1. Tóm tắt
nội dung
- Đây là tuyển
tập các bài thơ văn, bút ký, tản văn và một số ký hoạ, tranh, ảnh nghệ thuật
của người nước ngoài nhìn Hà Nội, cảm nhận và viết về Hà Nội.
- Điểm theo thời gian, nêu những nét đặc sắc của Hà
Nội qua cái nhìn của bè bạn. Các tác
phẩm nêu bật được vẻ đẹp của cảnh sắc và con người Hà Nội, bày tỏ sự thán phục trước
sự dũng cảm của con người Hà Nội và những ấn tượng sâu sắc mà Hà Nội để lại
trong lòng bạn bè. Mỗi người có cách nói riêng nhưng đều muốn bày tỏ tấm lòng
trước Hà Nội, luôn coi Hà Nội thật gần gũi thân thiết, là quê hương thứ hai của
mình. Cần trân trọng những tấm lòng bạn bè gần xa đã có tình cảm tốt đẹp với
Thủ đô Hà Nội yêu quý.
2. Bình luận
sách
Nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Văn Dân - Nguyên
Viện trưởng Viện Thông tin
Đề tài “Hà Nội với những tấm lòng gần xa” là một đề tài hấp dẫn, đáp ứng
tinh thần của Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Với tên gọi như
vậy, đề tài có mục đích khẳng định vị thế của Thủ đô Hà Nội trong lòng bạn bè
thế giới. Đó là một mục đích có ý nghĩa, góp phần nâng cao lòng tự hào của
người dân Thủ đô nói riêng và của người Việt
Nam nói chung. Các tác giả của đề
tài thực sự đã chọn đúng hướng đi để thực hiện một công trình văn hoá có ý
nghĩa thiết thực.
Với
một tập bản thảo dày hơn 600 trang khổ A4, đề tài đã cung cấp cho bạn đọc rất
nhiều thông tin bổ ích và lý thú. Với 5 phần chính và một phần phụ lục, bố cục
cuốn sách khá hợp lý. Nó đưa người đọc trở về với lịch sử Hà Nội từ thế kỷ XIX,
qua các giai đoạn cách mạng, kháng chiến, xây dựng, bảo vệ và cuối cùng là phát
triển hướng tới tương lai, để giúp người đọc hình dung con đường phát triển của
Hà Nội cho đến thời kỳ đổi mới dưới con mắt của người nước ngoài, chủ yếu là
những người bạn đã gắn bó với Việt Nam và đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội.
Để
kỷ niệm Hà Nội 1000 năm Thăng Long, việc thực hiện đề tài này cũng là một cách
để chúng ta tôn vinh Hà Nội, một Thủ đô có truyền thống văn hoá lâu đời. Và cách
các tác giả lựa chọn là mô tả Hà Nội qua con mắt của người nước ngoài sẽ đóng
góp một cái nhìn khách quan về Hà Nội, đồng thời cũng cung cấp cho độc giả Việt
Nam những ý kiến nhận xét cũng như những tình cảm của người nước ngoài đối với Thủ
đô của chúng ta, qua đó giúp chúng ta hiểu rõ thêm công sức lao động của người
dân Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô, cũng như có thể gợi ý
cho người dân Việt Nam những ý tưởng phát huy các giá trị văn hoá của Thủ đô Hà
Nội.
Người
đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ rất thích thú khi được hiểu rõ thêm về Hà Nội
thời xưa và có dịp để so sánh với Hà Nội ngày nay. Những trang viết của người
nước ngoài mô tả Hà Nội thời kỳ cuối thế kỷ XIX là những bức tranh rất ấn tượng. Những bài viết và những bài thơ của
các tác giả nước ngoài về Hà Nội, về Hồ Chí Minh, thực sự là những bản tình ca
thể hiện tình cảm của các tác giả đối với Việt Nam và Hà Nội một cách vô cùng
xúc động. Những bài viết đó khi đứng riêng lẻ có thể sẽ bị chìm đi và bị lãng
quên, nhưng khi tập hợp vào cuốn sách này, sẽ làm thành một bản hợp ca với
nhiều âm điệu khác nhau, và thực sự là
một bản giao hưởng ca ngợi Việt Nam - Hà Nội - Hồ Chí Minh.
Có
thể khẳng định nếu được xuất bản, đây sẽ là một cuốn sách có giá trị văn hoá
cao và có ý nghĩa thực tiễn cho việc quảng bá hình ảnh của Hà Nội nói riêng và
của con người và đất nước Việt Nam nói chung, đồng thời góp phần củng cố và
phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc và đẩy mạnh giao lưu văn hoá quốc tế.
Đó cũng chính là ưu điểm căn bản của cuốn sách.
Tuy
nhiên, để có được một bản thảo hoàn chỉnh có thể xuất bản, tôi đề nghị các tác
giả cần biên tập kỹ lưỡng hơn nữa, kể
cả đối với những câu văn viết lẫn những câu văn dịch, đặc biệt là cần xem lại
cách phiên âm tên riêng nước ngoài, và nếu thống nhất được cách phiên âm tên
riêng nước ngoài thì càng tốt.
Cuối
cùng, tôi đề nghị hội đồng nghiệm thu thông qua kết quả đề tài này, nhưng với
một đề nghị là bản thảo cần phải được sửa chữa và biên tập kỹ lưỡng trước khi
đưa công bố.