Nằm trong bối cảnh chung của nền văn hóa Bắc kỳ, phụ nữ Thăng Long từ quý tộc đến thứ dân cũng có những cách phục sức không giống nhau về kiểu cách, và chất liệu. Theo Đào Bích Phương thì trang phục của phụ nữ nói chung là vận áo tứ thân. Chiếc áo tứ thân đã xuất hiện từ thế kỉ XII và được sử dụng như trang phục hàng ngày và duy trì mãi đến đầu thế kỉ XX. Phụ nữ bình dân thì thường may bằng chất liệu vải thô, màu nâu với hai vạt trước thả xuống buộc chéo lại vận với quần lĩnh đen và thắt lưng lụa,sau này áo tứ thân biến đổi thành áo mớ ba, mớ bẩy. Áo dài ba chiếc, ngoài cùng là áo 5 thân bằng the màu màu thâm hoặc màu nâu nhạt hoặc màu tam giang, hai chiếc bên trong màu mỡ gà, cánh sen, vàng chanh hay hồ thủy. Cổ áo cao khoảng 2cm, tay may bó khít cổ tay, chiều rộng ngực và eo bằng nhau. Ngoài vạt chính còn có vạt phụ (vạt con) dài sát gấu áo. Khuy áo được tết vải, cài cúc cạnh sườn. Cổ áo lật chéo để lộ ba màu áo (hoặc bảy màu áo). Đến thế kỷ XVII - XVIII phụ nữ Thăng Long đã mặc áo the, quần lĩnh. Trong đó hàng lĩnh của vùng Bưởi là được yêu thích hơn cả.lãnh, có loại cổ đối, tay và vạt rộng, có loại tay hẹp, hat vạt trước đối nhau.
Đi cùng với áo và yếm là váy, phụ nữ tầng lớp trên trong cung đình cũng mặc váy rộng và gấp nhiều nếp với chất liệu vải lụa hạng sang và quý nên gọi là Xiêm, khi họ đi lại dải áo bay bay cùng với sự chuyển động của váy rộng trông rất thướt tha, mềm mại.Yếm là một tấm vải hình thoi hoăc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ, yếm được dùng như một dạng áo để che ngực, yếm mặc bên trong áo tứ thân. Yếm của phụ nữ Việt nói chung, phụ nữ Thăng Long nói riêng xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm. Ngay từ thế kỉ XII người Việt Nam thời Lý đã vận yếm và lối vận phục trang này vẫn tồn tại mãi đến thế kỷ XIX đầu XX.Phụ nữ bình dân thì mặc yếm cổ xây, phụ nữ quý tộc thì yếm có thêm một vài đường nét tết lại với nhau hình quả trám. Đến 1802 thời Nguyễn, yếm là một miếng vải vuông đặt chéo trên ngực người mặc, góc trên khoét tròn gọi làyếm cổ xây, nếu khoét chữ V thì gọi là yếm cổ xẻ, nếu khoét sâu xuống thì gọi là yếm cánh nhạn.
Trong thiên ký sự “Chuyến đi Bắc Kỳ” năm Ất hợi(1876) của Trương Vĩnh Ký cũng cho biết về cách phục sức của phụ nữ tỉnh Hà Nội như sau: Đàn bà mặc áo có thắt lưng làm bìu (bọc), yếm đỏ không gài nút nịt, nút vai thả không ra mà thôi, đầu đội nón giàu (ba tầm) lớn gần bằng cái nia, hai bên có hai quai tua vấn tòong teng, đầu vấn ngang, lấy lượt nhiễu vấn tóc mà khoanh vần theo đầu. Dưới mặc váy, chân đi dép sơn, nước da mịn màng trắng trẻo, má hồng da ửng, gót son phốp pháp người, răng nhuộm đen cánh gián.
Thói trật áo thắt lưng là nhơn bởi trời đông thiên rét lạnh, đờn bà có con, cho bú một lần phải cởi nhiều áo khó lòng, nên để luôn như vậy. Còn thắt lưng thì cũnglà vì lạnh, con gáithấy vậy cũng bắt chước làm theo, mùa nào mùa nấy cũng để luôn như vậy mà thành tục”.
Áo tứ thân không chỉ là một trang phục đẹp mà còn mang theo những ý nghĩa rất đặc biệt: Phía trước có hai tà, phía sau có hai tà (vạt áo) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng và cha mẹ vợ). Một vạt cụt có tác dụng như một cái yếm, nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng. Năm hạt nút nằm cân xứng năm vị trí cố định, giữ cho nếp áo được ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Hai vạt trước buộc lại tượng trưng cho tình chồng vợ quấn quýt.
Bài Chân quê của Nguyễn Bính tả hình ảnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam:
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Khi nói đến Bắc Bộ, nói đến Kinh Bắc, đến những làng dân ca quan họ, người ta đều nhớ đến chiếc áo tứ thân… nhớ đến chiếc nón quai thao, mái tóc “đuôi gà”, cái khăn mỏ quạ,… Đó là những nét đặc trưng trang phục cổ truyền của người phụ nữ châu thổ Bắc Bộ. Hơn nữa, áo tứ thân truyền thống còn là một sáng tạo, một tác phẩm trang phục đã được thử thách qua thời gian. Nó được thể hiện ở kiểu dáng, chất liệu, màu sắc với sự kết hợp hài hòa hoặc đối lập một cách có ý thức.
Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử cùng sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, cách ăn mặc của người phụ nữ Việt đổi thay nhiều, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Những tà áo tứ thân, dải yếm đào hay chiếc nón quai thao với đôi guốc mộc chỉ còn trong hoài niệm… Có thể nói, áo tứ thân vẫn mang trọn nét đẹp giản dị của trang phục người Việt xưa. Có thể nói đây cũng là “mốt” một thời của phụ nữ châu thổ Bắc Bộ xưa. Chúng ta – những công dân của nước Việt Nam có quyền tự hào và có trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hóa ấy.
Lê Ngân