, mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trong lễ hội có tế lễ, dâng hương, lễ rước kiệu thánh và nhiều hoạt động văn hóa truyền thống.

Thuộc địa phận xã Cổ Đông còn có nhiều di tích đình đền với kiến trúc tiêu biểu qua các thời kỳ  như đình Trong, đình Ngoài, đình Ngọc Kiên, đình La Gián. Điểm đặc biệt là bốn ngôi đền này đều thờ Tam vị đức Thánh Tản (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh)

Trên đây là vài nét phác thảo về những ngôi đền với lối kiến trúc đặc biệt của Thăng Long - Hà Nội nói chung, di sản vật thể tiêu biểu vùng đất xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Bạn đọc có thể tìm đọc trọn bộ tập “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập, do TS. Vũ Văn Quân chủ biên, thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019 để hiểu hơn về hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tiêu biểu của Thủ đô.

Trang Thu

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá