Xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 101-HĐBT, ngày 2/6/1982 của Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Đường Lâm thuộc huyện Ba Vì. Ngày 30/5/2006, thị xã Sơn Tây được công nhận là đô thị loại III và đến ngày 2/8/2007 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định nâng cấp lên thành phố Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 15 điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong đó sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, xã Đường Lâm là một trong 15 phường và xã thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Nói đến làng cổ Đường Lâm - vùng đất hai vua, chúng ta không thể không kể đến hai di tích thờ hai vị vua này, đó chính là Đền Phùng Hưng và Đền - Lăng Ngô Quyền.
Đền Phùng Hưng thuộc địa phận thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Đền được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 13/1/1964. Đền thờ Phùng Hưng (761- 802). Theo sử sách, Phùng Hưng là người làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, nổi tiếng là có sức khỏe. Dưới ách áp bức thống trị của nhà Đường, Phùng Hưng cùng em là Phùng Hải đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy. Năm 791, Phùng Hưng bao vây thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Tướng giặc là Cao Chính Bình lo sợ sinh bệnh mà chết. Phùng Hưng lên làm vua được 7 năm thì qua đời. Mộ ông hiện còn ở đầu phố Giảng Võ, Hà Nội. Ông được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại vương. Khi ông mất, nhân dân ghi nhớ công ơn, lập đền thờ.
Hiện nay chưa rõ đền xây dựng vào thời gian nào. Quy mô và diện mạo của đền hiện nay đã được trùng tu lớn vào thế kỷ XIX. Kiến trúc tổng thể của đền gồm: Nghi môn, tả - hữu mạc, đại bái, hậu cung. Nghi môn xây dựng đơn giản, qua cổng là tả - hữu mạc, mỗi dãy 3 gian. Đại bái 3 gian 2 chái, các bộ vì trên kết cấu theo kiểu thượng giá chiêng rường nách, hạ kẻ truyền, bảy hiên trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Trang trí kiến trúc đơn giản. Các mảng chạm tập trung ở đầu dư, kìm chạm rồng, rường nách chạm vân mây, lá lật, các kẻ và bẩy bào soi chạm lá qua các văn mây cách điệu... Hậu cung gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bên trong có đặt tượng Phùng Hưng bằng đồng (tượng mới làm đầu thế kỷ XXI).
Tiếp đó, đền và lăng Ngô Quyền cũng thuộc địa phận thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội; đươc xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 13/1/1964. Đền và lăng là nơi thờ Ngô Quyền (898-944). Ngô Quyền tương truyền quê ở Đường Lâm, là người thông minh, trí dũng song toàn và có sức khoẻ hơn người. Ngô Quyền là con rể của Dương Đình Nghệ. Sau khi Dương Đình Nghệ bị bộ tướng là Kiều Công Hãn hại chết, từ Ái Châu, Ngô Quyền chỉ huy quân đánh chiếm thành Đại La, tổ chức lực lượng chuẩn bị kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược. Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời đại độc lập, tự chủ lâu dài dân tộc. Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội).
Đền và lăng Ngô Quyền đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo dưới triều vua Tự Đức (1848 - 1883). Cuối thế kỷ XX, đền và lăng tiếp tục được tu bổ nâng cấp như hiện nay.
Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên đồi Cấm, quay hướng đông. Đền xây ở phía trên, cách lăng khoảng 100m. Đền có quy mô nhỏ, hiện nghi môn, tả - hữu mạc, đại bái và hậu cung. Đại bái 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bào trơn đóng bén. Gian giữa Đại bái có treo bức hoành phi Tiền vương bất vong. Hiện nay, Đại bái còn được dùng làm phòng trưng bày về trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền. Phía trong là hậu cung 3 gian nối với gian giữa đại bái tạo thành kết cấu hình chuôi vồ. Hậu cung xây kiểu tiền đao hậu đốc, bộ khung nhà bằng gỗ, trang trí kiến trúc với đề tài tứ linh, tứ quý... Gian giữa đặt tượng Ngô Quyền.
Lăng Ngô Quyền xây kiểu nhà bia, có 4 mái, cao khoảng 1,5 m. Giữa lăng là ngai thờ, trong có bia đá tạo tác năm Minh Mạng thứ 2 (1821) ghi chữ Hán Tiền Ngô Vương lăng. Đặc biệt, trong quần thể đền và lăng Ngô Quyền có 18 cây duối cổ. Tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi, ngựa. Năm 2011, rặng duối cổ được công nhận là Cây di sản cấp quốc gia. Đền thờ và lăng Ngô Quyền còn bảo lưu 1 bia đá Tiền Ngô vương lăng niên đại Minh Mệnh thứ hai (1821); 1 tượng Ngô Quyền, long ngai bài vị, hương án, giá văn, lộc bình nhiều đồ thờ tự khác. Hàng năm, vào ngày 14 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Ngô Quyền) nhân dân trong vùng lại về cụm di tích đền và lăng để tưởng nhớ công ơn của ông đối với nhân dân và đất nước.
Bạn đọc có thể tìm đọc trọn bộ “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập, do TS. Vũ Văn Quân chủ biên, thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019 để hiểu hơn về hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tiêu biểu của đất Sơn Tây nói chung, và để tìm hiểu về giá trị văn hoá đặc sắc của Thành cổ Sơn Tây nói riêng.
Trang Thu