Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Địa chí
Thứ tư, 17/03/2010 09:38
Do PGS.TS Nguyễn Kim Sơn và TS. Nguyễn Thuý Nga đồng chủ trì Thuộc mảng sách: Tư liệu Tổng hợp

Tóm tắt nội dung

- Kể từ khi vua Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô về Thăng Long (1010), đến nay Thủ đô của chúng ta đã ngót 1000 năm tuổi. Trong gần 10 thế kỷ ấy, Thăng Long - Hà Nội đã có rất nhiều thay đổi về mọi mặt, đặc biệt về phương diện địa lý.

          - Một khối lượng đồ sộ thư tịch, bi ký Hán Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội hiện còn lưu trữ tại các thư viện lớn. Trong kho thư tịch cổ có một mảng tư liệu đặc biệt quý giá dùng để nghiên cứu địa lý lịch sử, diên cách địa danh và nhiều mặt khác của Hà Nội: đó là các sách địa chí. Sách địa chí ghi chép nhiều lĩnh vực như: địa danh, diên cách, thành trì, núi sông, danh lam cổ tích, nhân vật, đường xá, bến đò v.v…, trong đó có một số quyển kê được tên địa danh đến cấp thôn xóm.

- Đây là công trình dịch chú hầu hết tư liệu Hán Nôm hiện còn viết về địa chí Hà Nội, nhằm cung cấp cho người nghiên cứu cũng như độc giả những tư liệu gốc về Thăng Long - Hà Nội xưa ở 6 mảng:  

+ Sự thay đổi địa dư của Thăng Long - Hà Nội.

+ Sự thay đổi địa danh

+ Lớp địa danh đến cấp phường, xã, thôn đời Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái và các tài liệu lưu trữ ghi đến năm 1932. Đây là nguồn tư liệu hết sức quý giá và cần thiết để nghiên cứu diên cách địa danh đến từng phường xã thôn của Hà Nội trong thời gian hơn một thế kỷ.

+ Thành Thăng Long thời Lê, Hoàng thành thời Nguyễn.

+ Tên và vị trí 17/21 cửa ô; tên 55 phố thuộc nội thành đầu thế kỷ XX, đặc biệt quý là tên Nôm và mặt hàng bán đặc trưng của các phố.

+ Các núi sông, di tích v.v... ngoài giá trị văn hoá, lịch sử thì vị trí của chúng còn có giá trị trong việc góp phần giúp các nhà nghiên cứu xác định vị trí Hoàng thành và các kiến trúc liên quan đến thành Thăng Long xưa.

Bình luận sách của PGS.TS. Trần Thị Vinh - Viện Sử học

Khi được tiếp xúc với tập bản thảo dịch các tài liệu Địa chí về Thăng Long-Hà Nội trong Tuyển tập địa chí của nhóm dịch giả Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Văn Thịnh, Vũ Lan Anh và Nguyễn Đức Toàn do PGS.TS. Nguyễn Kim SơnTS. Nguyễn Thúy Nga chủ biên tôi thấy đây là chủ trương rất sáng suốt và rất kịp thời của Nhà xuất bản Hà Nội. Nếu không có việc làm này thì chắn chắn chúng ta sẽ bỏ lỡ mất một cơ hội vô cùng đáng tiếc về một nguồn tài liệu chữ Hán hết sức quí, phản ánh khá chân thực về Thăng Long- Hà Nội mà sau này chúng ta khó có điều kiện tốt hơn để khai thác. Vì vậy, trước hết tôi đánh giá cao về tập bản thảo dịch Tư liêu văn hiến Thăng Long –Hà Nội : Tuyển tập Địa chí của nhóm dịch thuật. Bản thảo được hoàn thành với một khối lượng đồ sộ hơn nghìn trang, có chú thích, chú giải ở những chỗ cần thiết, được sắp xếp theo trình tự Phương chí và Quốc chí, tiện lợi cho việc theo dõi và sử dụng.

          Trong tập bản dịch Tuyển tập Địa chí có 60 trang tổng quan viết khá chi tiết và khá rõ, giới thiệu về nguồn Tài liệu Địa chí cổ với việc nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trên nhiều phương diện của TS. Nguyễn Thúy Nga. Qua những lời giới thiệu rất cụ thể như vậy, người đọc trước khi sử dụng có thể biết được nội dung của nguồn tài liệu và định hướng cho mình  cách khai thác có  hiệu quả hơn. 

          Trong số 30 đầu tài liệu được chọn tuyển dịch có 14 tài liệu đã được công bố, đó là một điều thuận lợi của nhóm dịch thuật, vì phần việc này đã được thẩm định về nội dung. Nhưng với 14 đầu mục tài liệu ấy, nhóm dịch thuật cũng đã có sự gia công biên tập, từ hiệu đính đến chú thích thêm những chỗ cần thiết. Như vậy là rất tốt. Còn 16 đầu mục tài liệu dịch mới cũng được nhóm dịch thuật làm rất chi tiết. Mỗi tài liệu đều có mục giới thiệu xuất xứ tác giả, tác phẩm và niên đại…Công việc này rất quan trọng, giúp người sử dụng tài liệu yên tâm, không mất thời gian tra cứu khi cần thiết.

          Nhìn chung, nội dung của Tuyển tập Địa chí này rất hữu ích, rất quan trọng và được nhóm dịch thuật thể hiện tốt. Tuy nhiên, để bản thảo trước khi đem xuất bản được hoàn thiện hơn, người đọc có vài lời xin nhóm dịch thuật lưu ý  như sau:

1. Trong bài Tổng quan, có một chi tiết về góc độ lịch sử cần được nói rõ hơn, nếu không sẽ bị hiểu lầm, đó là việc thay đổi tên gọi tên Thăng Long qua các đời. Ở tr.4 của bài tổng quan, viết : thời Trần gọi Thăng Long là Đông Đô. Nếu nói cả thời Trần gọi Thăng Long là Đông Đô thì không phải. Vì mãi đến tháng 11- 1397, Hồ Quí Ly mới cho dời đô vào Tây Đô ở Thanh Hóa, lúc ấy Thăng Long mới gọi là Đông Đô. Và tên Đông đô chỉ kéo dài trong khoảng gần 10 năm (cuối Trần và hết thời Hồ). Cho đến ngày 21 tháng 1 năm 1407, nhà Minh đô hộ đã cho đổi Đông Đô thành Đông Quan. Cho nên nói cả thời Trần gọi Thăng Long là Đông Đô thì không được vì thời Trần kéo dài từ 1225-1400.

2. Một số chi tiết về lịch sử trong các phần dịch, nên chăng cũng phải được rà soát lại cẩn thận và phải có chú thích nếu bản dịch phải tuân theo nguyên bản gốc. Ví dụ : Trong  rất nhiều đầu tài liệu khi dịch về đền Thủ Lệ thờ Linh Lang, nhiều chỗ không thống nhất Linh Lang là con vua Lý Thái Tông hay Lý Thánh Tông. Ở Tr. 93. tr. 193, tr. 690, tr. 761 thì nói Linh Lang là con vua Lý Thái Tông. Nhưng tr.213, tr. 996 thì lại nói Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông. Có thể đó là theo bản gốc và nếu tách rời từng loại tài liệu thì không có vấn đề gì, nhưng đặt trong cả tập sách thì nên chăng người chủ biên phải có chú thích để dễ cho người sử dụng khi cần dùng đến sự tích vị thần này.

3. Khi dịch về tên chữ Hán chuyển sang chữ Việt nên bỏ chữ thừa đi. Ví dụ : Dùng từ Núi thì không dùng từ Sơn nữa. Các trang sau : Núi Khán Sơn ( tr. 316, 422, 737…), Núi Tuyết Sơn( tr. 86, 102…), Núi Tượng Sơn( tr. 87, 717, 737, 738, 741, 793, 1003…), Núi Tam Sơn ( tr. 317, 422…) và hàng loạt tên khác như : Núi Tiên Sơn, Núi Ninh sơn, Núi Lão Sơn, Núi Lôi Sơn, Núi Cẩm Sơn, Núi Viễn Sơn, Núi Sài Sơn…( tr. 317, 422, 738, 741, 793, 1003…)

4. Một số chỗ nguyên bản nhầm lẫn về lịch sử cũng cần được chú thích hoặc người dịch có thể sửa rồi chú thích để người sử dụng không bị trích dẫn sai. Ví dụ : Tr. 388 trong truyện Đền Linh Lang Công, bản dịch là vị thần này đi đánh giặc Nguyên lần 3 vào năm Trùng Hưng( thời Trần), nhưng ông lại chết vào năm Long Hưng thứ 8 đời Lý Anh Tông( tr. 389).

5. Hoặc trong tài liệu Hoàng Việt dư địa chí có 2 chỗ chú thích không thống nhất về Hương Tích, chỗ thì chú thích huyện Hoài An thuộc Chương Mỹ, chỗ thì chú thích Huyện Hoài An thuộc Mỹ Đức.

6. Về ngôn từ thể hiện trong văn bản Địa bạ Hà Nội, những từ kiêm nhiếp, biên nhiếp, tịnh nhiếp…( tr. 137, 138, 139, 141 và cả trong bài tổng quan) nên chăng có thể chuyển thành từ tiếng Việt ngày nay cho người sử dụng dễ hiểu hơn. Có những địa danh khi chú thích cũng nên thống nhất, ví dụ :  cùng địa danh chỗ thì chú thích là xã Thanh Khê( tr. 87) và chỗ thì viết là xã Cống Khê(tr. 1003)…

         
Kết luận :  Nhìn chung tập bản thảo dịch Tư liêu văn hiến Thăng Long - Hà Nội : Tuyển tập Địa chí của nhóm tác giả Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Văn Thịnh, Vũ Lan Anh và Nguyễn Đức Toàn do PGS.TS. Nguyễn Kim SơnTS. Nguyễn Thúy Nga chủ biên là tập bản thảo rất có giá trị về nội dung khoa học, được nhóm dịch thuật thực hiện khá tốt. Sau khi chỉnh sửa lại một số chỗ cần thiết, bản thảo nên sớm xuất bản để được công bố sử dụng rộng rãi.






Nhà xuất bản Hà Nội
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá