Sự xuất hiện của các trường nữ sinh ở Bắc Kỳ đã tạo ra bước đột phá cho phát triển phụ nữ (từ năm 1886 ở Bắc kỳ có 4 trường tiểu học cho nữ sinh, số nữ sinh học lên cao sau sơ học năm 1941 - 1942 là 1096 người trong đó có 37 người học ở bậc cuối cấp nhiều người trong số học đã tiếp tục vào học ở đại học Đông Dương, một số du học ở Pháp). Các trường Cao đẳng y khoa, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Nông lâm cũng nhận các sinh viên nữ. Các trường dạy nghề trong thời gian 1941- 1942 cũng có khoảng 900 nữ sinh, nữ giáo viên khoảng 1000 người. Dưới thời thuộc Pháp chỉ có 10% dân số nhận được nền giáo dục mới theo hướng hiện đại của Pháp, số phụ nữ đi học chiếm chưa đến 10% trong số đó. Tuy nhiên, trong số những người có cơ hội nhận được sự giáo dục của hệ thống Pháp - Việt đó, nhiều người đã tốt nghiệp trung học, có người tốt nghiệp đại học đặc biệt đến 1930 đã có phụ nữ đậu bằng tiến sĩ khoa học (doctores es sciences) của Pháp là bà Hoàng Thị Nga với văn bằng tiến sĩ Etat .
Trường học đã tạo ra môi trường xã hội mới cho phụ nữ để chứng tỏ bản thân mình, từ chỗ chỉ được học những môn riêng như nữ công gia chánh, vệ sinh, quản lý gia đình, phụ nữ được học những môn học, dự các kỳ thi tương tự như nam giới. đã tăng cường thêm tri thức khoa học xã hội và tự nhiên cho phụ nữ. Điều này đã giúp phụ nữ tự tin rằng họ có khả năng học tập và trường đại học không còn là độc quyền rêng của đàn ông. Đây là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đấu tranh tự khẳng định mình của phụ nữ. Đến năm 1913 nhà nước bảo hộ mở thêm nghạch công chức mới là nữ giáo viên bản xứ, các cô giáo đươc bổ nhiệm dạy học hoặc làm đốc học tại các trường nữ Pháp – Việt. Họ thực hiện các nhiệm vụ như nam đồng nghiệp, trong đó bao gồm cả thuyên chuyển công tác từ nơi này đến nơi khác.
Đến1917 nền giáo dục đại học Thăng Long hầu hết chỉ còn các trường do Pháp lập với hai hệ thống: Giáo dục Pháp dập từ khuôn theo mẫu quốc chủ yếu dành cho các học sinh người Pháp và chế độ Pháp – Việt dành cho học sinh Việt. Tính đến thời điểm này nền giáo dục đại học ở Hà Nội đã có mặt một số ngành: Thuốc, Thú y, Luật, Hành chính, Sư phạm, Nông lâm, Công chính, Thương mại, Mỹ thuật đến năm 1922 thêm hai trường khoa học thực hành và thương mại thực hànhvới 5 ban: công chính, hóa, kĩ nghệ, điện mỏ, địa chính, đến 1924 bỏ trường Luật lập thành Cao đẳng Đông Dương chủ yếu dạy về luật, hành chính, kinh tế, xã hội, ngôn ngữ và văn chương Hán – Việt. Tổng cộng số sinh viên tốt nghiệp tới 1925 lên tới 944 người, đến 1943 - 1944 đã tăng lên 1.575 người . Hệ thống giáo dục này đã tạo ra một thế hệ thanh niên trí thức với những nhận thức mới, góp phần tạo ra những lực lượng tích cực của Hà Nội lúc bấy giờ.
Mặc dù vẫn còn có những ý kiến này kia về việc cải tổ giáo dục Viêt Nam của người Pháp trong thời gian này. Song công bằng mà nói chỉ thực sự đến đây thì nền giáo dục phổ thông và giáo dục đại học theo lối hiện đại ở Việt Nam mới được đặt những nền móng đầu tiên. Chính từ đây nhiều lớp thanh niên của Hà Nội được học hành và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Thăng Long – Hà Nội phụ nữ được đàng hoàng cắp sách đến trường chứ không phải giả trai như nữ tiến sĩ thời Mạc . Từ những ngôi trường này đã đào tạo ra khá nhiều những thế hệ phụ nữ mới có văn hóa và học thức, trong đó nhiều người trở thành nữ trí thức, nghệ sĩ ưu tú sau này. Quan trọng hơn cả là từ nhận thức đã làm thay đổi tư duy của nhiều lớp người Hà Nội thời bấy giờ, tư tưởng nam tôn, nữ ti dần được thay đổi trong các quan hệ xã hội, nhiều người phụ nữ đã biết tự ý thức về bản thân và vai trò của mình, dám đấu tranh với những lễ thói, hủ tục xưa cũ để xác lập một lối sống mới văn minh, hiện đại ở đó nam nữ bình đẳng, bình quyền. Nhóm xã hội này lúc đầu tập trung chủ yếu ở hầu hết các gia đình công chức làm việc cho người Pháp, các gia đình tư sản mại bản và tư sản dân tộc có làm ăn hay quan hệ với người Pháp hoặc chính quyền thuộc địa. Bằng sự bắt tay với người Pháp, hưởng lương của chính quyền thuộc địa, nhiều khía cạnh của lối sống, sinh hoạt trong gia đình những tầng lớp này đều đã ít nhiều ảnh hưởng lối sống mới, hầu hếthọ đều cho con gái đến trường học, số này ngày càng đông và tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều thế hệ phụ nữ thị dân Hà Nội sau này.
Trường Trưng Vương mặc dù vẫn là một trường học dành riêng cho nữ giới, nhưng việc được cắp sách đến trường đã tạo ra một bước đột phá lớn trong tư duy ứng xử với phụ nữ. Mặt khác mở ra cơ hội cho người phụ nữ được nângcao tri thức và vốn hiểu biết của mình. Họ chính là những hạt nhân đầu tiên làm nên cuộc cách mạng về giới sau này. Không ít các nữ sinh Trưng Vương thời ấy sau này đã đi theo cách mạng và trở thành những thành viên của hội phụ nữ cứu quốc và thành những nữ chiến sĩ trên nhiều mặt trận. Sự ra đời và phát triển của trường Thuốc cũng đã thu hút rất nhiều chị em phụ nữ Hà Nội tham gia vào lĩnh vực y khoa. Những lớp học sinh tốt nghiệp đầu tiên ở trường này đã trở thành những cô đỡ, bà đỡ đầu tiên có kiến thức y học hiện đại, nhờ đó phụ nữ Hà Nội đã có thêm các cơ hội được sinh con an toàn.
Lê Sơn