Những cuốn sách hữu ích về quá trình hình thành và hoàn thiện chính sách xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội thời cận đại
Ngoài các hồ sơ lưu trữ mang nội dung về các sự kiện lịch sử, bộ sách “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873 - 1954)” còn có một khối lượng không nhỏ các văn bản pháp quy của chính quyền thành phố Hà Nội từ năm 1888 (thời điểm thành lập thành phố Hà Nội) đến năm 1954. Những văn bản này rất có giá trị nghiên cứu, bởi chúng thể hiện sự hình thành và quá trình hoàn thiện chính sách xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội trong suốt giai đoạn lich sử nói trên.
Ngay khi ra mắt, bộ sách được giới nghiên cứu hoan nghênh, đón nhận nhiệt liệt. Và quả thực bộ sách xứng đáng với sự đón nhận đó bởi phần lớn tư liệu trong đó lần đầu tiên được công bố, phổ biến rộng rãi.
Tuy nhiên, dù bộ sách được khẳng định về giá trị, nhưng vẫn có những hạn chế tất yếu. Một hạn chế quan trọng nhất là các văn bản pháp quy được giới thiệu trong sách mới chỉ được tóm tắt nội dung dưới dạng thư mục đề yếu. Vì thế sách chưa phát huy được hết giá trị nghiên cứu, nhất là với những người có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu sâu nhưng không có điều kiện tiếp cận trực tiếp với toàn văn của văn bản gốc.
Nhận thấy hệ thống văn bản pháp quy này còn tiềm năng to lớn cần khai thác, phát huy, ở giai đoạn II của Dự án Tủ sách, Nhà xuất bản Hà Nội đã phối hợp cùng tác giả, TS. Đào Thị Diến tổ chức biên dịch, biên soạn cuốn sách “Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954”. Cuốn sách này là sự tiếp nối ở mức độ cao hơn, sâu hơn của bộ sách “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873 - 1954)” nói trên.
Nội dung chính của cuốn sách ở phần chính văn, ngoài bài nghiên cứu tổng quan Xây dựng và quản lý đô thị ở Hà Nội nhìn từ hệ thống văn bản pháp quy (1885 - 1954) là môt bộ sưu tập 85 văn bản chủ yếu được sưu tầm, tuyển chọn từ các phông lưu trữ (fonds d’archives) của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (có 2 văn bản tuyển chọn từ tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp, Archives Nationales d’Outre - Mer ANOM, trong chương trình điều tra, sưu tầm tư liệu nước ngoài của Dự án Tủ sách). Hệ thống văn bản này được dịch toàn văn và lần đầu tiên được công bố ở dạng sách. Các văn bản này có nội dung chủ yếu về xây dựng và quản lý đô thị ở Hà Nội từ 1885 đến 1954, gồm 69 văn bản bằng chữ Pháp và 16 văn bản bằng chữ Quốc ngữ. Thứ tự các văn bản được đánh số từ 1 đến 85 và được hệ thống theo 4 lĩnh vực như kết cấu của bộ sách “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873 - 1954)”. Trong mỗi lĩnh vực, các văn bản lại được sắp xếp theo các chủ đề thứ cấp để thuận tiện cho việc nghiên cứu, tra cứu. Ngoài phần chính văn, tác giả Đào Thị Diến đã kỳ công tập hợp tư liệu, bổ sung phần phụ lục vời nhiều thông tin, tư liệu có giá trị cho việc tra cứu gồm 3 phụ lục: Bảng tra tên phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau 1954; Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước 1945; Từ điển chú giải
Có thể khẳng định cuốn sách đã đạt được mục đích chính của nó là cung cấp cho người nghiên cứu những thông tin hữu ích về quá trình hình thành và hòan thiện chính sách xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội thời cận đại. Những thông tin của sách cũng góp phần bổ sung vào ngân hàng dữ liệu, phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu lâu dài và toàn diện về Thăng Long - Hà Nội.
Không chỉ đối với giới nghiên cứu lịch sử, “Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954” còn có ích cho các nhà nghiên cứu về hệ thống văn bản quản lý nhà nước cả ở Việt Nam nói chung lẫn Hà Nội nói riêng. Chính vì thế, chúng tôi hy vọng sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho giới lãnh đạo cùng các nhà quản lý trong việc hoạch định các chính sách về xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô trong thời đại ngày nay.
Quốc Tuấn