Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Những di tích kiến trúc nghệ thuật của phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây
Thứ năm, 19/12/2019 03:52

Phường Phú Thịnh thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Ngày 30/5/2006, thị xã Sơn Tây được công nhận là đô thị loại III và đến ngày 2/8/2007 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định nâng cấp lên thành phố Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 15 điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong đó sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Từ ngày 1/8/2008, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội chính thức có hiệu lực thi hành. Từ đó đến nay, phường Phú Thịnh là một trong 15 phường và xã thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Phường Phú Thịnh có hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú, tiêu biểu trong đó là nhiều đình, đền, chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Bạn đọc có thể tìm hiểu về đời sống kinh tế, văn hoá của vùng đất này trong bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên, nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. Trong “Tập 8 - Thị xã Sơn Tây - Huyện Ba Vì - Huyện Thạch Thất”, PGS.TS Vũ Văn Quân đã thống kê khá toàn diện về hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của vùng đất Sơn Tây, trong đó có phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây.

Phường Phú Thịnh có món bánh tẻ, bánh giò Phú Nhi. Bánh tẻ là một đặc sản truyền thống nổi tiếng của vùng xứ Đoài. Hiện nay, phường có một nửa số hộ và cũng khoảng một nửa số lao động làm bánh tẻ phục vụ thị trường trong vùng. Năm 2008, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận thôn Phú Nhi là Làng nghề bánh tẻ.

            Về hệ thống di sản văn hoá vật thể của vùng đất này, có thể kể đến đình Phú Nhi. Ngôi đình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 31/12/2003. Đình thờ vọng Đức Thánh Tản Viên. Đình xây dựng năm 1827 với quy mô lớn, khang trang, nổi tiếng nhất vùng nên người dân trong vùng còn gọi là Đình Cả. Năm 1993, đình được sửa chữa khang trang như hiện nay.

Kiến trúc đình gồm: Nghi môn, sân đình và tòa đình. Nghi môn xây dựng theo kiểu 2 tầng 8 mái, mở 3 lối đi kiểu vòm cuốn. Các đầu bờ nóc của tầng trên trang trí hình rồng lá. Ở khoảng giữa tầng trên và tầng dưới được trổ một ô cửa rỗng và được trang trí những họa tiết cây cỏ, chữ triện (chữ Hán). Đình được xây dựng theo lối kiến trúc Nội công ngoại quốc gồm các hạng mục: Đại bái, nhà cầu và Hậu cung. Đại bái là một ngôi nhà ngang làm kiểu mái chảy, mái lợp ngói ri. Hai đầu bờ nóc đắp hình rồng chầu. Phía trước 3 gian giữa để thông thoáng, hai gian bên và gian hồi được xây tường ngăn là nơi hội họp. Phía sau là hệ thống cửa bức bàn nối thông với nhà cầu và Hậu cung. Nhà cầu gồm 2 gian nhà dọc và 2 gian nhà ngang ở hai bên. Hậu cung được nối tiếp với nhà cầu tạo thành hình chuôi vồ. Đình còn lưu giữ 1 bức hoành phi Thiên cổ anh linh hiển hách; 1 hương án gỗ; 1 bộ bát bửu; 1 cỗ kiệu thờ; đại tự, long ngai, bài vị… Hằng năm, vào ngày 12 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch, làng Phú Nhi tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của thành hoàng làng. Đặc biệt, trong lễ hội có lễ rước nước từ sông Hồng về tắm Thánh. Sau phần tế lễ là nhiều trò chơi truyền thống được diễn ra như: chọi gà, đập niêu, bắt vịt...

Di tích kiến trúc thứ hai cần nhắc đến của phường Phú Thịnh là đền Phú Nhi, là ngôi đền được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh ngày 31/12/2003. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh. Đền quay hướng tây nam, xung quanh là khu dân cư và cây cổ thụ rợp mát. Đền bố cục hình chữ Nhị, gồm Đại bái 3 gian, Hậu cung 3 gian, kiến trúc đơn giản, thiên về độ bền chắc. Đền còn lưu giữ 1 sắc phong của vua Tự Đức niên đại 1854, 1 pho tượng mẫu Liễu Hạnh, 1 bộ chấp kích, 1 bức hoành phi, 1 bộ ngũ sự, 1 bát hương đồng…

Đình Yên Thịnh thuộc thôn Yên Thịnh cũng nằm trên địa phận phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố ngày 28/11/2002. Đình thờ thần Bạch Hạc, Càn Tuy, Ngọc Trì, Tá Bộ, Lý Triện đại vương.

Bạch Hạc Tam Giang tương truyền là 5 anh em tên là: Cự, Hồng, Trường, Thạch Khanh và Lê Lân sống dưới thời Hùng. Họ vốn là Thủy thần ở sông Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) linh nghiệm nên được lập đền miếu thờ cúng và được các triều đại phong tặng sắc phong. Ngọc Trì, Tá Bộ, Càn Tuy tương truyền tên húy là Phạm Trung, Phạm Túc, Phạm Hòa, sống dưới thời Thục An Dương Vương. Do có công dạy dân cày cấy, trồng dâu nên các ông được dân lập miếu thờ và tôn làm Thành hoàng làng. Lý Triện Đại vương là người đã tham gia nghĩa quân Lam Sơn tiến vào giải phóng Đông Kinh ở thế kỷ XV.

Đình Yên Thịnh được xây dựng từ rất sớm nhưng đã bị xuống cấp và trùng tu nhiều lần. Kiến trúc hiện nay gồm Nghi môn, Đại bái và Hậu cung tạo thành kiểu chữ Đinh. Kết cấu kiến trúc đình được làm khá chắc chắc, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đình còn lưu giữ 4 đạo sắc phong thời Nguyễn, cùng 4 cỗ long ngai, 1 hương án, 1 hoành phi, 1 đôi cấu đối, 1 giá văn...

Phường Phú Thịnh còn một di tích được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 29/12/2004, đó chính là đình Hồng Hậu. Đình thờ Đức Thánh Thuỷ tổ sư nghề gốm sành. Đình xây dựng vào thế kỷ XX và đã trùng tu nhiều lần. Quy mô kiến trúc hiện nay là kết quả của lần tu sửa vào năm 2013. Đình tọa lạc trong khu vực cư trú của làng, bố cục hình chữ Đinh, gồm Đại bái và Hậu cung được làm bằng gỗ thiên về độ bền chắc. Đình còn lưu giữ ngai thờ, hương án, hoành phi, câu đối, cửa võng… có niên đại thế kỷ XX.

Trang Thu

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá