Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội
Thứ sáu, 19/06/2009 09:29
Cuốn sách này do PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc chủ biên, thuộc mảng sách lịch sử và thể loại nghiên cứu biên soạn, gồm 400 trang
                1. Tóm tắt nội dung:

- Kế thừa các công trình đã công bố về Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, đi sâu nghiên cứu nhận thức của Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của Hà Nội trong tiến trình lịch sử dân tộc và trong sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt quan tâm đến:

+ Những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh dành chính quyền, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

+ Tình cảm của Bác Hồ với nhân dân Thủ đô và tấm lòng của đồng bào, chiến sĩ Thủ đô đối với Bác.

  -  Thông qua việc làm sáng tỏ vai trò, tác động của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng, giải phóng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức - tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và yêu cầu vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội hiện nay.

- Cuốn sách khai thác được lượng tư liệu có giá trị về Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội. Nhiều tư liệu độc đáo, đặc sắc, có tính chất biểu cảm cao. Cách sắp xếp tư liệu khoa học, có tác dụng bổ sung, minh hoạ làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cách viết nhẹ nhàng, đi vào lòng người đọc, vừa là một công trình khoa học vừa mang tính phổ thông, phục vụ được đông đảo bạn đọc.

2. Bình luận sách

* PGS. Bùi Đình Thanh - Viện Sử học

1. Công trình biên soạn này nằm trong kế hoạch kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Nhà xuất bản Hà Nội, có ý nghĩa quan trọng cả về lịch sử và thực tiễn. Theo tôi, việc biên soạn công trình này có hai cái khó: Một là, công trình biên soạn phải làm nổi bật vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Thủ đô thời kỳ hiện đại. Nếu tính từ Cách mạng tháng Tám thành công đến năm 2006 là thời điểm kết thúc nội dung công trình biên soạn thì chúng ta có 61 năm, nhưng thực tế Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ sống và làm việc ở Hà Nội chỉ có 24 năm. Hai là, trong thời gian 61 năm đó, lịch sử dân tộc đã chứng kiến những sự kiện rất quan trọng: hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cùng với hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam; thực hiện hai sự nghiệp lớn là đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Nội dung tác phẩm phải thể hiện được vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh (kẻ cả về tư tưởng và chỉ đạo thực tiễn) trong bối cảnh lịch sử với nhiều tình huống khó khăn, phức tạp như vậy.

Trước những khó khăn nói trên, tôi đồng ý với nhận xét của tập thể tác giả trong Lời nói đầu: Về căn bản “tập thể tác giả đã có nhiều cố gắng trong sưu tầm tư liệu và biên soạn. Trên cơ sở nguồn tư liệu hiện có, bằng phân tích của các tác giả, quyển sách đã tái hiện quan hệ giữa Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội bao gồm cả quan hệ với tư cách nguyên thủ quốc gia cũng như với tư cách một công dân Thủ đô, cả tác động gián tiếp qua tư tưởng lý luận lẫn tác động trực tiếp bằng chỉ đạo cụ thể, cả chiều quan hệ Hồ Chí Minh với Hà Nội và Hà Nội với Hồ Chí Minh”.

2. Để góp phần nâng cao chất lượng công trình biên soạn, tôi xin gợi ra một số ý kiến sau đây:

2.1. Về mặt cấu trúc, tác phẩm được chia thành 5 chương.

Chương I: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và Hà Nội được chọn là Thủ đô của nước Việt Nam độc lập.

Chương II: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng chế độ mới, củng cố chính quyền cách mạng ở Thủ đô, kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Chương III: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên địa bàn Hà Nội (1954 - 1969)

Chương IV: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội

Chương V: Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình làm theo tư tưởng và di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo tôi, cấu trúc các chương như trên có phần thiếu lôgic. Ở chương III viết về chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chúng ta biết rằng đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam nói chung, đối với Hà Nội nói riêng hai lần: lần thứ nhất từ tháng 8 - 1964 đến tháng 11 - 1968; lần thứ hai từ tháng 4 - 1972 đến 30-12-1972. Chương III chỉ viết về chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, chiến tranh phá hoại lần thứ hai lại để sang chương V. Và giữa hai chương III và V lại xen vào chương IV viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tầng lớp nhân dân Hà Nội. Như vậy, hiện thực lịch sử bị cắt khúc, tính lôgic lịch sử không rõ rệt. Vì thế, tôi đề nghị: chương III nên viết đến cuối 1972 và để cho tính liên tục của lịch sử được thể hiện, nên đưa chương V lên thành chương IV. Chương IV viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tầng lớp nhân dân Thủ đô được đưa xuống dưới, xem như chương cuối của công trình biên soạn. Như thế hợp lý và lôgic hơn.

2.2. Cần lưu ý là của công trình biên soạn là nhiều sự kiện lịch sử được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, ví như:

- Tình hình đất nước bị chia cắt sau Hiệp định Genève

- Tình hình tiếp quản Hà Nội và tình hình chính trị ở Hà Nội sau khi ta tiếp quản Thủ đô

- Những ngày đầu tiên Hồ Chủ tịch về Hà Nội

- Chống giặc đói, giặc dốt

- Phong trào kết nghĩa Bắc Nam, Hà Nội - Huế - Sài Gòn

- Ngày Bác mất

- Viết về các liên khu phố 1, 2, 3 trong khu XI

Những đoạn nhắc lại qua các chương tôi đã ghi rõ trong bản thảo.

2.3. Cụ thể thêm ở từng chương

Chương II:

- Tr.118: nên nói cụ thể kế hoạch cưỡng ép di cư là do Mỹ đặt ra với tên gọi là Exodus do Tổng giám mục Mỹ Spellman cầm đầu. Spellman là cha nuôi Ngô Đình Diệm.

- Tr.119: về phái đoàn SMM, viết tắt của Sài Gòn - Mili - Tary Mission, Phái bộ quân sự Sài Gòn nên trích dẫn. Tài liệu mật Lầu Năm Góc nói rất cụ thể, chi tiết kế hoạch phá hoại Hà Nội và miền Bắc của tổ chức đó.

Chương IV:

 Để cho công trình biên soạn được sinh động nên trích dẫn cảm nghĩ của những nhà trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia chính quyền: Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Xiển… Công tác vận động trí thức ở Hà Nội qua nhận xét của đồng chí Nguyễn Bắc.

Nên thêm Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ: Hằng Phương, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Thị Kim, Châu Loan, Trần Thị Tuyết… Đưa phần viết về cán bộ miền Nam tập kết, các cháu học sinh miền Nam, các phái đoàn miền Nam ra thăm miền Bắc vào phần này. Bản thảo chưa được xem lại kỹ. Còn nhiều thiếu sót: tên người, phiên âm, văn phong… Tôi đã mạn phép chữa hoặc đánh dấu để các tác giả xem lại.

 

 

 

 

 

 

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá