Phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội được thành lập vào khoảng năm 1975 trên cơ sở diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các phố Lạc Sơn, Hậu Thái, Hậu Tĩnh, Hậu Ninh, Hậu Bình, Hậu An thuộc thị xã Sơn Tây thời kỳ trước. Phường hiện nay gồm có 9 khu phố: Trạng Trình, Hồng Hà, Hậu Bình, Hậu Ninh, Hậu Tình, Hậu Thái, Hậu An, Lạc Sơn, Trưng Vương; trước đây chủ yếu thuộc địa giới của hai xã Mai Trai và Thuận Nghệ, tổng Thanh Vị. Ngày 30/5/2006, thị xã Sơn Tây được công nhận là đô thị loại III và đến ngày 2/8/2007 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định nâng cấp lên thành phố Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 15 điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong đó sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, phường Lê Lợi là một trong 15 phường và xã thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Thành cổ Sơn Tây thuộc địa phận phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ ba (1822), bờ hào xây vào năm 1849. Trải qua gần 200 năm, Thành cổ Sơn Tây phần lớn đã bị phá hủy, chỉ còn lại tường thành, cửa Tiền, cửa Hậu, hai khẩu súng thần công và một số phế tích như Vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước. Đầu thế kỷ XXI, thành cổ Sơn Tây được trùng tu một số hạng mục và đang còn tiếp tục tu bổ hoàn thiện.
Thành cổ Sơn Tây có tổng diện tích 16 hecta với các kiến trúc: tường thành đá ong và 4 cổng thành xây bằng gạch cổ. Bốn cửa thành quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ còn hai cửa Tiền và cửa Hậu. Trục kiến trúc chính của thành là trục nối hai cửa Tiền và cửa Hậu, theo hướng bắc đông bắc - nam tây nam. Cửa Tiền nhìn ra phố Quang Trung, cửa Hậu hướng ra phố Lê Lợi, cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ và cửa Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo.
Thành xây hình tứ giác theo kiểu Vauban (kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư người Pháp Vauban). Phía tây là Giám thành, giữa là Vọng cung, Võ miếu và Thuỷ tháp. Phía đông là Ngục thất, dinh quan Dự thần và trường học. Toà Vọng cung có 2 hàng cột (mỗi bên 6 cột) ngăn làm 5 gian, phía ngoài xây gạch kín 3 phía, còn phía trước điện có hàng hiên chạy xung quanh, ở 2 cạnh có 2 cửa sổ tròn hình chữ Thọ. Ba gian giữa điện là hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ. Võ miếu là nơi thờ các tướng sĩ đã hi sinh khi chiến đấu bảo vệ thành. Ở bốn góc thành xưa kia có bốn giếng nước hình vuông to - xây bậc đá ong xuống tận đáy - để cung cấp nước cho quân lính sinh hoạt.
Trước điện Kính Thiên là một sân rộng lát gạch, ngoài cổng có bức bình phong đắp hình nổi Long vân khánh hội. Tiếp đó là Đoan môn có ba cửa ra vào, nhìn thẳng ra Kỳ đài (cột cờ) xây trên một bệ hình chóp vuông cụt bằng đá ong, cao khoảng 18m. Hiện nay, thành cổ Sơn Tây còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử cao như: hai khẩu súng thần công, cột cờ, hệ thống cửa gỗ bức bàn, bát bửu bằng đồng bạch, nhang án, sập gỗ kiểu chân quì dạ cá; 2 giá gỗ…
Không chỉ là một di tích được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc cấp Quốc gia, Thành cổ Sơn Tây còn là một di tích khảo cổ học quan trọng. Đây là thành cổ thời Nguyễn, xây dựng năm 1882; tại khu vực phía nam phường Lê Lợi thuộc thị xã Sơn Tây. Nhằm phục vụ công tác trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị di tích, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành khai quật năm 2003-2004 với tổng diện tích 1.000m2. Kết quả khai quật đã làm xuất lộ hoàn toàn vết tích nền móng kiến trúc còn lại của cổng Đông, hành cung và cổng hành cung cùng một số vết tích kiến trúc khác ở khu vực trung tâm thành. Ngoài ra, trong quá trình khai quật, hàng ngàn mảnh di vật gạch ngói và vật liệu kiến trúc khác cùng các loại gốm sành sứ thuộc các thời Lê Trung Hưng - Nguyễn được đưa lên khỏi lòng đất, đã tái hiện phần nào giá trị lịch sử của tòa thành cổ này.
Trong số vật liệu kiến trúc ở thành cổ Sơn Tây, có những loại ngói cao cấp, như ngói âm dương lưu ly xanh hoặc vàng có trang trí chữ Thọ ở đầu ngói. Một số loại hình gạch ngói có in khắc chữ Sơn Tây, Quốc, Tường, Lâm, Đoan… cho thấy các loại vật liệu xây dựng thành Sơn Tây bên cạnh được sản xuất tại chỗ, còn có khả năng được lấy từ nhiều địa phương khác như Quốc Oai, Vĩnh Tường, Lâm Thao, Đoan Hùng…
Bạn đọc có thể tìm đọc trọn bộ “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập, do TS. Vũ Văn Quân chủ biên, thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019 để hiểu hơn về hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tiêu biểu của đất Sơn Tây nói chung, và để tìm hiểu về giá trị văn hoá đặc sắc của Thành cổ Sơn Tây nói riêng.
Trang Thu