Một công trình khoa học giá trị - “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng”
Trong toàn cảnh nền kinh tế hàng hóa - thị trường hưng khởi, Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này đã chuyển biến thực sự với sự phát triển đồng bộ và cân đối giữa nội thành - ngoại thị, giữa thủ công nghiệp và thương nghiệp, giữa yếu tố nhà nước và dân gian. Đây chính là mô hình đại diện cho các mặt đời sống của Đại Việt: xưởng thủ công ở nội thị và ven đô, một mạng lưới chợ và một hệ thống cảng sông bến dày đặc. Mặt khác, lúc này Thăng Long không còn độc quyền về quyền lực của Nhà nước trong toàn quốc (có đô thành trẻ tuổi Phú Xuân của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong) và thực tế là vị thế địa - chính trị đã thay đổi, nhưng Thăng Long - Kẻ Chợ vẫn là nơi tập trung đông đảo các nho sĩ, văn nhân tài tử, giới tinh hoa ưu tú từ khắp các nơi đổ về học tập, thi cử, buôn bán làm ăn.
Dưới thời Mạc - Lê Trung hưng (1527 - 1788), Thăng Long - Kẻ Chợ đã chứng kiến một giai đoạn đầy biến động trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nước ta. Đây là giai đoạn duy nhất trong lịch sử - suốt hai thế kỷ rưỡi - Đại Việt liên tục ở trong tình trạng cùng một lúc có hai vua (Lê - Mạc), rồi hai chúa (Trịnh - Nguyễn), rồi lại có cả vua lẫn chúa (vua Lê - chúa Trịnh); thậm chí còn phải kể đến sự tồn tại của chính quyền anh em Tây Sơn tiếp theo. Điều đó nói lên sự phức tạp, mâu thuẫn đan xen giữa mô hình chính trị - hệ tư tưởng với thực thể đời sống. Đồng thời, Đại Việt lúc này còn phải đương diện với thế giới, những quốc gia trong khu vực và cả những đối tác mới đến từ phương Tây. Tuy nhiên, Thăng Long - Kẻ Chợ dưới thời Mạc - Lê Trung hưng, như tác giả Nguyễn Thừa Hỷ kết luận trong phần “Dẫn luận”: “Vẫn giữ vai trò vị thế đứng đầu về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, lan tỏa ảnh hưởng ra khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ và trong toàn quốc, với một mô hình đang chuyển động, giao lưu giữa những giai tầng bên trên và bên dưới, đan xen giữa cái cũ và cái mới”. Với dung lượng hơn 900 trang, cuốn sách cung cấp cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về “thành phố đứng đầu vương quốc này về nghệ thuật, kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giàu có, số dân đông đúc...” như ý kiến đánh giá của một tác giả Pháp thế kỷ XIX. Nghĩa là tác giả không chỉ phân tích về các vấn đề kinh tế, xã hội mà còn là thể chế chính trị đặc biệt và văn hóa thị dân đất kinh kỳ - “một nền văn hóa lưỡng nguyên đối trọng mang trong mình những yếu tố đan xen, hòa quyện giữa dòng văn hóa quý tộc quan liêu và bách tính bình dân, sự cộng dồn của yếu tố cung đình bên cạnh yếu tố chợ - phố” như chính tác giả nhận xét. Và cũng theo ông, “thị dân Thăng Long đã mang hai đặc trưng nổi bật: một cấu trúc đẳng cấp đa thành phần và một phẩm chất đa tính cách”.
Tác giả Nguyễn Thừa Hỷ - một chuyên gia hàng đầu về giai đoạn lịch sử này - với tinh thần khoa học, nghiêm túc đã cố gắng gạt bỏ mọi định kiến cảm tính cực đoan trong khi nhận định, bình luận để có một cái nhìn đa chiều, để ngỏ khi lý giải một sự kiện; đặt chúng trong những mối liên hệ tương tác, vận động trong một hệ thống chính trị - kinh tế - xã hội liên quan khăng khít, đan xen nhau. Bạn đọc, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trẻ cũng có thể tìm thấy trong phần Tư liệu - Phụ lục nhiều tư liệu dịch từ Hán - Nôm, tư liệu phương Tây, tư liệu chữ Quốc ngữ, tranh, ảnh, bản đồ, Bảng phổ hệ triều Mạc, triều Lê Trung hưng và họ Trịnh... cùng thư mục nghiên cứu rất hữu ích.
“Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” dưới ngòi bút trung thực, khách quan của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã để lại trong lòng người đọc những giá trị phi vật thể, cái phần hồn của lịch sử để chúng ta kính trọng, yêu mến tổ tiên, gắn bó và yêu thương nhau với sự suy tư và tình cảm đáng tự hào.
Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn hai là cơ hội để Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu với bạn đọc công trình khoa học giá trị và đầy tâm huyết của tác giả Nguyễn Thừa Hỷ: “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng”.
Châu Minh