Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển
Tóm tắt nội dung
-
Đây là một cuốn sách biên soạn, có kế thừa kết quả nghiên cứu của các cuốn sách
đã xuất bản trước đây về đề tài này và có những nội dung mới đề cập hướng đến
nhiều đối tượng bạn đọc quan tâm đến phố nghề, làng nghề Thăng Long – Hà Nội.
-
Nội dung của sách điểm qua một số nét về lịch sử phát triển, tập trung vào thực
trạng (những thành tựu, yếu kém) và những định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm
bảo tồn và phát triển làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong thời gian
tới.
Bình luận ông Đặng Văn Tu - Nguyên Phó Giám đốc
Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội
Trước
khi đọc bản thảo “Làng nghề phố nghề Thăng
Long Hà Nội trên đường phát triển” (sau đây gọi tắt là bản thảo), tôi đã đọc
lại ý kiến của các thành viên hội đồng nghiệm thu và các đại biểu dự hội nghị
nghiệm thu đề cương cuốn sách trên, họp ngày 11/2/2009. Tiếp thu những ý kiến đóng
góp này, nhóm biên soạn đã hoàn chỉnh đề cương chi tiết và đã được Nhà xuất bản
Hà Nội thông qua. Đề cương chi tiết chính là cơ sở để đối chiếu, thẩm định bản
thảo.
Tập bản
thảo có Lời Nhà xuất bản, Lời nói đầu của nhóm biên soạn. Lời Nhà xuất bản nêu
ý đồ, mục đích, ý nghĩa xuất bản cuốn sách. Lời nói đầu khái quát việc biên
soạn, kết cấu sách, dẫn dắt người đọc tiếp cận nội dung cuốn sách. Hai bài viết
gọn, nội dung vừa đủ theo thông lệ xuất bản một cuốn sách.
Nội dung chính bản thảo gồm phần chính
văn và phần phụ lục.
Phần chính văn có ba
chương, tên mỗi chương như tên gọi trong đề cương chi tiết (không nhắc lại).
Các chương cơ bản đã thực hiện những nội dung đã nêu trong đề cương chi tiết.
Các soạn giả đã cố gắng công phu lựa chọn các nguồn tư liệu phục vụ nội dung
cuốn sách. Văn phong giản dị, phù hợp với bạn đọc phổ thông và cả những người
làm công tác nghiên cứu, quản lý. Tuy nhiên kết quả biên soạn từng chương có
mức độ khác nhau, có những vấn đề cần xem xét, bổ sung cho bản thảo được hoàn
chỉnh hơn.
I. Ở chương một: Làng
nghề phố nghề Thăng Long - Hà Nội
trong lịch sử.
Đây là
một vấn đề rất lớn, rất nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội
nhân văn đã đề cập tới, song chỉ ở những phương diện cụ thể. Chúng ta chưa có được
một toàn cảnh về làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử. Không
lặp lại công việc của những người đi trước và để tránh tình trạng dù có nói bao
nhiêu cũng không đủ, tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, nhóm biên soạn
lập đề cương chi tiết chương này đã khuôn lại những vấn đề cụ thể. Đó là cách
làm vừa mức, phù hợp với cuốn sách. Nhưng khi biên soạn, bản thảo lại có phần
khác với đề cương chi tiết, bố cục chưa mạch lạc, thậm chí có cảm giác hơi rối,
lại có những phần thừa, đề cương chi tiết không đặt ra, không cần thiết với
cuốn sách.
Trên cơ
sở nội dung đã biên soạn, kết cấu chương này cần bám sát đề cương chi tiết và lược
bỏ những phần không cần thiết. Có thể sắp xếp như sau:
Phần I:
Khái niệm phân loại làng nghề, phố nghề
1. Sau
khái niệm Làng nghề, phố nghề, nghệ nhân
(Nêu khái niệm đã thống nhất, tránh gây tranh cãi), nên tiếp ngay vào 2. Làng nghề, phố nghề, nghệ nhân của Hà Nội.
Sau đó là 3. Mối quan hệ giữa làng nghề,
phố nghề. Và, từ các làng nghề, phố nghề, nghệ nhân đã hình thành 4. Một số nhóm nghề thủ công truyền thống ở Hà
Nội.
Phần II. Làng nghề, phố nghề Thăng Long -
Hà Nội trong lịch sử
Tên
phần này quá lớn, bản thảo không đủ sức thể hiện, phải lấy lại tên theo đề cương
chi tiết: “Tóm tắt lịch sử phát triển
làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội (theo địa giới hành chính mới) qua các
thời kỳ”. Đó là:
1.
Thời phong kiến
2.
Thời kỳ Pháp thuộc và kháng chiến
3.
Và các thời kỳ khác như bản thảo đã thể hiện.
Cuối cùng là Lời kết chương 1.
Khi
đã sắp xếp như trên thì phần II “Làng
nghề, phố nghề Thăng Long Hà Nội trong lịch sử” (như bản thảo), từ 2.
(trang 15) đến trước 3. (trang 19) là thừa). Bởi lẽ phần này đã được thể hiện ở
II. Tóm tắt lịch sử phát triển phố nghề, làng nghề Thăng Long Hà Nội theo đề cương
chi tiết đã nói trên. Vả lại, theo bản thảo phần này còn có các mục 1. Thăng
Long thời Lý, Trần, Lê, 2. Hà Nội thời Nguyễn và thuộc Pháp, là không cần
thiết. Xác định vị trí các khu vực Thăng Long, địa giới Hà Nội ở các thời kỳ là
công việc của các nhà khảo cổ các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác phục
vụ cho các công trình khác, không cần đưa vào cuốn sách này, hơn nữa cũng không
có trong đề cương chi tiết.
Cũng
ở chương một, xin lưu ý, cần cân
nhắc thêm khi đưa ra các nhận xét, ví như trang 13, mục 5. Nghệ nhân, để tôn vinh
các nghệ nhân, bản thảo nêu: “Nhà nước
phong kiến tôn vinh các danh hiệu như Kỳ tài hầu, Cửu phẩm bá hộ, Cửu phẩm văn
giai, Hàn lâm đại chiếu…
Các
danh hiệu trên, theo tôi được biết Cửu phẩm bá hộ là danh hiệu mua (mua quan bán tước), không phải là danh hiệu tôn vinh các nghệ
nhân. Hay như ở trang 23, nói Hà Nội là nơi hội
tụ các nghệ nhân tài khéo, tiếp đó bản thảo nêu: “quy tụ là sự tập hợp bắt buộc, còn hội tụ là sự tập hợp tự nguyện hay chủ yếu là sự tập hợp tự nguyện.
Bản thân tôi chưa thấy có văn bản tài liệu nào (Có thể tôi chưa được biết), nói
về sự sinh sống, định cư kiểu quy tụ nêu trong bản thảo.
2. Đối với
chương 2 và 3, biên soạn hai chương này đã bám sát đề cương chi tiết, bố cục
sáng rõ, dựa vào các nguồn tư liệu, tài liệu tin cậy ở trong nước, ngoài nước,
các văn bản của Đảng, Nhà nước, địa phương, đã đánh giá sát thực trạng, khách
quan làng nghề Hà Nội về kết quả, thành tựu và cả những tồn tại, yếu kém, những
vướng mắc cần được tháo gỡ. Chương 3 với những số liệu, qua thực tế ở các làng
nghề, phố nghề, có tham khảo cách làm của các nước trên khu vực và thế giới,
bản thảo có luận cứ chặt chẽ khi nêu 10 nhóm giải pháp phát triển Làng nghề,
phố nghề Thăng Long - Hà Nội. Đây là những nhóm giải pháp có tính khả thi, có
sức thuyết phục và tin cậy, có cơ sở lý luận và thực tiễn để phát triển làng
nghề, phố nghề. Bản thảo rất chú trọng việc phát triển làng nghề, phố nghề với
giữ gìn cảnh quan, môi trường, bảo tồn phát huy di sản văn hoá dân tộc… Đây là
những vấn đề lớn có ý nghĩa thiết thực mang tính toàn cầu.
Như
đã nêu, để bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc ở các làng nghề, chương 3
trong nhóm giải pháp thứ 9. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước…
(từ trang 159), sau mục 4. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, theo
tôi cần bổ sung mục 5. Quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, xây dựng các
thiết chế văn hoá ở các làng nghề và ở cả các xã phường thôn bản, để đáp
ứng đời sống văn hoá, tinh thần, tâm linh ở các làng nghề và các địa phương,
nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, nhất là trong bối cảnh các
làng nghề và cả nông thôn đang trong xu thế đô thị hoá. Giải pháp thực hiện là:
-
Đầu tư hỗ trợ của nhà nước.
-
Huy động vốn từ ngân sách địa phương
-
Đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp làng nghề,
các hợp tác xã nghề.
-
Ủng hộ tự nguyện của các hộ làm nghề và của nhân
dân.
Điều
cần lưu ý ở chương 3, một số vấn đề, một số nhóm giải pháp còn rất chung, có
thể vận dụng vào bất kỳ lĩnh vực phát triển kinh tế nào cũng được. Do vậy,
những vấn đề nêu ra cần được nhìn nhận dưới góc độ làng nghề cho sát thực, có
sức thuyết phục hơn.
Mặt khác, biên soạn cuốn sách trong
thời gian rất ngắn, nhóm biên soạn ít có thời gian khảo sát thực tế nên đọc bản
thảo thấy thiếu thực tế sống động ở các làng nghề mà còn nặng về lý thuyết.
Những
vấn đề nêu ở hai chương trên để nhóm biên soạn xem xét, nghiên cứu và có thể bổ
sung để bản thảo hoàn chỉnh hơn. Nhìn chung hai chương này không có vấn đề lớn
phải chỉnh sửa nhiều.
Nhà xuất bản Hà Nội