* Tóm tắt nội dung:
- Là công trình tuyển chọn một tập truyện ngắn gồm các
tác giả và tác phẩm xuất sắc nhất, có giá trị lâu dài đã được khẳng định qua thời
gian.
- Là tác phẩm đại diện cho tinh hoa truyện ngắn về
Thăng Long - Hà Nội. Thể hiện tinh thần, tư tưởng, tâm hồn, phong thái, cốt
cách, lối suy nghĩ cũng như sự nghiệp chiến công của người Thăng Long - Hà Nội.
Nhóm
biên soạn đã căn cứ vào tiến trình lịch
sử của sự vận động và phát triển của thể loại truyện ngắn để cung cấp cho người
đọc một cái nhìn mang tính lịch đại, nêu được những thành tựu nổi trội của từng
giai đoạn, thời kỳ.
- Thăng Long - Hà Nội có tính chất một vùng đất, một
vùng văn hoá, văn học có tính địa phương, nên một mặt, cần chỉ ra được những
nét đặc trưng, lại cũng cần nhấn mạnh đầy đủ đến tính chất tiêu biểu, đại diện
của nó cho các vùng khác và cho cả nước trong nhiều thời kỳ lịch sử văn học. Từ
góc nhìn văn học sử, đã lưu ý đến những đặc điểm có tính lịch sử của đội ngũ
tác giả, chất lượng và đặc điểm của tác phẩm.
- Công trình có ý nghĩa phục vụ bạn đọc rộng rãi, yêu
mến văn học Hà Nội đồng thời vừa có giá trị về tư liệu cho các nhà nghiên cứu…
* Bình luận của Nhà thơ Bằng Việt - Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội
“Tuyển tập truyện ngắn 1000 năm Thăng Long -
Hà Nội” do nhà văn Lê Minh Khuê chủ biên cùng sự cộng tác của các nhà văn
Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Anh Thư và nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Na, sau
khi sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh, có thể nói là đã đạt được tiêu chí tuyển
chọn và chất lượng cần có của một công trình biên soạn đồ sộ, công phu, lần đầu
tiên có được đối với truyện ngắn Hà Nội từ xưa đến nay.
Về
tỷ lệ và khối lượng truyện được chọn, trên tổng số hơn 2850 trang khổ lớn, các
soạn giả đã dành trên dưới 300 trang cho các sáng tác thời Trung đại, gần 500
trang cho các sáng tác trước 1945, còn lại khoảng 2000 trang cho các sáng tác
đương đại, khoảng một thế kỷ rưỡi, từ sau Cách mạng tháng Tám đến thời kỳ Đổi mới
hiện nay. Tỷ lệ đó là cân xứng, chấp nhận được khi ta xem xét lại tổng số các
tác giả và tác phẩm có trên thực tế của cả nền văn học nước ta, cũng như tính
riêng các tác giả và tác phẩm viết về Thăng Long - Hà Nội. Sự phát triển vũ bão
của thể loại văn xuôi, trong đó truyện ngắn là một trong các mặt mạnh nhất của
văn học chúng ta sau Cách mạng Tháng Tám đã là lý do và minh chứng thuyết phục
cho tỷ lệ lựa chọn này.
Lời giới thiệu của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp về cơ bản đã đạt được giá trị
là một tiểu luận khoa học sâu sắc và có chủ kiến khi bình và lý giải về các
hiện tượng văn học, các tác giả và tác phẩm đáng lưu ý ở Thủ đô nghìn năm văn
hiến này. Tôi hơi tiếc là đoạn viết về văn học chống Pháp và chống Mỹ, hai thời
kỳ văn học có nhiều bùng nổ trong cả giai đoạn từ sau 1945 đến nay, được phân
tích và bình giải hơi ít. Mảng văn xuôi chống Pháp nên đi sâu hơn vào bút pháp
và thành tựu của các nhà văn như Nam Cao, Kim Lân, Vũ Bão, Vũ Tú Nam, Hồ
Phương, Nguyễn Quang Sáng...Còn mảng văn xuôi chống Mỹ ở Hà Nội, ngoài Đỗ Chu,
nên phân tích sâu hơn về các thành tựu của Triệu Bôn, Anh Đức, Ma Văn Kháng, Lê
Minh Khuê..., nhất là nên khẳng định một lớp nhà văn trưởng thành từ phong trào
sáng tác của Hà Nội, từ các cơ sở gắn bó với sản xuất, chiến đấu thời đó, các
nhà máy, chiến hào... thực sự nóng hổi (mặc dù nói những điều này bây giờ dễ bị
cho là tuyên truyền, khuôn sáo, văn nghệ phục vụ công nông binh, nhưng đó lại
là thực tiễn một thời!). Đó là lớp nhà văn như Trần Dũng, Tô Hải Vân, Lưu Nghiệp Quỳnh, Trần Hoàng Bách.v.v...
Dù sao, nói về văn xuôi Hà Nội thời kì này, cũng nên nhắc một đôi dòng về họ,
làm cho bức tranh toàn cảnh thêm màu sắc phong phú.
Tôi
hoan nghênh Ban tuyển chọn đã không bỏ sót những tác giả như Giản Chi, Phạm Cao
Củng, Băng Hồ, Nguyễn Minh Lang, Huy Linh, Thi Ngọc...Nhưng tôi cũng rất tiếc
là các tác giả như Đào Vũ, Nguyễn Văn Bổng, Hải Hồ, Nguyễn Thành Long, Vũ Thị
Thường, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thị Như Trang... lại không tìm được một tác phẩm
nào viết về Hà Nội. Mặc dù các nhà văn này sống ở Hà Nội rất lâu và cũng cống
hiến nhiều cho văn xuôi Việt
Nam
đương đại. Có thể có cách nào bổ sung được không?
Về Trần Đăng,
trong Tuyển này có chọn, nhưng tác giả này có một mẩu văn ngắn viết về Hà Nội
là “Một lần đến Thủ đô” khá thú vị và hay, được tuyển trong
các văn tuyển, vậy trong Tuyển tập này có nên đưa vào thêm không? Xin gợi ý để
Ban tuyển chọn cân nhắc thêm.
Về Mộng Sơn,
Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Cao Củng... có thể còn chọn được tác phẩm nào trước Cách
mạng tháng Tám năm 1945 thêm không?
Và có thể còn
chọn được một vài tác giả nào ở ngoài nước viết về Hà Nội nữa không?
Tôi xin được
góp thêm vài ý như vậy để Ban biên soạn tham khảo. Về cơ bản, tôi tán thành
Tuyển tập như trong bản thảo đã có hiện nay.