Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Nguyễn Văn Siêu, nhà thơ, nhà nghiên cứu nghiêm túc và tâm hồn thơ nhạy cảm ( 1799 - 1872)
Thứ sáu, 20/12/2019 03:00

Khi nói về thành công của một người thì họ chỉ nói về con người đó và những thành công mà ít ai nói về sự ảnh hưởng của gia đình đối con người đó. Chính vì điều này GS.TS Lê Thị Quý đã thể hiện sự ảnh hưởng của gia đình đến họ tiêu biểu là Nguyễn Văn Siêu trong cuốn “Gia đình Thăng Long - Hà Nội” thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.

          Ông tên là Định, sau đổi là Siêu, còn gọi là Án Sát Siêu, tự Tốn Ban, hiệu: Phương Đình là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam ở XIX. Ông thường được gọi là Nguyễn Siêu.  Ông sinh ở làng Kim Lũ, huyệnThanh Trì (nay thuộc phường Đại Kim quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội).

        Theo bộ Chính phả họ Nguyễn ở Kim Lũ thì cha ông là Nguyễn Công Bảo do hoàn cảnh gia đình đã đến ở với bà cô rồi định cư ở phường Đông Các, huyện Thọ Xương nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đến Nguyễn Văn Siêu là đời thứ hai. Đây là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời. Thân phụ ông có đi học nhưng không đi thi, tính tình trung hậu. Ông mồ côi lúc 10 tuổi, gia đình rất khó khăn, phải đi dạy học nhiều nơi xa để sinh sống. Sức khỏe yếu nên mới 53 tuổi đã qua đời ( Mậu Tý - 1828). Hai năm sau (Tân Mão - 1831), bà cũng mất, thọ 55 tuổi.

       Năm 7,8 tuổi, Nguyễn Văn Siêu đã theo cha học viết chữ, đọc sách nhưng cha không cho làm văn. Năm 13,14 tuổi đã tự làm câu đối treo trong phòng học:

      Đạo tự cổ kim vô khúc kính

     Thiên đa bồng tất sản cao nhân

     Dịch: Đạo học xưa nay không có đường tắt

     Trời có nhiều nhà tranh lều cỏ dành để sinh ra bậc cao nhân

                                                                           ( Nguyễn Như Thiệp, Nguyễn Văn Đề, 1944)

         Nguyễn Văn Siêu từng theo học các thầy Thọ Bình Trần công Tiến, hương cống triều Lê, Tiến sỹ Lập Trai Phạm Quý Thích. Trường của thày Lập Trai được tiếng dạy phép cổ văn, cổ thi đúng nề nếp khoa cử. Ông dốc chí vào học tập và có thái độ nghiên cứu rất sáng tạo. Ông kết bạn văn chương với Cao Bá Quát, mặc dù nhà thơ này kém ông 10 tuổi. Đương thời có câu Thần Siêu, Thánh Quát và vua Tự Đức cũng ca ngợi: Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán.

         Năm 26 tuổi, ông thi Hương đỗ Á nguyên (cử nhân thứ hai), nhưng hơn 10 năm sau mới đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất (1838) dưới triều vua Minh Mạng. Cùng đỗ khoa này với ông có Phạm Văn Nghị, Nguyễn Cửu Trường, Doãn Khuê, Đinh Nhật Thận...

          Ngay năm đó (1838), ông được bổ làm Hàn lâm viện Kiểm thảo. Năm 1839, ông làm Chủ sự ở bộ Lễ. Năm 1840, thăng ông làm Viên ngoại lang. Cuối năm này vua Minh Mệnh mất, Thiệu Trị lên thay. Biết tài Nguyễn Văn Siêu, nên vừa lên ngôi, vua Thiệu Trị chuyển ông làm Thừa chỉ trong Nội các, ít lâu sau, cho ông kiêm giữ cả chức Thị giảng (phụ trách việc giảng sách cho các Hoàng tử, trong số ấy có Nguyễn Phúc Hồng Bảo, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm).

         Theo một số tác giả thì ông Siêu và ông Quát đi thi hay bị hỏng vì bọn quan trường ghen tài. Tháng 8 (âm lịch) năm 1841, ông được cử làm Phân khảo tại trường Hương Thừa Thiên. Khi làm giám khảo, các ông vì thương những học trò có tài năng không may bị phạm húy khi thi nên định cứu. Sau khi việc chữa bài của Cao Bá Quát bị phát giác, Nguyễn Văn Siêu phải tội trượng, đồ. Sau vua xét lại, ông chỉ bị cách chức .

         Quan điểm sống và làm việc của Nguyễn Văn Siêu rất trung thực và hiện đại. Ông phê phán gay gắt chế độ thi cử phong kiên. Ông cho rằng thi cử làm hỏng trí tuệ học trò, chạy theo thi cử chỉ là lối trộm cắp những lời nói cũ và đâm đầu vào bùn lấm. Nguyễn Văn Siêu trong bài Hai loại văn chương đã viết: Phàm những kẻ chỉ cầu mong thi đỗ ngoài ra không còn một cái học nào khác. Họ không biết rằng: tu sửa cái gốc thì cái ngọn cúng dầy lên. Nếu chỉ che đậy qua loa cái trách nhiệm gần thì bỏ mất trách nhiệm xa (Hội nhà văn Hà Nội 1981).

          Năm 1847, vua Tự Đứclên ngôi. Hai năm sau (1849), Nguyễn Văn Siêu được cử làm Phó sứ trong đoàn đi sứ sang Yên Kinh (tức Bắc Kinh, Trung Quốc ngày nay). Khi đi vua Tự Đức có dặn: "Khanh học vấn uyên bác, chuyến này đi sang sứ, xem xét núi sông, phong tục, ghi chép kỹ, khi về tiến lãm"; nên lúc về (1850), ông dâng lên quyển "Vạn lý tập dịch trình tấu thảo" .Từ đó cho tới khi qua đời (1872, thọ 73 tuổi), non 20 năm Nguyễn Văn Siêu ở Hà Nội, vui với việc dạy học, soạn sách. Điều đáng kể nữa, đó là việc lập nhà thờ họ ở làng Kim Lũ; và việc ông đã đứng ra tu sửa đền Ngọc Sơn, bắc cầu Thê Húc, xây Tháp Bút và Đài Nghiên ở tại Hồ Gươm (Hà Nội) vào năm 1865. Các tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu đều bằng chữ Hán

Phương Đình văn loại (Văn Phương Đình phân loại)

Phương Đình thi loại (Thơ Phương Đình phân loại)

Phương Đình thi văn tập (Tập thơ văn Phương Đình)

Phương Đình tùy bút lục (Sao lục tùy bút của Phương Đình)

Phương Đình dư địa chí (Ghi chép địa dư của Phương Đình)

Ngoài ra, ông còn nghiên cứu, chú giải các sách cổ để dạy học, gồm:

Chư kinh khảo ước (Lược khảo các kinh)

Chư sử khảo thích (Khảo và chú các bộ sử)

Tứ thư bị giảng (Giảng giải đầy đủ về tứ thư)...

           Nguyễn Văn Siêu còn là một người có tài thơ. Thơ ông đáng chú ý nhất là mảng phản ánh đời sống nghèo đói, cực khổ, loạn lạc của nhân dân thời ấy (như bài: "Tự Bắc Ninh phó Hải Dương vịnh hoài"; "Nhân tự Bắc Ninh lai, ngôn Bắc Ninh sự, cảm tác") và lòng tự hào của nhà thơ về đất nước, về nhân dân, về dân tộc (như bài "Chương Dương độ"). Bên cạnh đó, ông cũng làm nhiều bài thơ miêu tả cảnh thiên nhiên tình tứ, nhất là cảnh Hà Nội và làm nhiều bài thơ để trao đổi, gửi tặng cho bạn bè. Ông có bài thơ khóc Cao Bá Quát rất nổi tiếng.

Kim Ngân

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá