Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội
Thứ sáu, 21/05/2010 11:07
Cuốn sách do PGS. Trần Nghĩa (Chủ trì sưu tầm, tuyển dịch) thuộc mảng sách: Văn hoá - Xã hội

 

Tóm tắt nội dung:

- Phong trào Tây Sơn và triều đại Tây Sơn là một hiện tượng kỳ diệu trong lịch sử dân tộc. Đáng tiếc là nó tồn tại trong thời gian quá ngắn, lại bị triều Nguyễn sau đó tìm mọi cách xuyên tạc, lấp xoá các dấu vết của nó, khiến ngày nay chúng ta có quá ít tài liệu để nghiên cứu. Công trình là một nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu các di văn ra đời trên vùng đất “nghìn năm văn hiến” dưới hai triều Quang Trung và Quang Toản, nhằm góp phần làm sống lại nhiều giá trị đã bị mai một của một phong trào nông dân khởi nghĩa lớn nhất nước ta cuối thế kỷ XVIII.

- Đối tượng phục vụ của công trình là giới nghiên cứu về Tây Sơn, về Thăng Long - Hà Nội… Bạn đọc thông thường cũng có thể từ công trình này lý giải vì sao tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ lại được dựng lên tại gò Đống Đa trên đất Thủ đô..

- Để có một tập sách mang ý nghĩa “tồn cổ” và góp phần làm sống lại nhiều mặt mà triều Tây Sơn đã cung hiến cho đất nước, công trình trước hết quan tâm đến các văn bản khắc trên bia, chuông khánh… nguồn tư liệu có độ tin cậy cao nhưng lại dễ hư hỏng, mất mát. Thứ đến là mảng sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị… trong “trí thức Bắc Hà” đã đồng hành cùng phong trào Tây Sơn, thể hiện qua các bài biểu, thư, thơ, phú, văn tế… của họ. Và cuối cùng là những bài dụ, chiếu, sắc của các vua Quang Trung, Quang Toản liên quan đến con người, sự việc… ở “Bắc Thành”. Từ đây, ta hiểu được mối quan hệ hai chiều giữa Tây Sơn và Thăng Long - Hà Nội..

Bình luận sách

* PGS.TS. Trần Ngọc Vương - Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Xin không trình bày lại về cấu trúc, bố cục và lược thuật nội dung của từng phần, từng chương, tiết. Việc đó các soạn giả đã làm sẵn trong mục lục chính văn và cả trong phần trình bày mở đầu buổi hôm nay. Chỉ xin đưa ra một nhận xét tổng thể, một sự định giá “trọn gói”: tôi đồng ý với kết cấu tổng thể của công trình này. Sau đây là những sự ghi nhận lẫn những ý kiến đề nghị các soạn giả tham khảo cho từng phần cụ thể của công trình. Thừa nhận và tôn trọng bố cục của tác phẩm, đến lượt mình, tôi cũng nương theo bố cục và kết cấu ấy mà phát biểu ý kiến của mình.

1. Trước hết, về bài Tổng luận:

Với hơn hai mươi lăm trang viết, bài tổng luận trước hết đã điểm qua một vài nét chính của phong trào và triều đại Tây Sơn cùng dấu vết lịch sử mà phong trào -triều đại này để lại trên đất Thăng Long - Hà Nội. Bài viết cũng cung cấp cho độc giả một cách cụ thể tình hình tư liệu của “di văn thời Tây Sơn”. Dựa vào kết quả hệ thống hóa có được, tác giả bài viết đưa ra những nhận định, những bình luận về “nội dung phản ánh” của các mảng tài liệu đó. Tiếp thu ý kiến của lần góp ý đề cương chi tiết, chủ biên công trình đã định danh lại sát hợp hơn đối với các phần.

Không nghi ngờ gì về tính chuyên nghiệp của hầu như mọi tác giả tham gia công trình này đặc biệt là của chủ biên, nhà Hán học lão thành Trần Nghĩa, nhưng thiết nghĩ, có thể yêu cầu tác giả bài tổng luận lưu ý thêm vài chi tiết nhỏ, đặng cho việc đọc bài viết đó ở độc giả tương lai của công trình trở nên dễ dàng hơn nhưng lại phần nào đó gia tăng niềm hứng thú hơn.

Theo thiển ý của tôi, trước hết về dung lượng, anh Nghĩa nên cân nhắc khả năng bổ sung thêm cho bài tổng luận để có độ dài chừng 35 trang là vừa phải. Trong khi đó, một số trang đã viết trong phần tổng luận này lại có thể bị/được “điều chuyển” sang vị trí khác, chẳng hạn có trang, đoạn chỉ nên ở “phàm lệ”, có trang, đoạn lại chỉ ở tiểu dẫn về tác giả. Thay vào những chỗ đó và để làm đầy thêm bài tổng luận, tác giả bài viết nên đưa lại cho độc giả một cái nhìn mang tính chất tri nhận văn hóa về “sự hiện hữu của yếu tố Tây Sơn vào diện mạo văn hóa Bắc Hà nói chung và Thăng Long nói riêng”. Tính chất “đạo độc” của bài Tổng luận là thực sự cần thiết. Nhân chỗ đó, tác giả bài tổng luận có thể triển khai những hiểu biết sở trường của mình về lịch sử chính trị Việt Nam ở “thế kỷ tao loạn”, những quan hệ đối nội, đối ngoại đa chiều mà các thế lực chính trị đương thời, đặc biệt là Tây Sơn, đã thực thi “ngay ở Thăng Long này”. Làm sao để cho độc giả khi đọc bài tổng luận không chỉ là biết thêm một mảng kiến thức mà ít nhiều cũng đổi mới sự thức nhận của mình khác đi so với cái nhìn “chính trị - xã hội học dung tục và tuyến tính” mà nhiều thế hệ trước giả tiền bối vô tình hay cố ý đã tạo ra.

Rất hiếm khi trong vòng trên dưới hai mươi năm mà người Việt nói chung, giới trí thức Việt nói riêng lại có thể chứng kiến nhiều biến cố to lớn đến thế, đụng độ với nhiều phe phái, bè nhóm, khuynh hướng và xu thế quyền lực cho đến việc chuyển động sâu xa trong cả đời sống tâm linh đến như mấy mươi năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX này. “Người Thăng Long, kẻ sĩ Bắc Hà” chính cũng thông qua những biến cố nhiều mặt này mà tự định nghĩa và được định vị rõ ràng hơn trong lịch sử văn hóa nước nhà. Nói khác đi, tôi cho rằng tác giả bài tổng quan nên nghiêng về lối viết văn hóa sử, cố gắng tái hiện lại bức tranh đời sống và sinh hoạt tinh thần nhiều mặt nhiều chiều của Thăng Long thời Tây Sơn, như thế thì từ một phía, có thể là dễ đọc hơn, nhưng từ phía khác, lại sâu sắc hơn và kêu gọi được lối suy nghĩ hiện đại hơn, phức hợp hơn, cũng có nghĩa là hấp dẫn hơn. Điều quan trọng là tất cả những sự phức tạp đó toát lên từ chính các văn bản mà công trình này cung cấp, chứ không phải là được bàn tới một cách vu khoát, khống luận.

2. Về văn bản các tác phẩm:

Mở đầu của mỗi phần văn bản, có lẽ nên có những đoạn tiểu dẫn.

Bộ phận “Văn kiện triều đình” thực tế là rất quan trọng, hẳn do hạn chế và thực trạng tư liệu nên số trang được thực hiện không nhiều. Đoạn tiểu dẫn cho phần này, vì thế, càng cần thiết. Cho đến nay không còn bất cứ nguồn sử liệu chính thức đáng kể nào về Tây Sơn được lưu trữ, và đó chính là lý do mỗi văn bản sưu tầm được, dù tàn khuyết, tản mạn cách mấy thì cũng đáng quý. Tôi hiểu rằng các soạn giả đã rất công phu mới tìm ra được ngần ấy, nhưng cũng tha thiết đề nghị nếu còn có khả năng nào bổ sung, xin cứ khai thác tối đa.

Việc tuyển chọn “Thơ văn giới cầm bút” như vậy nhìn chung là vừa phải, đủ liều. Có một số tư liệu lần đầu được công bố, thậm chí ít nhiều gây “sốc” một cách thú vị. Đơn cử trường hợp bài “Tây Sơn hành” của Trần Danh Án. Dù sao, cũng nên bổ sung thêm một chút đối với Phạm Thái (chẳng hạn như trích đoạn Sơ kính tân trang, một vài bài thơ “tâm trạng” điển hình, Văn tế Trương Quỳnh Như), hoặc một số bài thơ, văn của Nguyễn Hữu Chỉnh, Lý Trần Quán, Phạm Đình Hổ. Sẽ là không công bằng nếu một người như Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ được hình dung như một kẻ gian hùng đời loạn rồi chấm hết. Từ góc độ văn hóa ứng xử và đạo làm người mà xét, thì cực kỳ khó làm một Lý Trần Quán, dù thế nhân vẫn cười ông là ngu trung.

So với các phần khác thì phần “di văn trên thực địa” là lắm chuyện hơn cả, cần có sự gia công thêm nhiều hơn cả.

Trước hết, tôi không thực an tâm về “bản gốc” của một số “văn bản”. Kể cũng rất khó xử lý cho “kín nhẽ” vì chẳng lẽ mang bản dập ra sử dụng theo nguyên tắc ảnh ấn? Nhưng nếu không có biện pháp gì thì độ tin cậy văn bản lại trở nên chông chênh. Lấy ví dụ: các bài “Hậu Phật bi ký” số 3, 4, 5, 6, 8 đều đặt ở xã Ninh Xuyên huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn trong đó bốn bia có niên đại tạo lập là “Quang Trung tam niên, tứ nguyệt, sơ tứ nhật”, một bia (số 8) muộn hơn tròn một năm, vậy mà tên của một số hương lão, tên của xã trưởng, thôn trưởng … lại khác nhau? Bia thứ 3 phiên tên xã trưởng là (Nguyễn Xuân) Hạo, bia thứ 4 phiên tên xã trưởng là (Nguyễn Xuân) Hạo, bia thứ 5 phiên tên xã trưởng là (Nguyễn Xuân) Cao, bia thứ 6 phiên tên xã trưởng là (Nguyễn Xuân) Cảo, bia thứ 8 lại là (Nguyễn Xuân) Hạo. Chắc chắn ở cùng một thời điểm ấy chỉ có một ông xã trưởng thôi, thế mà lại có những 3 tên (Cao, Cảo, Hạo). Vậy thực ra ông xã trưởng này tên là gì?

Nói chung thì về nội dung, bi ký là loại văn bản không quá khó, không quá “thâm viễn u áo”, nhưng lại có sự phức tạp khác, nhất là về trạng thái tồn tại văn bản. Trong số loại văn bi ký này thỉnh thoảng cũng có những bài thực sự hay, có giá trị văn học. Với những bài như vậy nên gia công hơn về bản dịch. Lấy ví dụ, bài ký chùa Tự Nhiên, một vài bài minh trên chuông có thể coi là những ghi chép có tính văn học cao như vậy.

Tôi đã đọc tương đối kỹ văn bản, đối chiếu khá cẩn thận phần chữ Hán, phần phiên âm, dịch nghĩa và cả các chú thích. Chỗ nào thấy có gì chưa thật ổn đều có ghi chú vào bên cạnh. Xin trao lại cho chủ biên để tham khảo.

Một số bài bi ký nếu không có thông tin gì mới mà nghệ thuật thì tầm thường cũng nên rút bớt sang phần Phụ lục. Theo tôi thì có thể có dăm bài có thể rút bớt đi như vậy. Với những người nghiên cứu chuyên nghiệp thì phần Phụ lục là cần, với độc giả phổ thông thì hơi thừa. Tôi cho rằng có thêm phần Phụ lục này cuốn sách chỉn chu hơn.

3. Nhận xét chung:

Công trình về cơ bản đã được thực hiện đúng yêu cầu và tiến độ. Những góp ý của chúng tôi hy vọng ít nhiều sẽ giúp cho các soạn giả đặc biệt là chủ biên có một vài việc làm thêm nữa để chất lượng công trình nhờ đó có thể phần nào được nâng cao hơn. Tùy theo quyết định của chủ biên và chủ đầu tư, nếu thấy không quá cần thiết thì không cần phải yêu cầu Hội đồng thông qua bản thảo lần nữa. Có nghĩa rằng, theo tôi thì trách nhiệm của Hội đồng đã hoàn thành.
 
 
 
Nhà Xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá