Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Hương ước
Tóm tắt nội dung:
- Nghiên cứu hương ước
Thăng Long - Hà Nội là bộ sách chuyên khảo và tuyển dịch về mảng tư liệu Hán
Nôm viết về lịch sử văn hóa của các làng ở Thăng Long - Hà Nội. Khảo cứu giới thiệu một số bản
hương ước ở Hà Nội sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu để hiểu biết về quá
trình lập làng, giữ gìn thuần phong mĩ tục của nhân dân ta.
-
Hương ước là những qui ước điều lệ của một cộng đồng
người chung sống trong cùng một khu vực, để điều hoà quan hệ giữa cá nhân với
cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, hoặc giữa tập thể này với tập thể khác. Trong
xã hội Việt
Nam
thời xưa, các tổ chức hương thôn như phe giáp, xóm ngõ, làng xã thường đặt ra
những điều ước để ràng buộc chế ngự lẫn nhau, điều hoà, giải quyết các tranh
chấp va chạm. Hương ước chỉ là một danh từ chung để chỉ những qui ước của làng
xã. Trên thực tế chúng ta còn thấy Hương ước được gọi bằng những tên khác nhau:
Hương lệ, Hương khoán, Ước lệ, Khoán ước, Qui ước, Lệ định, Lệ tục…
- Thăng Long - Hà Nội có lịch sử hàng ngàn năm, dân số ngày một
nhiều thêm, nhân tài bốn phương tụ hội. Cộng đồng dân cư ở đây luôn luôn phải
có những qui ước, những điều khoản ràng buộc nhau, giải quyết những mâu thuẫn
nảy sinh, đặt ra những qui ước mới để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới.
Do vậy hương ước ở vùng kinh kỳ này có lịch sử lâu đời và luôn luôn có thay
đổi. Các điều khoản trong hương ước cổ truyền của cư dân vùng Kẻ Chợ kinh kỳ
này có thể có những đóng góp tích cực cho các qui ước lối sống văn minh mới.
Hệ thống các bản hương ước cổ phần lớn đã được sưu tầm đưa về lưu
giữ ở các Thư viện lớn ở Trung ương và Hà Nội. Một số lượng đáng kể có thể
nhiều đến hàng trăm văn bản hiện đang lưu giữ tại các làng xã thuộc Hà Nội. Một
bộ phận đã được dịch ra tiếng Việt và giới thiệu rộng rãi. Khi thực hiện công
trình này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác khảo cứu văn bản. Tất cả
các bản hương ước ở thư viện hay trong dân gian đều được giám định rõ tính chất
chân nguỵ của văn bản, sau đó mới dịch giới thiệu.
- Đề tài này tuyển chọn:
+ Các bản
hương ước có niên đại cổ gồm các bản khắc trên kim loại, khắc trên bia đá.
+ Các bản hương ước liên quan đến làng nghề. Đặc biệt là địa giới
Hà Nội vừa mở rộng. Dân gian có câu “Hà Tây là đất trăm nghề”, do vậy Hà Nội mở
rộng có nhiều hơn một trăm nghề.
+ Các bản hương ước giới thiệu về công tác
khuyến học, bảo vệ trật tự trị an.
+ Các bản hương ước có nội dung giáo dục tư cách đạo đức.
Bình
luận sách của TS. Phạm Văn Thắm - Viện Nghiên cứu Hán Nôm
1. Đề tài Tuyển tập hương ước tục lệ Thăng
Long - Hà Nội do PGS.TS Nguyễn
Tá Nhí làm chủ biên có độ dầy 778 trang gồm có các phần: Lời giới thiệu (từ tr.6- tr.49); Qui tắc biên soạn (từ tr.50- tr.52); phần tuyển dịch hương ước tục lệ (từ tr.53- tr.689); bản từ vựng (từ tr.690- tr.708); phần phụ lục 1 và 2 ( từ tr.
709-tr.750); phần còn lại là danh mục các tài liệu tham khảo. Một công trình đồ
sộ đã thể hiện đúng và đầy đủ những điều mà chủ biên công trình đã ký với các
cấp có thẩm quyền.
2- Phần giới
thiệu của công trình, PGS.TS Nguyễn Tá Nhí đã khái quát quá trình hình thành và
phát triển mảng văn bản hương ước tục lệ của Thăng Long - Hà Nội.
Có thể thấy
hương ước, tục lệ là những điều lệ qui ước của một cộng đồng người sống trong
một khu vực đặt ra nhằm điều hòa mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá
nhân với tập thể hoặc giữa tập thể này với tập thể khác. Một khái quát như vậy
là hoàn toàn hợp lý.
Hương ước Thăng Long - Hà Nội đã
xuất hiện từ rất sớm. Theo sách Đại Phùng
tổng khoán ước. Ký hiệu: A.2875 ghi Nguyên
là vào năm Hồng Đức thứ 6 (1475), toàn tổng họp giao cho các xóm thôn chia đều
địa giới, nhưng vẫn theo như một ấp... Từ thông tin trên cho thấy Hương ước Thăng Long - Hà Nội đã xuất hiện từ thời Hồng Đức thứ 6
(1475).
Hương ước Thăng Long - Hà Nội không phải là loại hình văn bản dĩ thành bất biến mà nó luôn được sửa
đổi bổ sung cho phù hợp với thời cuộc. Hương ước làng Dương Liễu trong khoảng
thời gian hơn một trăm năm, từ năm 1666 đến năm 1800 đã có tới 12 lần bổ sung
điều khoản mới. Công việc xây dưng bản hương ước do những người có chức sắc
trong làng như Xã trưởng, Thôn trưởng, Khán thủ, Hương trưởng, các vị kỳ lão,
các vị có học thức, các vị quan đương nhiệm, nhiều nơi có các vị quan triều về
hưu cùng tham gia xây dựng hoặc chỉnh sửa hương ước.
PGS.TS Nguyễn
Tá Nhí cũng đã khái quát giá trị của văn bản Hương ước Thăng Long - Hà Nội. Đây
là nguồn tư liệu góp phần nghiên cứu các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa
xã hội của một làng, một vùng của Thủ đô Hà Nội. Điều cơ bản nhất, tác giả đã
lý giải vì sao hương ước của làng xã nông thôn
Thăng Long - Hà Nội mỗi làng có những qui định riêng của làng đó nhưng
hương ước của một làng lại có một sức sống mãnh liệt. Theo cách giải thích của
tác giả một trong những nguyên nhân chủ yếu, đó là những thiết chế, những điều
khoản qui định việc thưởng phạt phù hợp với việc khả năng thực thi của người
dân và được người dân chấp nhận. Chẳng hạn những qui định về việc xử phạt người
vi phạm các qui định của làng xã, PGS.TS Nguyễn Tá Nhí đã tổng kết thành những
loại. Loại thứ nhất xử phạt người vi phạm không cho tham gia ứng cử vào các chức
vụ của làng xã. Loại thứ hai xử phạt người vi phạm bằng hình thức bắt đi lao
động công ích, hoặc phạt tiền. Loại thứ ba, xử phạt người vi phạm bằng các hình
thức không cho tham dự vào các hoạt động
yến ẩm của làng xã hoặc đuổi ra khỏi làng. Cách xử phạt dưới hình thức
văn hóa là nặng nhất. Sự nhận định này rất hợp lý.
3. Phần tuyển
dịch chiếm một tỷ lệ lớn trong công trình. Chúng tôi nhận thức rằng dịch sách
Hán Nôm đã khó nhưng dịch các văn bản hương ước tục lệ của Thăng Long - Hà Nội
khó hơn nhiều vì rằng mỗi vùng có bản sắc riêng của mỗi vùng như âm địa phương,
tục lệ riêng của vùng đó. Bản dịch trong đề tài đã thể hiện sự chính xác, mạch
lạc.
Một điều rất
quan trọng là các tác giả đã cung cấp cho người đọc một danh mục từ chuyên môn
(từ tr.690- 707) có giải thích rõ ràng từ Hán Việt. Phần này giúp ích rất nhiều cho những người
làm công tác Hán Nôm và người yêu thích văn hóa Hán Nôm.
4. Căn
cứ vào những kết quả mà các tác giả đã trình bầy trong công
trình, tôi nhận thấy các
tác giả đã thể hiện sự lao động cần cù, có tư duy khoa học. Sản phẩm của đề tài đóng góp thiết
thực cho khoa học. Tôi đề nghị Hội đồng thông qua đề tài Tuyển tập hương ước tục lệ Thăng
Long - Hà Nội do
PGS.TS Nguyễn Tá Nhí làm chủ biên và đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội cho in để đáp
ứng nhu cầu của xã hội.
Nhà xuất bản Hà Nội