Tóm tắt nội dung
- Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc và lịch sử đấu tranh Cách mạng do Đảng Cộng sản Việt
Nam lãnh đạo. Sự kiện lịch sử này đã mở ra trang sử mới: đưa đất nước thoát khỏi ách nô lệ, phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, tự do. Trong sự nghiệp đó, cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám - 1945 tại Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt. Đây là thủ phủ của chế độ thuộc địa, vì thế giành thắng lợi ở địa bàn đặc biệt này có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước. Vì thế, nghiên cứu Cách mạng Tháng Tám (1945) ở Hà Nội góp phần trực tiếp xây dựng tập đại thành về lịch sử Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
- Cuốn sách trình bày một cách có hệ thống quá trình của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở địa bàn Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc từ 1939-1945.
- Đây là một trong những công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội; một công trình có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước đối với nhân dân Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung; một công trình làm sáng tỏ lịch sử xây dựng và bảo vệ thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung; một tài liệu tham khảo có ích đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là về thủ đô Hà Nội.
Bình luận của GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ - Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm Hà Nội
Đề tài đã được phản ánh rải rác trong nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có các tập Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, các cuốn Lịch sử Đảng bộ các quận, huyện, xã, khu phố nội, ngoại thành.
Tất nhiên, trước yêu cầu xây dựng Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến vẫn rất cần có một đầu sách về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thủ đô, vì đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, bước chuyển biến vĩ đại trong lịch sử tiến hoá của dân tộc ta.
Đề tài hướng các nội dung nghiên cứu vào việc phản ánh, làm sáng tỏ các bước phát triển của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp (cần thêm cả Nhật) của nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng trong tiến trình vận động giải phóng dân tộc, mối quan hệ giữa nhân dân Hà Nội với nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, những nét đặc thù riêng của Hà Nội trong cách mạng tháng Tám; đánh giá các nhân vật lịch sử có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới cách mạng tháng Tám ở Hà Nội.
Đề tài góp phần xây dựng và hoàn thiện Tập đại thành về Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến.
Nhà xuất bản Hà Nội