*Tóm tắt nội dung:
- Báo chí nói chung luôn là
tấm gương phản ánh, là hơi thở của xã hội và thời đại. Với ý nghĩa đó thì báo
chí Hà Nội quả thực là một nguồn tài liệu lịch sử vô cùng phong phú, phản ánh
tiến trình lịch sử của Thủ đô, của lịch sử cách mạng nước ta, của bản thân lịch
sử Hà Nội. Qua cuốn lịch sử này, bạn đọc cũng có thể ghi nhận những sự kiện
lịch sử chủ yếu của thành phố qua các giai đoạn, vị thế của Hà Nội với vận mệnh
của đất nước, của dân tộc cũng như cuộc đấu tranh phong phú đa dạng của người
dân Thủ đô qua các giai đoạn cách mạng từ xưa đến nay.
- Cuốn “Lịch sử báo chí Hà Nội”, một mặt có
nhiệm vụ dựng lại một cách tương đối chi tiết, nhưng nhất thiết có tính hệ
thống cao theo bút pháp của lịch sử báo chí, để phục hiện quá trình phát sinh,
phát triển của báo chí ở Hà Nội từ khởi thủy đến nay, nêu bật tầm vóc, vị thế của báo chí Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử.
- Công trình này cũng có hy
vọng phải nêu bật được sự phát triển của nghề làm báo ở thành phố này với những
đặc điểm, những cống hiến độc đáo của nó qua các dòng báo chí, các tờ báo tiêu
biểu và đặc biệt, các cây bút tiêu biểu...
Tất cả nhằm hướng đến việc
có được một tác phẩm nghiêm túc, chuẩn mực về học thuật (lịch sử báo chí), đồng
thời phải có khả năng cuốn hút người đọc nhất là bạn đọc của chính giới báo
chí, để tập sách có thể góp phần nhỏ của mình trong sứ mạng đổi mới toàn diện của
giới báo chí hiện nay.
*Bình luận của Ông Hà Phương Thiện - Tạp chí lý luận chính trị và truyền thông -
Học viện Báo chí và Ttuyên truyền
Đây là công trình có ý nghĩa không chỉ với riêng
Hà Nội mà còn có giá trị cao khi nghiên cứu sự phát triển của báo chí cả nước. Đã
có nhiều báo, tạp chí đề cập vấn đề này song chưa có cơ quan, tổ chức nào nghiên
cứu một cách thấu đáo từ nội dung, hình thức đến hiệu quả tác động. Tiến tới kỷ
niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, càng trở nên cấp thiết hơn bởi cần phải có một
công trình nghiên cứu nhằm khái quát quá trình hình thành, phát triển của báo
chí với tư cách là “thư ký của thời đại” ở một địa bàn quan trọng nhất cả nước
trên các phương diện: thời gian, số lượng, phạm vi ảnh hưởng, tác động xã hội…
Nghiên
cứu này không chỉ khái quát lịch sử của một ngành mà còn gợi mở khả năng giải
quyết một số vấn đề về lý luận, thực tiễn chỉ đạo báo chí Thủ đô phát triển
trong điều kiện mới, thúc đẩy sự hình thành quan điểm, nhận thức đúng đắn trong
công chúng rộng rãi về báo chí nước nhà, là bước phát triển của quá trình xã
hội hóa báo chí, góp phần đẩy mạnh phản biện xã hội và báo chí công dân. Kết
quả nghiên cứu còn cung cấp tri thức cơ bản về lý thuyết truyền thông hiện đại
như: lý thuyết tiếp nhận, tín hiệu học, xã hội thông tin, văn hóa truyền thông…
Theo tôi nên xem xét thêm:
Tại sao Hà Nội không có những tờ báo có lượng phát hành lớn như Thành phố Hồ Chí
Minh?
Hà Nội là trung tâm văn hóa
- chính trị của cả nước, nơi tập trung rất nhiều tờ báo Trung ương, các ngành và
đoàn thể chính trị xã hội. Đặc điểm này ít nhiều ảnh hưởng đến sự ra đời và phát
triển của báo chí Hà Nội, vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, tôi nghĩ không thể
không xem xét đặc điểm này để so sánh với báo chí Thành phố Hồ Chí Minh và một
số địa phương khác trong cả nước, từ đó rút ra kết luận: Nguyên nhân khách quan
hay chủ quan thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của báo chí Thủ đô?
Tác
giả chủ biên là giáo sư đầu ngành về báo chí, nên khi xây dựng đề cương nghiên
cứu đã tiên lượng khó khăn và thuận lợi khi thực hiện đề tài, cá nhân tôi hoàn
toàn nhất trí với đề cương nên chỉ đưa vài ý kiến để tác giả tham khảo.