Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Với quan niệm con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về
Thứ tư, 18/12/2019 08:47

Từ xưa người Thăng Long đã luôn có quan niệm con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về. Chính vì quan niệm này của người xưa TS. Nguyễn Ngọc Mai đã đi vào nghiên cứu được thể hiện khá chi tiết trong cuốn “Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội” thuộc cơ cấu Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản làm chủ đầu tư và ấn hành.

  Trong dân gian kinh kỳ xưa, các bậc làm cha mẹ và cả họ hàng nữa hầu hết chỉ vì quyền lợi của gia đình, gia tộc mà tìm chồng cho con gái, cũng như tìm vợ cho con trai chứ không mấy nhà để ý đến tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Cũng từ đây mà có tệ gả bán và thách cưới trong hôn nhân của người Thăng Long xưa. Từ chỗ thách cưới người con gái đã thực sự thành món hàng để trao đổi, mua bán. Chính điều này mà kể từ khi bước chân ra khỏi nhà mình người con gái đã như “bát nước hắt đi” chỉ còn biết cắm cúi làm lụng để bù lại kinh tế cho gia đình nhà chồng, khổ đau hay bất hạnh thì cũng cứ phải âm thầm chịu đựng, có sống hay chết thì cũng không thể bước chân ra khỏi gia đình nhà chồng. Ý thức rõ rệt được cuộc sống sau khi đã bị gả bán của mình nên các cô dâu Thăng Long xưa chỉ có cách xuống tóc đi tu sau khi chồng chết (với phụ nữ quý tộc ), hoặc thủ tiết đến chết, vì vậy mà khi bước chân ra đi lấy chồng người phụ nữ xưa chỉ biết gạt nước mắt dặn lại đàn em thơ dại những lời xa xót:

“ Em ơi em ở lại nhà/ Đừng trông ngóng chị nữa mà uổng công

Chị giờ có cũng như không/ Coi như chị đã sang sông đắm đò”

                                                                                               (Mười hai bến nước/ Nguyễn Bính)

Bước chân vào nhà chồng đối với người phụ nữ xưa không phải là cơ hội cho họ thoát khỏi cuộc sống vất vả mà còn thêm những gánh nặng chất chồng bởi vai trò làm con, làm vợ và làm mẹ. Không chỉ có vất vả thức khuya, dậy sớm, phụng dưỡng chồng và cả gia đình nhà chồng mà còn phải trông trước, ngó sau, nhịn mọi điều tiếng để lo tròn bổn phận dâu con. Trong trường hợp không may các cô dâu mà không sinh được con trai nối dõi tông đường cho nhà chồng, hoặc chậm đường sinh nở thì số phận còn thê thảm hơn nhiều.

Luật phong kiến xưa còn quy định thất xuất (có 7 điều có thể đuổi vợ ra khỏi nhà) trong đó là tội vô tự (không có con trai) là tội đứng đầu tiên; dâm dật; bất sự công cô (không thờ phụng cha mẹ); khẩu thiệt (lắm điều) đạo thiết ( ăn trộm); đố kị (ghen tuông) và ác tật (có bệnh đặc biệt). Luật Gia Long còn quy định nếu người vợ phạm vào 7 điều trên mà người chống không đuổi bỏ vợ đi thì chính người chồng cũng phải phạt đánh 80 trượng.

Lấy vợ để lấy người làm và để sinh con, nên “thờ cha, kính mẹ, nối dõi tông đường” chính là mục đích tối thượng của hôn nhân xưa.Lấy chồng không phải là lối thoát cho người phụ nữ, bởi nếu có cố tình trì hoãn việc hôn nhân để ở lại nhà cha mẹ đẻ thì cô gái đó cũng phải chịu tiếng xấu cả đời là “ế chồng”. Cay nghiệt hơn nữa cả gia đình cô gái còn bị mang tiếng xấu là nhà “vô phúc” nên  “nhà có bom nổ chậm”. Vì vậy cứ 13 đến 16 tuổi là các cô gái phải chấp nhận sự sắp đặt của cha mẹ để rồi liều nhắm mắt đưa chân bước vào con đường“xuất giá tòng phu”. Điều đó cũng đồng nghĩa với thoát được gánh nặng của gia đình mình thì người phụ nữ lại mang một gánh nặng lớn hơn trên đôi vai gầy nhỏ bé của họ. Từ đây bắt đầu của việc “ thay anh phụng dưỡng cha già, mẹ héo; đến việc “ dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân” rồi “ ngoài việc sửa túi nâng khăn” đến cả “ rau heo, cháo chó loanh quanh đủ trò”. Không những thế người phụ nữ vẫn phải phụ thuộc vào người chồng kể cả những anh chồng “cả ngày chè rượu sưa say, khi mai thuốc phiện khi nay tài bàn” và dù có lăn lưng ra với mọi việc sớm tối nhưng tình cảnh “từ ngày tôi ở với anh, anh đánh anh chửi, anh tình phụ tôi” vẫn diễn ra thường xuyên.

Cống hiến nhiều như vậy, nhưng người phụ nữ chưa bao giờ có địa vị xứng đáng trong gia đình, trái lại còn bị đánh giá thấp về mặt quan niệm chính thống, bị gạt ra khỏi nhiều sự đãi ngộ chính thức.

Trong các gia đình phong kiến xưa khi cúng giỗ thì chính người đàn bà thức khuya dậy sớm, nấu nưỡng bày biện, nhưng khi mâm cỗ xong trình lên tổ tiên  (quyền lợi tinh thần) và thừa lộc tổ tiên (quyền lợi vật chất) thì lại là ông chồng trịnh trọng đứng ra nhận lấy, con người đàn bà thì đứng ra một bên. Nhiều gia đình người vợ và con cái chỉ được ăn ở dưới bếp hay nhà ngang. Ở nhiều địa phương khi có cỗ tại đình đám lại rất kiêng cữ với đàn bà. Thậm chí còn căng màn ngăn cấm không cho phụ nữ đi qua, chạm tới mặc dù con gà, hạt gạo con lợn để làm cỗ lễ đều do bàn tay người phụ nữ trồng trọt chăn nuôi và cũng chính tay họ mới hôm qua thôi xay giã dần sàng.

                                                                                                                             Lê Ngân

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá