Một tư liệu quý về quan hệ Tây Sơn - Thanh qua cuốn sách “Khâm định An Nam Kỷ lược”
Thực hiện giai đoạn II của Dự án Tủ sách, Nhà xuất bản vẫn rất quan tâm đến mảng sách tư liệu và may mắn được giới thiệu một tư liệu rất quí về quan hệ Tây Sơn - Thanh (nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của trận chiến năm Kỷ Dậu 1789), đó là cuốn sách “Khâm định An Nam Kỷ lược”. Cũng như Thực lục là tài liệu gốc cấp cao nhưng “Kỷ lược là dạng tài liệu tham mưu của triều đình dành riêng cho hoàng đế và đại thần trong Quân cơ Xứ tham khảo để rút kinh nghiệm về những chính sách lớn của quốc gia, thường được soạn thảo sau những chiến dịch lớn” và sách mới chỉ được “giải mật” vào nửa cuối thế kỷ XX.
Các văn kiện liên quan đến Việt Nam trong Khâm định An Nam Kỷ lược có tổng cộng 378 văn kiện. Các văn kiện phần lớn là chiếu biểu, tấu thư, hịch văn… qua lại từ triều đình nhà Thanh với địa phương Trung Quốc và giao thiệp với nước ta trong khoảng từ tháng 5 năm Càn Long 53 (Mậu Thân 1788) đến tháng 3 năm Càn Long 56 (Tân Hợi 1791), bao gồm ba biến cố quan trọng đánh dấu một giai đoạn chưa từng có trong lịch sử:
1. Can thiệp quân sự của nhà Thanh vào nội tình nước ta đưa đến chiến thắng của Đại Việt đầu năm Kỷ Dậu (1789).
2. Tiến trình nghị hòa và những tương nhượng để tái lập bang giao.
3. Phái đoàn Đại Việt tham dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ của vua Cao Tông đánh dấu cao điểm của quan hệ hai nước.
Trong ba giai đoạn đó, mỗi thời kỳ chính sách của nhà Thanh đối với nước ta một khác nên tương quan ngoại giao cũng thay đổi theo. Nếu đối chiếu với một số văn thư của triều đình Tây Sơn còn giữ trong Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng ta có thể tái tạo một thời kỳ vô cùng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.
Tương ứng với thời gian này, trong Thanh Thực lục (sách Thanh Thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII - XX) có khoảng 170 văn bản. Như vậy Khâm định An Nam Kỷ lược nhiều hơn Thanh Thực lục khoảng 200 văn kiện rất cần được các nhà nghiên cứu Việt Nam khai thác.
Cuốn sách do TS. Nguyễn Duy Chính bỏ công khảo cứu tư liệu và dịch thuật. Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính là một nhà khoa học gốc Việt, sống tại Hoa Kỳ. Tự học chữ Hán, ngoài công việc chuyên môn, ông đã dồn trí tuệ, tài lực cho việc khảo cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam. Nhiều sử liệu quí hiếm của Trung Quốc (như sách Khâm định An Nam Kỷ lược) mà các nhà nghiên cứu trong nước khó tiếp cận đã lần lượt được ông khảo cứu; nhiều tư liệu Hán Nôm trong nước đã được ông tìm ra các giá trị mới. Kết quả là, từ hơn 10 năm nay, TS. Nguyễn Duy Chính đã nổi tiếng như một chuyên gia lớn về lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn, một thời, tuy cách chúng ta mới hơn 200 năm nhưng lịch sử đã bị xóa mờ, bị làm sai lệch bởi các triều đại kế tiếp. Bạn đọc đang và sẽ dần được thấy “bản lai diện mục” của Nguyễn Huệ - Tây Sơn từ các bài viết công bố bền bỉ trên mạng, đăng trên các tạp chí trong nước (Nghiên cứu và Phát triển - Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên - Huế, Xưa & Nay…); đến loạt tác phẩm đang được công bố: Thanh - Việt nghị hòa, Việt - Thanh chiến dịch, Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận”, Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông…
Để nâng cao chất lượng xuất bản sách, PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn và ông Nguyễn Bá Dũng đã có sự hỗ trợ rất quý báu trong việc hiệu đính, biên tập và nhiều việc quan trọng khác trong quá trình tổ chức bản thảo.
Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cuốn sách với hy vọng giúp ích cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên ngành sử và các ngành khoa học xã hội khác cùng các bạn đọc yêu sử.
Quốc Tuấn