Trong suốt các thời đại lịch sử, chủ đề chính của các tác phẩm Sử học và Văn học là phản ánh các sự kiện chính trị và đời sống của vua, chúa, quan lại bởi vì các tác giả coi vua chúa là chủ thể của lịch sử. Có rất ít các tác phẩm nói về cuộc sống của nhân dân. Họ chỉ xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích truyền miệng. Họ bị vô hình trong lịch sử. Có thể nói “Hoàng Lê nhất thống chí “ là cuốn sách cuối cùng viết về đời sống và gia đình của vua chúa. Tới đầu thế kỷ XX, hầu như không ai viết về chủ đề này nữa mà thay vào đó là hàng loạt các tác phẩm văn học nghệ thuật bắt đầu phản ánh cuộc sống của người dân ở cả thành thị và nông thôn. Việc thay đổi này chứng tỏ người dân không còn tin tưởng và tôn trọng chính quyền phong kiến nữa. Các tác giả bắt đầu coi nhân dân mới là chủ thể của lịch sử. Chưa bao giờ chủ đề gia đình được chú ý khai thác sâu và rộng như trong thời kỳ này.
Các nhà văn đầu thế kỷ XX phần lớn xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản trí thức nên họ rất nhanh nhạy với cái mới. Khi văn minh Pháp vào Việt Nam, cùng với sự tiến bộ của công nghệ, các tư tưởng về “Tự do, bình đẳng, bác ái” của Cách mạng tư sản Pháp 1789 cũng tràn vào. Soi rọi các tư tưởng mới này vào Việt Nam các nhà văn đã thấy ngay những nghịch lý mà chế độ phong kiến hủ bại đang níu giữ để cai trị trong gia đình và xã hội. Giáo lý Nho giáo không những tỏ ra lỗi thời, giáo điều trong thời đại công nghệ mà nó còn lộ rõ bộ mặt phản phát triển, kìm hãm sự tiến bộ của xã hội.
Tầng lớp thống trị phong kiến các cấp là mục tiêu của sự đả kích của văn học. Thông qua chủ đề gia đình, các tác phẩm đã đem những thói hư tật xấu và những hành vi độc ác được che giấu bên dưới các bộ quần áo công vụ của những nhân vật “tai to mặt lớn” trong nhóm cai trị ra chế giễu như quan phụ mẫu, các ông nghị viên như nghị Quế, nghị Hách, coi họ là kiểu người đại diện của mọi hủ tục của chế độ phong kiến. Vũ Trọng Phụng tố cáo bọn quan lại thối nát, bọn dốt nát, cơ hội, tranh thủ buổi nhiễu nhương để leo lên bậc cao của xã hội như Xuân Tóc đỏ, bà Phó Đoan. Các khuynh hướng hiện thực phê phán chống phong kiến đều phát triển trong các tác phẩm của các nhà văn.
Vấn đề gia đình được các nhà văn đặc biệt quan tâm bởi nó là trung tâm của các mâu thuẫn xã hội. Các câu chuyện về gia đình, ngôn ngữ, phong tục, lối sống, hôn nhân, vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ với con cái, mẹ chồng, nàng dâu, áp bức phụ nữ, những xung đột, khủng hoảng…đã được các nhà văn mô tả rất sinh động và hiện thực. Các loại gia đình từ nghèo khổ đến giàu có, từ nhà buôn đến trí thức, nho học đều được mô tả. So với thế kỷ XIX thì đây là thời kỳ phong phú và đồ sộ về văn học, truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, ký sự, bút ký với các tên tuổi lớn như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Tô Hoài, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Kim Lân…Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là bức tranh hiện thực toàn diện về gia đình Hà Nội với lối sống kệch cỡm của một số trưởng giả buổi giao thời. Sự suy tàn của lễ giáo phong kiến khiến con người mất phương hướng. Ở Hà Nội, đã xuất hiện một số loại người chứa trong mình cả hai loại văn hóa. Một mặt họ không thể tụt lại lối sống “nệ cổ” nhưng mặt khác họ cũng không thể vươn tới lối sống “tân thời” tuyệt đối. Sự giằng xé của hai lối sống đã làm xảy ra bao nhiêu bi kịch gia đình. Văn học đương thời lúc thì phê phán họ lạc hậu, lỗi thời, lúc lại chê bai họ “lai căng”.
Vũ Trọng Phụng mô tả cuộc sống bần cùng của những người phụ nữ làm đĩ hay làm vợ bé cho các quan tham. Hoàng Ngọc Phách mô tả sự xung đột giữa lễ giáo phong kiến và tình yêu tự do của thanh niên đưa đến bi kịch không lối thoát của Tâm, một tiểu thư con nhà gia giáo trong “Tố Tâm”. Giá như Tố Tâm và Đạm Thủy sống trước đó 100 năm thì chắc họ đã cam chịu cảnh bị ép duyên nhưng vì họ chót chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây về quyền con người nên họ không chịu đựng nổi và cái kết tất yếu là cái chết của Tâm để phản kháng bà mẹ là đại diện của lễ giáo phong kiến.
Tô Hoài viết về tự do phát triển nhân cách của thanh niên qua các thử thách của cuộc sống thông qua truyện “Dế mèn phiêu lưu ký”. Sự khao khát một cuộc sống độc lập bên ngoài gia đình để khám phá thế giới và khẳng định mình đã luôn là hoài bão của thanh niên lúc đó.
Các tác phẩm trên đã như mưa rào rơi xuống đồng hạn, lập tức có tiếng vang to lớn trong xã hội, được người dân thành phố hưởng ứng và có vị trí quan trọng trong văn đàn của dân tộc.
Lê Sơn