Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hà Nội: Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan
Thứ năm, 26/11/2009 03:14
Cuốn “Hà Nội: Địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan” do PGS. TS. Vũ Văn Phái chủ biên. Sách thuộc mảng Địa lý, thể loại Nghiên cứu biên soạn, ước tính dày khoảng 200 trang.

Tóm tắt nội dung:

- Khái quát về các đặc điểm tự nhiên và xã hội của Hà Nội (đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai, động thực vật, biến đổi hành chính và đặc điểm kinh tế xã hội, v.v. của Hà Nội);

- Các thành tạo địa chất có tuổi khác nhau, lịch sử hình thành và phát triển của chúng. Đó chính là các thành tạo địa chất có tuổi khác nhau từ nguyên đại Trung sinh (Mezozoi) cho đến Kỷ Nhân sinh (Đệ tứ). Các hoạt động kiến tạo và tân kiến tạo, kiến tạo hiện đại;

- Đặc điểm địa mạo Hà Nội (các thành tạo địa hình có nguồn gốc và tuổi khác nhau cũng như quá trình hình thành và phát triển cũng như ý nghĩa thực tiễn của chúng);

- Các loại hình tài nguyên khoáng sản liên quan với địa chất và địa hình;

- Các tai biến thiên nhiên và những nguy cơ tiềm ẩn của chúng

Trên cơ sở các phân tích, đánh giá về các vấn đề đó công trình có ý nghĩa định hướng quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ Hà Nội trên cơ sở các đặc điểm địa chất, địa mạo khoáng sản Hà Nội..

Bình luận của PGS.TS. Chu Văn Ngợi - Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội

Cuốn sách với tiêu đề “Hà Nội: Địa chất, địa mạo và một số tài nguyên liên quan” có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn. Sách ra mắt công chúng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Sách được lưu giữ trong Tủ sách và tài nguyên thiên nhiên của Hà Nội. Do đó, yêu cầu của cuốn sách phải:

Thể hiện một cách sinh động về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng phong phú các dạng tài nguyên của Hà Nội;

Thông tin, số liệu phải chính xác.

Nội dung khoa học phải đúng và phản ánh được trình độ hiện nay ở trong nước và trên thế giới của các lĩnh vực liên quan.

          Với quan điểm như vậy, sau khi đọc, nghiên cứu bản thảo, người nhận xét có một số ý kiến như sau:

Tính phù hợp của bản thảo với đề cương

- Đề cương của đề tài được phê duyệt là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện của đề tài có đầy đủ hay không.

- Về cơ bản: Bản thảo cấu trúc 5 chương có nội dung phù hợp với đề cương đã vạch ra. Tuy nhiên, về nội dung chi tiết của các chương đều có sự thay đổi so với đề cương.

+ Chương 1: mục 1.2.4 và mục 1.3 thay đổi tên tiêu đề

+ Chương 2: mục 2.2, 2.2.3.1 và 2.4 thay đổi tên tiêu đề

+ Chương 3. Tên chương thay đổi

Các mục 3.1 và 3.2 cấu trúc lại so với đề cương

+ Mục 3.3 thay đổi tên tiêu đề

+ Mục 3.4 Thay đổi nội dung khác

+ Mục 3.5 Không trình bày

Chương 4: Các mục cấu trúc lại

Chương 5: Mục 5.1 thay đổi tên tiêu đề, nội dung chi tiết của mục 5.1có chỉnh sửa, các mục 5.2 và 5.4 cấu trúc lại.

Đề nghị tập thể tác giả làm rõ lý do sửa, thay đổi so với đề cương.

Nhận xét về nội dung của bản thảo

Mở đầu.

Phần mở đầu đã đề cập đến:

- Những mốc lịch sử quan trọng của Hà Nội trong lịch sử dân tộc.

- Vai trò của điều kiện tự nhiên (địa hình, khoáng sản, đất đai, thủy văn) trong quá trình xây dựng và phát triển.

- Sự thay đổi của Hà Nội trải qua thời gian lịch sử.

- Giới thiệu nội dung cuốn sách.

So với đề cương, nội dung của phần mở đầu đầy đủ. Tuy nhiên tập thể tác giả cần lưu ý:

Công thức: con người + tài nguyên = tai biến (trang 6)

- Có một số lỗi chính tả, câu cụt và ví dụ dẫn ra không rõ.

Chương 1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, xã hội Hà Nội

          Với khối lượng 24 trang, đã trình bày khá đầy đủ các nội dung: vị trí địa lý, các điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai - thực vật)

          Ngoài những kết quả đã đạt được tập thể tác giả cần chú ý đến việc dùng các thuật ngữ (món quà, sau đợt, tập kết… (trang 9), câu không chính xác (trang 14, 16), còn có nhiều lỗi chính tả (trang 10, 11, 14, 16), trật tự các tiểu mục nhầm (trang 10, 11, 13, 14, 19), hình khó đọc (H 1.4).

Chương 2. Địa chất Hà Nội

          Chương 2 tập thể tác giả dành 48 trang đề trình bày các nội dung vị trí cấu trúc địa chất của Hà Nội, địa tầng, kiến tạo, động đất, địa chất thủy văn, địa chất công trình và lịch sử phát triển địa chất.

          Mục 2.1 Nội dung viết quá sơ lược, chưa phản ánh được vị trí kiến tạo của Hà Nội theo quan điểm mới hiện nay. Tập thể tác giả trình bày theo quan điểm cách đây đã 44 năm. Nội dung mục này cần làm rõ vị trí Hà Nội trong bình đồ kiến tạo Đông Nam Á.

          Mục 2.2 Tập thể tác giả đã trình bày chi tiết và đầy đủ các phân vị địa tầng trong phạm vi thủ đô Hà Nội. Cách trình bày mang dáng dấp của báo cáo địa chất. Với cuốn sách này cách trình bày như vậy có phần hơi cứng và thiếu hấp dẫn. Tập thể tác giả nên suy nghĩ trình bày sao cho sinh động nhưng vẫn toát lên được trật tự địa tầng, tính đặc thù của từng hệ tầng.

          Ở đây tập thể tác giả trình bày, ví dụ: Hệ tầng Thạch Khoán (NP - €, tk) – Trần Xuân Toản, 1972. Cách trình bày như vậy đối với các nhà địa chất thì không có vấn đề gì. Nhưng đối với những người ngoài chuyên môn thì rất khó hiểu. Ngoài ra, trình bày như vậy có điều không hợp lý vì năm 1972 tên các phân vị địa tầng là “điệp” chứ không phải là “hệ tầng”. Cho nên phần cuối của hệ tầng không nên thêm nội dung này.

          Mục 2.3.1 Kiến tạo

          Tập thể tác giả trình bày vị trí Hà Nội nếu ở hai miền kiến tạo khác nhau: miền kiến tạo Đông Bắc và Tây Bắc Bộ (thuật ngữ hai miền này khác với thuật ngữ ở trang 25). Tiếp theo trình bày các đới kiến tạo ở hai miền.

          Ở đây nên trình bày khái quát về kiến tạo nội mạng làm nền cho việc phân tích đặc điểm kiến tạo đới biến dạng Sông Hồng - Ranh giới giữa hai địa khối Nam Trung Hoa và Sundaland, làm rõ ảnh hưởng của đới này đến môi trường địa chất Hà Nội. Mục này và mục 2.1 nên nhập vào làm một.

          Mục 2.3.1.2 Đứt gãy

          Ở đây nêu rõ tiêu chí phân loại đứt gãy: đứt gãy cấp I, II,…

          Vai trò của đứt gãy sông Hồng và sông Chảy cần xem xét lại vì hiện nay, các văn liệu đều cho đới đứt gãy Sông Hồng là ranh giới giữa 2 địa khối Nam Trung Hoa và Sundaland.

           Mục 2.3.2 Động đất:

          Số liệu cần có nguồn dẫn (trang 52), ở đây nên trình bày Hà Nội nằm trong đới phân vùng động đất để tránh trùng lặp về sau ở chương 5.

          Mục 2.4.4 Nên có sơ đồ quan trắc (trang 60)

          Mục 2.5 Địa chất công trình. Nên đưa hệ tầng Sông Bôi (T2 - 3sb) trang 65 về trang 64 thuộc mục trầm tích lục nguyên và cacbonat.

          Mục 2.6 Khái quát lịch sử phát triển địa chất

          Lịch sử trình bày khá chi tiết. Tuy nhiên để dễ theo dõi nên có bảng Địa niên biểu.

           Ngoài ra trong chương này còn có một số lỗi chính tả (trang 40, 44, 51, 53, 54, 57, 59, 65, 67, 68, 69) và các thuật ngữ dùng không đúng: trang 25, 29, 35, 68)

          2.4 Chương 3: Đặc điểm địa mạo và khái quát về cảnh quan hình thái Hà Nội.

          Chương này tập thể tác giả trình bày 4 nội dung: các tác nhân tạo địa hình, các kiểu địa hình, lịch sử tiến hóa địa hình và cảnh quan với khối lượng 57 trang đánh máy.

          Nội dung trình bày trong chương này phong phú, có nhiều số liệu và minh chứn. Cách trình bày khá hấp dẫn. Toàn bộ những điều trình bày đã phản ánh được đặc điểm địa mạo và cảnh quan của Hà Nội.

          Ngoài những thành công nêu trên, tập thể tác giả cần lưu ý:

          Lãnh thổ thủ đô Hà Nội bao gồm cả đồng bằng và núi, bởi vậy quá trình hình thành các kiểu địa hình không chỉ liên quan đến cấu trúc sụt lún (mục 3.1.1 trang 74 ở ba dòng đầu, mục 3.2 toàn bộ phần lời, trang 79). Những đoạn lời dẫn ở hai mục và tiêu mục cần viết lại.

          Cần xem lại nội dung dòng 1 và 2 từ trên xuống thuộc mục 3.3.2 (trang 106)

          Nội dung lặp lại trang 110 (nội dung động đất)

          Trình bày thiếu chính xác về thời gian (mục 3.3.2.3, trang 110), cần viết lại cho đúng.

          Câu không rõ nghĩa (đoạn cuối trang 74).

          Thuật ngữ dùng cho đúng (bậc thềm và thềm bậc?) thống nhất ký hiệu trật tự bậc thềm bằng số La Mã (không nên có chỗ ký hiệu bằng số Ả rập, có chỗ bằng số La Mã).

           Tiêu đề chương 3 nên bỏ hai từ “Hình thái” mục 3.1 nên đưa từ “chính” vào giữa từ “tố” và “tạo”.

          Số liệu về sông Hồng mâu thuẫn giữa trang 78 và trang 111, cần chỉnh lại.

Chương 4. Một số loại tài nguyên liên quan đến địa chất và địa mạo

          Trong phạm vi Hà Nội, tài nguyên thiên nhiên khá phong phú và đa dạng. Bản thảo đã dành 30 trang để trình bày. Các vấn đề:

          Quan niệm về tài nguyên thiên nhiên

          Tài nguyên khoáng sản

          Tài nguyên địa mạo

          Nội dung của vấn đề được trình bày khá phong phú. Tuy nhiên, tập thể tác giả cần xem xét một số vấn đề. Trong nội dung thứ nhất nên trình bày bổ sung một số định nghĩa về tài nguyên của các nhà khoa học khác nhằm hiểu khái niệm về tài nguyên thiên nhiên đươc đầy đủ và khách quan.

          Nội dung thứ 2 (khoáng sản): Nên đưa ra một số bảng phân loại khoáng sản và tập thể tác giả lựa chọn một trong các bảng phân loại để trình bày.

          Phân loại khoáng sản ra: khoáng sản rắn, khoáng sản lỏng, không phải là phân loại phù hợp. Theo phân loại được công nhận rộng rãi khoáng sản được phân ra: khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim loại và khoáng sản cháy.

          Tập thể tác giả xếp nước vào khoáng sản lỏng là không đúng, vì nước là một loại tài nguyên.

          Than bùn phải xếp vào khoáng sản cháy.

          Để đơn giản khoáng sản phi kim chia ra 2 nhóm: vật liệu xây dựng và khoáng chất công nghiệp. Cách trình bày khoáng sản vật liệu xây dựng không thống nhất (chỗ in đậm, chỗ in nghiêng, có chỗ thừa như đá bazan xây dựng (trang 141), đá xây dựng bazan trong mục đá xây dựng trang 143.

Chương 5. Một số ý kiến … thiên tai

          Chương 5 dài 32 trang đã đề cập đến một số tai biến thiên nhiên, định hướng sử dụng tài nguyên. Nội dung tai biến được trình bày khá chi tiết (động đất, lũ lụt, ngập úng, nứt đất, bồi tụ - xói lở, ô nhiễm). Trong nội dung này các giải pháp giảm thiểu không có.

          Tại trang 178 khái quát quá trình phát sinh tai biến bằng mô hình (có khác với mở đầu: con người + tài nguyên thiên nhiên = kinh tế ± tai biến) là không hoàn toàn phù hợp vì không thể hiện được vai trò của con người và tài nguyên thiên nhiên. Qua mô hình chỉ thấy hậu quả xấu.

          Nội dung định hướng sử dụng tài nguyên được tác giả trình bày ở hai khía cạnh: hiện trạng sử dụng và định hướng sử dụng. Cả hai khía cạnh này trình bày còn chưa đầy đủ vì mới đề cập đến một số ít tài nguyên trong khi Hà Nội có nguồn tài nguyên khá phong phú.

          Nội dung động đất ở trang 160 lặp lại. Không nên cùng một nội dung lặp lại ở nhiều chương (chương 2 – trang 52, chương 3 – trang 110)

          Có nhiều đoạn trình bày không đủ ý (đoạn đầu của mục 5.1.2 trang 167) không rõ nghĩa (đoạn giữa tr. 180), thiếu ảnh minh họa (ảnh 2.12, trang 179, ảnh 2.11 trang 182), đoạn cuối trang 186 không rõ nghĩa.

          Tiêu đề chương 5 từ “thiên tai” nên thay bằng “tai biến địa chất”. Hình 5.3 trang 175 nên chỉnh lại vị trí, chú giải hình 5.1 trang 172 cần làm rõ và tiêu đề hình phải đi cùng hình vẽ. Tiêu đề ảnh 5.1 cần chỉnh lại vị trí (trang 168),...

          Ngoài ra còn có một số lỗi chính tả khác.

Nhận xét nội dung kết luận

          Bản thảo nêu ra 6 kết luận. Các kết luận nói chung đã phản ánh được nội dung của cuốn sách. Tuy nhiên, tập thể tác giả cần lưu ý nội dung của một số kết luận.

+ Kết luận 1: các loại đất đá… độ bền vững cao. Nội dung này không chính xác.

+Kết luận 2: … nền địa hình rất phong phú được tạo bởi các quá trình ngoại sinh và nhân sinh là chưa đầy đủ. Ở đây còn thiếu các yếu tố nội sinh.

+ Kết luận 6: “Từ những nhận xét về địa động lực hiện đại …” trong 6, kết luận chưa có kết luận nào về địa động lực hiện đại cho nên cơ sở kết luận 6 cần xem lại.

          Kết luận chung

Bản thảo có cấu trúc hợp lý, nội dung phong phú. Sự ra đời của cuốn sách sẽ đáp ứng được nhiều đối tượng và làm phong phú tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”

Đề nghị tập thể tác giả nghiên cứu những ý kiến đóng góp để chất lượng cuốn sách đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

Người nhận xét ủng hộ việc xuất bản sau khi đã chỉnh sửa nghiệm túc.

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá