Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873 - 1954
Thứ ba, 30/03/2010 10:30
Cuốn sách do TS. Đào Thị Diến chủ biên thuộc mảng sách Tư liệu tổng hợp

Tóm tắt nội dung

- Công trình cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và toàn xã hội nguồn tài liệu lưu trữ về lịch sử Hà Nội nội dung tập trung vào những phần sau:

+ Sự hình thành và phát triển về mặt địa giới - tổ chức hành chính Thành phố Hà Nội;

+ Sự hình thành các hệ thống giao thông - thuỷ lợi của Thành phố Hà Nội;

+ Vấn đề quy hoạch và quá trình xây dựng Thành phố Hà Nội;

+ Chính sách văn hoá - giáo dục của Thành phố Hà Nội từ 1873 đến 1954.

- Đây là lần đầu tiên, Trung tâm Lưu trữ Quốc giá I công bố trên quy mô lớn những tài liệu có liên quan đến lịch sử Hà Nội, một mặt nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mặt khác nhằm nâng cao vai trò của tài liệu lưu trữ đối với đời sống chính trị của Thủ đô. Công trình phục vụ rộng rãi các đối tượng bạn đọc đặc biệt là các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu..

Bình luận sách của PGS.TS. Vũ Văn Quân - Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Cuốn sách được thực hiện bởi một nhóm tác giả có rất nhiều lợi thế khi khai thác nguồn tư liệu này. Họ đều là những người giỏi tiếng Pháp - ngôn ngữ chính của nguồn tư liệu này. Tiến sĩ Đào Thị Diến - người tổ chức bản thào - là người cả đời gắn bó với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, đắm mình và đắm say trong khối tư liệu đồ sộ đó và như tôi biết, chị ôm ấp nhiều ý tưởng, trong đó có việc giới thiệu và khai thác nó. 

Sách có một cấu trúc hợp lý. Sau Lời giới thiệu của Giáo sư Phan Huy Lê, Lời nói đầu của Chủ biên, sách được chia thành 4 phần gồm Địa giới - Tổ chức hành chính (Phần I), Giao thông - Công chính (Phần III), Quy hoạch - Xây dựng (Phần III), Văn hoá - Giáo dục (Phần IV), cuối cùng là Danh sách ảnh minh hoạ và Sách dẫn. Mỗi phần đều có Lời dẫn. Nội dung chính giới thiệu về văn bản các hồ sơ tư liệu, các tác giả làm rất công phu. Mặc dù chưa phải là toàn bộ nội dung văn bản, nhưng những gì mà các tác giả làm cũng đã đem đến cho người đọc những thông tin quan trọng và rất cơ bản. Người nghiên cứu nếu biết cách vẫn có thể qua đây mà hình thành nên những nghiên cứu có giá trị về mọi mặt của đời sống đô thị Hà Nội thời cân đại. Bên cạnh đó, các phần viết Lời nói đầu chung cho toàn bộ cuốn sách và Lời dẫn cho từng phần, không chỉ là sự giới thiệu nguồn tư liệu, mà còn là phác hoạ bước đầu từ nguồn tư liệu đó ra lịch sử thành phố nói chung và lịch sử của từng lĩnh vực của đời sống thành phố nói riêng.

          Nói tóm lại, tôi - với tư cách một người làm sử, và gần đây có làm sử và văn hoá Hà Nội - thực sự xúc động trước công trình đồ sộ này. Tôi và rất nhiều người biết về giá trị nguồn tư liệu thời cận đại ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và Trung tâm cũng đã từng giới thiệu về nó, nhưng thực sự đây là công trình lớn đầu tiên. Công trình này chắc chắn là một điểm nhấn ấn tượng của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, sẽ là cuốn sách “cẩm nang” cho các nhà nghiên cứu Hà Nội cận đại, sẽ là cuốn sách tra cứu cần thiết cho các nhà quy hoạch phát triển và quản lý Hà Nội hiện đại, và cũng cần lắm cho những người - bạn đọc chẳng để làm gì cả ngoài nhu cầu về một “ký ức Hà Nội” đã qua.





Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá