Thôn Chu Quyến, huyện Ba Vì với những di sản vật thể đặc sắc
Thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội có hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể khá phong phú. Bạn đọc có thể tìm hiểu về đời sống kinh tế, văn hoá của vùng đất này trong bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên, nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. Trong “Tập 8 - Thị xã Sơn Tây - Huyện Ba Vì - Huyện Thạch Thất”, PGS.TS Vũ Văn Quân đã thống kê khá toàn diện về hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của vùng đất Sơn Tây, trong đó có xã Chu Minh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Di tích thứ nhất thuộc thôn Chu Quyến là đình Chu Quyến. Ngôi đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2012. Đình thờ Nhã Lang Vương (còn gọi là Đức Thánh Chàng), tương truyền là con vua Lý Phật Tử và bà Lã Thị Ngọc Thành - người làng Chu Chàng. Năm 554, vua Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lên ngôi hiệu là Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương gả con gái là Cảo Nương cho Nhã Lang. Nhã Lang có công giúp cha là Lý Phật Tử giành lại ngôi vua từ Triệu Việt Vương, lập nên thời Hậu Lý Nam Đế. Sau đó, Nhã Lang cùng mẹ về quê ở Chu Chàng. Năm 601, nhà Tuỳ sang xâm lược nước ta, Nhã Lang được ban chức Đông Cung, dẫn quân đánh giặc ở Long Biên. Sau khi Nhã Lang qua đời, để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân nhiều nơi đã tôn ông là Thành hoàng làng.
Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, trùng tu lớn vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935) (căn cứ vào phong cách kiến trúc và chạm khắc trang trí). Đình quay hướng tây, có 3 gian chính, 2 gian chái và 2 chái, với 6 hàng cột, vì kèo kiểu chồng rường, giá chiêng, có hiên rộng bao quanh. Các đường bờ nóc và bờ dải đắp những con kìm và con xô. Trang trí kiến trúc với kỹ thuật chạm lộng, chạm kênh, bào trơn đóng bén, soi gờ chạy chỉ, ở các đầu dư, kẻ, cốn, cửa võng thể hiện các hình hoa lá, mây trời, rồng, phượng, con thú, những hoạt cảnh: làm ruộng, mả táng hàm rồng, tiên cưỡi hạc, tiên ngồi trong khung khám thờ, người uống rượu, người cưỡi hổ, người cưỡi ngựa, người dắt voi.
Đình còn lưu giữ 13 đạo sắc phong thời vua Lê Trung hưng, thời Tây Sơn, thời Nguyễn và rất nhiều di vật có giá trị khác. Hàng năm, đình Chu Quyến thường tổ chức lễ hội vào ngày Rằm tháng Giêng. Trong ngày hội, ngoài việc tế lễ, còn có các trò vui như: đánh vật, bơi thuyền, đánh cá, ca hát, thu hút rất nhiều du khách thập phương.
Di tích thứ hai của thôn Chu Quyến chính là chùa Chu Quyến (Hoa Nghiêm tự). Ngôi chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2012. Căn cứ vào những tư liệu thành văn thì chùa xây dựng vào thời Lê Trung hưng, trùng tu vào năm Thành Thái thứ 5 (1893). Quy mô kiến trúc hiện nay của chùa là kết quả của lần trùng tu vào những năm cuối thế kỷ XX. Chùa Chu Quyến tọa lạc trên khu đất rộng ngay cạnh đền và lăng Chu Quyến. Các công trình kiến trúc gồm: tam quan - gác chuông xây chồng diêm 2 tầng 8 mái, tiền đường 5 gian, 2 chái, thượng điện 3 gian tạo thành kiểu chữ Đinh, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách và các công trình phụ trợ khác. Chùa còn lưu giữ trên 40 pho tượng tròn, trong đó có những tượng được tạc vào thế kỷ XVIII như bộ Tam Thế, A Di Đà, Quan Thế Âm, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn..., bát hương gốm Thổ Hà, hoành phi, câu đối, chuông đồng, cuốn thư… mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX - XX.
Di tích thứ ba của thôn Chu Quyến là đền Chu Quyến; được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1999. Đền thờ Nhã Lang Vương, tương truyền đã có công giúp Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương, giành độc lập tự chủ ở thế kỷ thứ VI. Căn cứ vào các di vật thành văn và kiến trúc hiện còn cho biết đền được xây dựng vào thời Lê Trung hưng, trùng tu vào thời Nguyễn. Kiến trúc hiện nay của đền mang dấu ấn của lần trùng tu vào thế kỷ XX. Đền Chu Quyến tọa lạc bên cạnh chùa Chu Quyến với quy mô kiến trúc bề thế. Từ ngoài vào là nghi môn 3 gian 2 tầng 4 mái, hai bên sân có hai tòa tả - hữu mạc, mỗi nếp 5 gian. Đền làm kiểu chữ Công, gồm đại bái 3 gian 2 chái, ống muống 3 gian dọc, hậu cung 3 gian 2 chái. Nhìn chung, đền còn bảo tồn được khối kiến trúc bằng gỗ với các đề tài trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng. Đền còn lưu giữ 1 cuốn thần phả sao lại năm 1938, 11 đạo sắc phong thời Lê - Nguyễn, 14 đôi câu đối, 1 bức hoành phi, 1 hương án, 1 sập thờ, 1 khám thờ, 2 cỗ ngai, 1 bộ bát bửu, 1 bộ binh khí, hai đôi quạt thờ, 4 kiệu rước… mang niên đại nghệ thuật thời Nguyễn.
Di tích cuối cùng của thôn Chu Quyến được nhắc đến ở đây là lăng Chu Quyến; được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1999. Lăng tương truyền là mộ Nhã Lang Vương (còn gọi là Đức Thánh Chàng), là người có công giúp Lý Phật Tử giành lại ngôi vua từ Triệu Việt Vương, lập nên thời Hậu Lý Nam Đế. Lăng Chu Quyến ở rìa làng, quay hướng tây, có 2 tầng, 8 mái, 1 gian 2 chái. Bộ khung vì kết cấu kiểu chồng rường con nhị trên bốn hàng chân cột.
Trang Thu