Tóm tắt nội dung
-
Kỳ Thi Đình (Đình đối) là kỳ thi cuối
cùng và cao nhất của khoa thi Tiến sĩ. Các cống
cử - những người đã đỗ kỳ thi Hội, thực chất là đã đỗ Tiến sĩ vào thi Đình
là tham gia kỳ thi do Hoàng đế chủ trì. Bài thi của kỳ thi này, chỉ có một bài văn sách nên gọi là: Đình
đối sách văn, trả lờicâu hỏi do Hoàng đế ra - Sách vấn. Xét về bản chất, Thi Đình là cuộc thi hiến kế sách của
các cống sĩ với Hoàng đế và giành thứ bậc cao thấp theo giáp đệ của Tiến sĩ,
cao nhất là Đệ nhất giáp, Đệ nhất danh tức Trạng
nguyên. Kỳ thi này không đánh trượt người thi, tâm trạng nặng nề muôn
thuở trong khoa trường “văn nhân lạc đệ” không còn mấy chi phối người thi. Họ
được “tung hoành bút trận” - thao bút
là lời mà Hoàng đế thường khuyến khích người thi trong Sách vấn của mình, về nội dung, văn chương và thư pháp.
Các Sách vấn
của Hoàng đế thường hỏi về những vấn đề có tính “quốc gia đại sự”, “quốc kế dân
sinh”… Chính vì vậy mà các bài Văn sách Đình đối trở thành những áng văn tiêu biểu về cả nội dung và
nghệ thuật.
-
Tập
sách chuyên khảo chọn lọc các bài Văn
sách Đình đối của các Trạng nguyên các khoa thi Thái học sinh và Tiến sĩ
thời Trần, Lê, Mạc và người đỗ đầu các khoa thi Tiến sĩ thời Nguyễn của Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra có mở rộng thêm một
số Trạng nguyên quê tỉnh khác nhưng có gắn bó đặc biệt với Thăng Long - Hà Nội
thời Lý, Trần, Lê.
-
Tập sách phản ánh thành tựu cao nhất của chế độ khoa cử Việt
Nam, với những người đỗ thứ
bậc cao của
kỳ thi Tiến sĩ. Đương thời họ tiêu biểu cho nền học thuật giáo dục truyền thống
của Thăng Long - Hà Nội. Văn sách thi đình tiêu biểu cho văn
chương khoa cử Việt
Nam,
những áng văn chuẩn mực về văn tự, nghệ thuật và những nội dung xã hội.
-
Tập sách có điều kiện vừa phục vụ đối tượng nghiên cứu và độc giả rộng rãi. Đây
là dịp giới thiệu một trong những thành tựu văn hoá văn học tiêu biểu của Thủ
đô ngàn năm văn hiến.
Bình luận của PGS.TS. Trần Ngọc Vương - Khoa Văn học,
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Về
bài Tổng quan:
Ở phần giới thiệu chung
nhất của công trình, đề nghị các tác giả trình bày rõ hơn về tôn chỉ và phạm vi
tuyển chọn của công trình này. Nhân đó, nên thuyết minh về vị trí đặc biệt của
Thăng Long – Hà Nội so với các địa phương khác trong tiến trình lịch sử thành
tạo nên các “ xứ”, các vùng văn vật trên phạm vi cả nước. Nếu có thể, cũng nên
chỉ ra ít nhiều đặc điểm của đội ngũ tác giả và bản thân các tác phẩm “có nguồn
gốc Thăng Long”, ít nhất trên hai bình diện: số lượng (hiện tồn) và chất lượng.
Văn sách không phải thể
văn chỉ được sử dụng trong thi Đình, vậy nên cần minh định xem văn sách thi
Đình giống và khác với văn sách trong các hoàn cảnh sử dụng (ngoài khoa cử)
khác ở đâu.Chú ý rằng công trình là một vựng tập từ góc nhìn thể loại.Tác giả
công trình cũng đã ghi nhận điều đó (tr.9), vậy nên thêm một vài câu hay đoạn
để có cái nhìn toàn cảnh về “sách văn” có lẽ là cần.
Theo
quy chế xưa, ở nhiều thời điểm, nhiều trạng thái quyền lực, bị chi phối bởi
nhiều lý do khác nhau, việc tuyển sĩ cũng có nhiều mức độ, nhiều yêu cầu. Ngay
khi xã hội đã bình ổn, chính quyền đã đạt tới mức đại thống nhất, đại tập
trung, việc xuất chính bằng khoa cử vẫn có thể “chững” hay “dừng” ở mức đỗ
chính thức ở kỳ “tiểu tỷ”, tức hương thí, vậy nên ngoài mục đích “tuyển trạch”
ra, văn sách và kỳ thi Đình đối có thêm ý nghĩa gì khác? Đồng ý hoàn toàn với
tác giả rằng “Mục đích lớn của bài thi Đình đối là để lấy kết quả xếp hạng các
Tiến sĩ theo thứ tự thấp cao. Kỳ thi Đình thực chất nhằm chọn Tam khôi và thu
thập kế sách. Tâm trạng nặng nề muôn thuở trong khoa trường “văn nhân lạc đệ”
không quá ám ảnh và chi phối cử tử” (tr.30), nhưng vẫn phải giải thích tại sao kể
từ khi khôi phục lại Hội thí và Đình thí, vương triều Nguyễn lại không chịu lấy
đỗ một Trạng nguyên nào, cũng cực ít người đỗ Bảng nhãn, trong khi đó Đình
nguyên dưới triều Nguyễn phần đông lại chỉ ở Đệ tam giáp (Đồng tiến sĩ)? Thứ tự
thấp cao cũng đã có trong kỳ thi Hội chứ đâu phải chỉ thi Đình mới phân chia
thứ hạng?
Tác
giả bài tổng quan dù ở mức khái quát đã cung cấp cho người đọc những hiểu biết
hữu ích về vị trí, vai trò của khoa cử, ở Trung Quốc và Việt
Nam. Dễ đồng ý rằng khoa cử là một
trong những “thành tích” và cũng là điều kiện của sự tồn tại và duy trì Nho
học. Nhưng không phải ở tất cả các nước có Nho học thì đều có khoa cử. Nhật Bản
không có khoa cử mà Nho học Nhật Bản phát triển nếu không hơn thì cũng không
kém Việt
Nam,
Triều Tiên. Từ phía khác, khoa cử cũng đã vận động sang cả khu vực Tam giáo,
thậm chí rộng hơn, sang cả chư tử, chứ
không chỉ thuần túy Nho giáo. Vậy thì mối quan hệ giữa Nho thuật với “Đạo
thuật” hay cả với Pháp điển, Phật lý, Binh chế…là thế nào? Đề nghị tác giả cũng
nên có đôi lời về những chuyện ấy.
Đề
nghị chung cuối cùng là: Khoa cử nói chung, Đình thí nói riêng dù có ý nghĩa
lịch sử đến mấy, thì việc nhấn mạnh và lạm dụng nó cũng từng đưa lại cho chính
thể và xã hội không ít những mặt trái, những điều di hại. Không nghiên cứu
khoa cử là thiếu sót, không biết về văn Đình đối là chưa đi sâu về Nho học,
nhưng tuyệt đối hóa hay phiến diện hóa vị trí và vai trò của cái thực tế mà
mình theo đuổi thành đối tượng nghiên cứu đặc thù lại cũng dễ đưa đến những cảm
thức và ấn tượng lệch lạc. Trong công trình này, mà chủ yếu là ở bài tổng quan,
cần chỉ ra cả những hạn chế thực mà khoa cử nói chung, sự mải miết trau dồi văn
chương khoa cử nói riêng đã tạo ra trong nền giáo dục, trong sự lựa chọn công
bộc, kiến tạo mô hình nhân cách…
Vị
trí vai trò thực của khoa cử, biểu hiên tập trung ở kỳ thi Đình cần được nhận
xét, nhận định chính xác hơn khi đối chiếu với thực tế chọn người và dùng người
của các triều đại, các chính quyền cụ thể. Tôi nghĩ rằng cho đến nay, khi chưa
thống kê được, chưa chứng minh (lượng hóa được thì càng tốt) tỷ lệ tể tướng và đại thần có xuất thân khoa
bảng so với con số toàn bộ những người từng ở vị trí đó, thì chưa thể trả lời
câu hỏi đỗ cao thì có hứa hẹn “làm to” hay không, nghĩa là khoa cử có thực sự
có tầm quan trọng bậc nhất hay không. Thực tình thì tôi lại nghi ngờ sự tồn tại
của một quan hệ tỷ lệ thuận ở đây. Định tính chung chung cũng dễ rơi vào cảm
tính.
Ngoài
ra, còn có một vài tiểu tiết cần chỉnh sửa: phiên âm cho đủ và chuẩn hơn các
trích dẫn ở tr.22, tr.43;soát lại vài chỗ diễn đạt hay lỗi ngữ pháp, lỗi chính
tả nữa, chẳng hạn “nhập thế ra làm quan” (tr.50), “tri dùng” (tr.54),đọc sách
thành hiền” (tr.41) “họ luôn hằng thường
ngợi ca” (tr.49)…Một vài nhận định, nhận xét có thể cân nhắc thêm, chẳng hạn
chỉ dưa vào một sự điều chỉnh lịch thi kỳ thi Đình năm 1839 do có thêm một Ân
khoa nhân ngũ tuần đại khánh của vua Minh Mệnh thì có nên coi là “định lệ” để
“đẩy tiếp”: “Định lệ này kết hợp với thể
chế “ba năm một kỳ khảo khóa” đã khiến cho khoa cử triều Nguyễn, nhất là trong
giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX, đã diễn ra khá ráo riết” (tr.25) , bởi chỉ
riêng trong câu này có vài ba chỗ không ổn! hay nhận định “Trong các kỳ thi Đình của nhà Nguyễn , triều đình có quy định hầu như
thành mẫu cho lời kết thúc bài văn sách Đình đối…”(tr.37), rồi bình về lập
luận của Vũ Tuấn Chiêu (tr.40 - 41).
-
Về phần tuyển dịch và việc dịch thuật:
-
Việc tuyển: Với những tiêu chí khá rõ ràng, thì không có gì nhiều để góp thêm
cho việc tuyển. Có điều, tôi cho rằng do vị trí Trạng nguyên khai khoa thực thụ của mình, Đào Sư Tích phải được đưa
vào, và dĩ nhiên đặt lên đầu tiên, bất luận ông có phải là danh sĩ Thăng Long
hay không.
-
Việc dịch: Ba công đoạn của phần dịch chú là phiên âm, dịch nghĩa và chú thích
đều đã được thực hiện khá trọn vẹn theo một phong cách nhất quán. Tôi đặc biệt
đánh giá cao phần chú thích, chú giải, bởi theo tôi, với văn thể đặc biệt này,
người dịch phải vừa có vốn từ ngữ dồi dào, am tường Hán ngữ cổ, vừa phải có vốn
văn hóa Trung Quốc và Việt Nam dày dặn, chắc chắn, nắm vững hệ thống kinh điển,
mà trước hết là kinh điển Nho gia, hiểu các biệt ngữ, đặc ngữ và điển cố, thêm
nữa phải có sách công cụ thật phong phú.
Tuy
vậy, vẫn có thể có đôi ba kiến nghị về công việc dịch và chú thích.
Lời
dịch nhìn chung là tín và đạt. Nhưng chưa thật nhã. Dẫu là văn khoa cử, nhưng bút pháp,
hành văn và văn khí của từng người vẫn có thể được bảo lưu qua chính cả trong
những bài thi. Nói nôm na, thì có thể tương đối yên tâm về nội dung thông tin
trong các bản dịch, nhưng chưa thật thỏa mãn về văn thái.
Bản
dịch nói chung, cần có một sự gia công thật tỷ mỷ về mặt chữ nghĩa, bởi nếu
không, người đọc ngày nay sẽ có cảm tưởng rằng sao các bậc danh sĩ cao khoa
(cũng thường là hiển hoạn) ngày xưa viết mỗi người một bài văn quan trọng nhất
đời mình, mà đọc chán làm vậy.
Những
gì đã làm được là rất cơ bản và là điều chủ yếu. Những việc còn lại tuy không
phải ít nhưng dù sao cũng thuộc giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Hy vọng rằng
với thực lực của nhóm biên soạn và thái độ trách nhiệm của tất cả các bên liên
quan, trong một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ có bản thảo hoàn
chỉnh của công trình quan trọng và thú vị này.
Nhà xuất bản Hà Nội