Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
Thứ sáu, 21/05/2010 11:13
Cuốn sách do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn (Chủ biên) thuộc mảng sách Văn học - Nghệ thuật

 

Tóm tắt nội dung:

- Sưu tập, tuyển chọn những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Thăng Long - Hà Nội với ý nghĩa vinh danh lịch sử, cuộc sống, con người và cảnh quan thủ đô qua ngàn năm văn hiến.

- Nhấn mạnh cảm hứng và tư duy "du ký", những trang ghi chép, hồi ký, hồi ức, kỷ niệm, tùy bút, bút ký, tản văn phản ánh sự cảm nhận và ấn tượng về truyền thống Thăng Long - Hà Nội.

- Bao quát khối lượng tài liệu phong phú, trải rộng từ hệ thống thần thoại, truyện cổ tích, ca dao đến thơ ca đề vịnh, truyện ký tiêu biểu dưới thời trung đại, hiện đại và đương đại.

 - Mở rộng từ văn chương tới việc thu nhận một số tranh ảnh, âm nhạc liên quan tới Hà Nội để minh họa thêm. Đặc biệt chú ý những bài hồi ức, kỷ niệm liên quan đến quá trình sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về đề tài Hà Nội thời hiện đại..

            Bình luận sách

* PGS.TS. Vũ Thanh - Khoa Văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội

1. “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” là một đề tài rất có ý nghĩa trong đợt Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình hoàn thành sẽ có giá trị hệ thống lại một mảng sáng tác văn học nghệ thuật đồ sộ về mảnh đất trung tâm của đất nước qua trường kỳ lịch sử.

Nguồn tư liệu được các tác giả công trình sử dụng là phong phú, cơ bản và đáng tin cậy, bao gồm chủ yếu là các tác phẩm văn học dưới dạng du ký, hồi ức, ký ức qua nhiều giai đoạn của lịch sử dân tộc; đặc biệt là bộ phận sáng tác của những người con Hà Nội phải xa quê hương đi mở nước, đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hoặc phải sống xa Hà Nội, trong đó nguồn tư liệu từ các tác giả miền Nam trước năm 1975 là rất đáng quý.

Kết cấu của cuốn sách như được trình bày ở bản thảo là khá hợp lý, đã bớt rườm rà, bỏ bớt được một số tác giả, tác phẩm nhưng vẫn vừa thể hiện được nội dung cần thiết theo chiều lịch đại, vừa phản ánh được chiều sâu của sự phát triển văn học nghệ thuật theo hướng đồng đại.

Với độ dày trên 500 trang viết có thể nói đây là một tập sách khá dày dặn và công phu, mang tính chuyên sâu, thể hiện tâm huyết của các tác giả và cơ quan chủ quản.

            2. Mặc dù đã có chỉnh sửa cho sát thực với đề tài cuốn sách nhưng theo tôi việc lựa chọn tác phẩm vẫn cần có sự điều chỉnh thêm. Sau đây là một vài ý kiến của chúng tôi với mong muốn góp ý cho bản thảo của cuốn sách được tốt hơn:

- Trước hết, mở đầu tập sách nên có 1 đến 2 trang nói về quy cách biên soạn: ví dụ có thể ghi rõ các tác giả, cuốn sách nghiêng về việc lựa chọn tác giả, tác phẩm theo hướng nào, trong một tác giả lại ưu tiên chọn tác phẩm kiểu gì, bởi việc lựa chọn tác phẩm của chúng ta nghiêng về thơ, ký chứ ít lựa chọn truyện ngắn (chỉ chọn truyện trung đại), đặc biệt không hề chọn tiểu thuyết, rồi ghi thêm nguồn tư liệu chúng ta sử dụng cho cuốn sách, vấn đề bản quyền nếu thấy cần thiết phải thông báo và một vài quy cách chung khác nữa…

- Về Phần I: Thăng Long ngàn năm mở nước, A. Những trang thơ mơ dáng rồng bay tôi có một số ý kiến sau:

+ Nên mở đầu mục này bằng tác giả Trần Quang Khải với bài thơ Phụng giá hoàn kinh sư nổi tiếng của ông. Tôi không hiểu tại sao các tác giả tập sách lại bỏ bài thơ này (trong bản Đề cương cũ đã có). Bài thơ có liên quan trực tiếp tới Thăng Long, hướng về Thăng Long, như một khải hoàn ca chiến thắng trở về Thăng Long. Việc chọn bài thơ của Trần Quang Khải để mở đầu có ý nghĩa hơn nhiều so với bài của Trần Nguyên Đán, vì quả thật đọc bài thơ của Trần Nguyên Đán với vị trí mở đầu cuốn sách, chúng ta không hề thấy gợi nên chút nào từ đó cái hào khí của Thăng Long ngàn năm mở nước và âm hưởng của Những trang thơ mơ dáng rồng bay. Hoặc nếu không thì có thể chọn Trần Thánh Tông hoặc Trần Quang Triều để mở đầu thì hay hơn Trần Nguyên Đán.

+ Về tác giả Nguyễn Trãi nên bổ sung thêm bài thơ Nôm Tích cảnh X trong Quốc âm thi tập:

Loàn đoan ướm hỏi khách lầu hồng,

Nồng ấm thì thương kẻ lạnh lùng.

Ngoài ấy dầu còn áo lẻ,

Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng.

Vì đây là một bài thơ tuy Nguyễn Trãi viết ở Côn Sơn nhưng lại thể hiện nỗi cô đơn, niềm thương nhớ người yêu, người vợ trẻ và cũng là nỗi lòng với Thăng Long yêu dấu của mình.

+ Tác giả Thái Thuận có thể đưa thêm bài Hoàng giang tức sự - một trong vài bài thơ hay nhất của ông. Hoàng giang thời Thái Thuận có một nhánh chảy qua Cổ Loa, mà vùng Long Biên, Cổ Loa vốn là những địa danh quen thuộc với Thái Thuận.

+ Có thể chọn thêm một bài thơ của Phạm Đình Hổ (như bài viết về cô gái hàng xóm của ông) chứ không nên bỏ ông hoàn toàn ở phần thơ.

- Phải chăng cũng nên đưa bài phú Phụng thành xuân sắc phú của Nguyễn Giản Thanh vào cuốn sách, vì đây là một trong vài bài phú hiếm hoi tiêu biểu viết về Thăng Long.

- Trong phần B. Những trang văn in dấu ấn kinh kỳ, theo tôi không thể thiếu bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn được. Tôi cũng chưa hiểu tại sao các tác giả tập sách lại bỏ đi tác phẩm thuộc loại quan trọng nhất này? Bài chiếu cần được đặt ở đầu của phần B.

- Phần II - Hà Nội trăm năm hội nhập, theo tôi nên cân nhắc khi đặt đầu đề mục A là Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Đây là một câu thơ rất hay trong Nhớ Tây tiến của Quang Dũng (nhân đây tôi đề nghị nên bổ sung thêm bài thơ này vào mục tác giả Quang Dũng) nhưng lại chưa thật hợp với nội dung một số bài thơ trong phần này. Phải chăng nên đặt một đầu đề khác khả dĩ bao quát được toàn bộ nội dung của cả phần giống như ở phần văn xuôi?

+ Nên bổ sung thêm cho tác giả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ mỗi người một bài thơ nữa.

- Một mong muốn nữa của tôi là nếu cuốn sách bên cạnh việc chọn 10 bản nhạc tiêu biểu, chúng ta chọn thêm được cho hai lĩnh vực Nhiếp ảnh, Hội họa và Điêu khắc, mỗi lĩnh vực 10 tác phẩm nữa. Có thể bỏ phần Phụ lục mà xen kẽ các tác phẩm ngoài văn học này ở các phần khác nhau thì cuốn sách sẽ hấp dẫn hơn chăng ?

- Cuối cùng, bản thảo cần được đọc lại một cách kỹ càng hơn để sửa chữa hết những lỗi vi tính và những sai sót khác về câu chữ.

3. Nhận xét chung:

Tôi trân trọng đánh giá cao công phu của bản thảo“Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Mong muốn trong thời gian sớm nhất tập sách sẽ được xuất bản, đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc yêu mến Thăng Long - Hà Nội và kỷ niệm 1000 năm Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long - trung tâm của trung tâm đất nước.

Một vài ý kiến của tôi ở trên chỉ là những đóng góp thêm trên cơ sở của một bản Đề cương đã hoàn chỉnh và hợp lý.
 
 
 

 

Nhà Xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá