Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích, Thần phả
Tóm tắt nội dung:
- Thần phả thần tích
là loại hình văn bản tồn tại phổ biến khắp các làng xã, nó góp phần giúp chúng
ta hiểu biết rõ hơn về lịch sử vùng Thăng Long - Hà Nội. Nhiều bản thần phả
thần tích ghi lại các câu chuyện đối nhân xử thế của cha ông ta cho đến nay vẫn
giữ nguyên giá trị, được nhiều người tôn trọng. Do vậy cần thiết có những
chuyên khảo đi sâu vào nghiên cứu giới thiệu rộng rãi, nhằm giúp cho đông đảo
bạn đọc ở Thủ đô và trong cả nước hiểu thêm về lịch sử truyền thống vùng đất
kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
- Bộ sách chuyên
khảo và tuyển dịch về mảng tư liệu Hán Nôm viết về lịch sử văn hóa của các di
tích ở Thăng Long - Hà Nội. Khảo cứu giới thiệu một số bản Thần phả thánh tích
ở Hà Nội sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu để hiểu biết về quá trình lập
làng dựng nước của nhân dân ta.
- Đề tài chọn các bản thần phả có niên đại cổ gồm các
vị tôn thần được thờ ở bốn vùng ở kinh thành Thăng Long như Cao Sơn Đại vương,
Linh Lang Đại vương, Huyền Thiên đại đế. Các bản thần phả ghi các vị anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt,
Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Số còn lại, sẽ
chọn các bản thần phả ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành của Hà Nội.
- Cuốn sách sẽ
gồm hai phần chính:
Phần thứ nhất: Bài khảo cứu tư liệu về Thần phả thánh
tích ở các di tích của Thăng Long - Hà Nội. Trong phần này sẽ chú ý phân tích
về giá trị của nguồn tư liệu này.
Phần thứ hai: Tuyển dịch khoảng 60 bản thần phả (Có
danh sách kèm theo).
Bảng sách dẫn các thuật ngữ chuyên môn,
các từ điển tích, các từ cổ, nhân danh, địa danh xuất hiện trong các bản thần
phả.
Bình luận sách của TS.
Nguyễn Hữu Mùi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Thần tích là loại hình văn bản ghi về lai lịch và công
trạng của các vị thần được thờ ở đình đền miếu mạo của người Việt. Khởi nguồn
từ các câu truyện dân gian về một vị thần nào đó, sau đó được cố định trên văn
bản. Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên
biên soạn vào đầu thế kỷ XIV, chính là tác phẩm đầu tiên thể hiện theo tinh thần ấy. Đến thời Lê Thánh Tông
(1460 - 1497), Nguyễn Cố biên soạn thần tích mang tên Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương Ngọc phả cổ truyền, ghi về 18 đời
vua Hùng với đầy đủ danh tính của 100 người con trai sinh ra từ bọc 100 trứng,
trở thành huyền thoại bất hủ của dân tộc Việt Nam. Cũng vào thời Lê sơ, trong
dân gian thấy xuất hiện các bản thần tích do các trí thức địa phương biên soạn,
khắc trên bia, như sự tích của vị Lã
Nam Để đế ở đền Trăn Tăn xã Phú Thọ
huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh. Ở thời Lê Trung Hưng (1533 - 1787), bắt đầu xuất
hiện các bản thần tích viết bằng chữ Nôm diễn ca theo thể lục bát hoặc song
thất lục bát, ghi về sự tích của Tản Viên Sơn Thánh cũng như nhiều vị thần
khác.
Đến thời Nguyễn (1802 - 1945), triều đình thường xuyên
bắt các làng xã kê khai thần tích làm cơ sở cho việc bao phong bách thần thì
việc biên soạn, sao lục thần tích trở thành nhu cầu bức xúc của nhiều làng xã.
Gia đình nhà khoa bảng Tô Thế Huy ở xã Bằng Đắng huyện Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây
(nay là thôn Cao Bình xã Cao Đại huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc) chính là nơi
đáp ứng được nhu cầu đó cho nhiều địa phương từ Thanh Hoá trở ra phía Bắc.
Tuyển tập thần tích thần phả Thăng Long - Hà
Nội do PGS.TS Nguyễn Tá Nhí và PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh đồng chủ biên là đề
tài nghiên cứu về thần tích nhưng ở bình diện hẹp hơn, tập trung vào địa bàn
Thăng Long - Hà Nội, là một hướng đi mới, không trùng lặp với các công trình
công bố trước đây.
Với độ dày 668 trang, công trình chia làm 3 phần. Phần
đầu, ngoài Lời nói đầu, có các Mục tổng quan về thần tích thần phả, Thần tích
thần phả Thăng Long - Hà Nội, Tiêu chí tuyển chọn và Phàm lệ. Phần này viết
tương đối kỹ, mang tính khái quát, nêu
được mục đích, ý nghĩa của công việc, giúp độc giả thấy bức tranh toàn cảnh về
thần tích nước nhà, đồng thời nêu rõ những giá trị của thần tích thần phả trên
đất Thăng Long - Hà Nội, đưa ra các tiêu chí tuyển chọn mang tính khoa học, có
sức thuyết phục.
Phần hai là dịch thuật - phần chính của công trình,
các tác giả sử dụng tất cả 57 bản thần
tích trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Với số lượng tuyển chọn như vậy phải nói là
phong phú và đây chính là những bản thần tích tiêu biểu cho đất Thăng Long - Hà
Nội. Điều đó có nghĩa các tác giả đã bao quát được các vị thần cả về không gian
lẫn thời gian trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Mỗi bản tuyển dịch đều ghi xuất xứ
rõ ràng giúp người đọc dễ tra tìm khi cần thiết. Bản dịch do nhiều người thực
hiện và nhờ chủ biên có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm trong nghề bỏ công
sức chỉnh sửa nên có thể nói đạt chất lượng vào loại tốt. Cũng cần nói thêm
trong công trình này các tác giả không chỉ tuyển chọn thần tích viết trên giấy,
khắc trên bia mà còn đưa vào đây khá nhiều các bản thần tích viết bằng chữ Nôm,
giúp người đọc thấy rõ sự đa dạng trong cách thể hiện của người xưa đối với sự
tích của các vị thần trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Phần ba là Phụ lục, gồm Danh mục các địa phương thờ
thần Cao Sơn, Danh mục các địa phương thờ thần Linh Lang, Danh mục các địa
phương thờ thần Bạch Mã và Thư mục thần tích ở Viện Hán Nôm. Phần này rất cần
thiết cho người nghiên cứu.
Nhìn tổng quan với kết cấu như vậy, công trình sẵn
nhiều ưu điểm như đã nêu, chúng tôi thấy đây là công trình biên soạn nghiêm
túc, vừa có giá trị trong khoa học, vừa có giá trị trong thực tiễn, rất cần
thiết bổ sung vào Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Song, để công
trình hoàn thiện ở mức cao hơn nữa, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến sau
đây.
1. Về tên gọi của đề tài, các tác giả nên cân nhắc
giữa chữ thần tích và thần phả xem chữ nào nên dùng để tránh trùng lặp. Mà ở
đây theo chúng nên dùng chữ thần tích và bỏ chữ thần phả. Lý do là bởi thần
tích vốn là “phông” tài liệu do Trường Viễn đông Bác cổ của Pháp (EFEO) đặt ra
trước đây nay đã trở thành thuật ngữ dùng trong giới nghiên cứu, trong đó bao
hàm các bản ngọc phả, thần phả, sự tích, cổ tích, tích lục… Tức đây là những
văn bản ghi về sự tích của các vị thần thờ tại đình đền miếu của nước ta mà họ
đặt tên chung là Thần tích (mang ký hiệu AE), nhằm phân biệt với thần sắc (AD),
Tục lệ (AF) Địa bạ (AG), Cổ chỉ (AJ)… Hơn nữa trong Phần giới thiệu ngắn gọn về
từng văn bản được tuyển dịch của tất cả 57 bản trong công trình này đều thấy
ghi là thần tích chứ không ghi là thần phả.
2. Về tiêu đề của các bản thần tích: thông thường mỗi
văn bản thần tích ở nước ta đều có một tên gọi mà trong tuyển tập ở đây đã phản
ánh rõ điều đó. Tuy nhiên trong bản dịch lại lược bỏ khá nhiều tiêu đề của các
văn bản này. Chẳng hạn như Thần tích ở xã Hữu Quang huyện Quốc Oai, ký hiệu
AEa10/7, tại tờ đầu viết: Hùng Duệ Vương
triều công thần nhất vị Đại vương Ngọc phả cổ lục. Cấn chi bộ Thượng đẳng, Quốc
triều Lễ bộ chính bản. (Thần tích số 18, trang 181). Hoặc như thần tích của
thôn Kiều Mai xã Phú Diễn huyện Từ Liêm, ký hiệu AEa2/59, tờ đầu ghi: Bạch Hạc Tam giang Đại vương Ngọc phả lục.
Quốc triều Lễ bộ chính bản” (Thần tích số 20, trang 199). Hay thần tích của
xã Kim Lũ huyện Phúc Thọ, ký hiệu Aea10/7, tờ đầu ghi: Tản Lĩnh sơn Ngọc phả… Các văn bản thần tích lưu giữ tại đình làng
của nhiều địa phương cũng ở tình trạng tương tự. Theo chúng tôi cần dịch đầy đủ
tiêu đề của mỗi văn bản thần tích thì mới phản ánh đúng nguyên bản của tác
phẩm.
3. Đây đó trong bản thảo có chỗ ghi chưa chính xác, ví
dụ như thần tích của thôn Kiều Mai nêu trên mang ký hiệu AEa2/59 thì trong bản
dịch ghi là AEa10/59 (trang 199); Bảng
tra thần tích theo địa danh làng xã
lại ghi nhầm thành Bảng tra di tích theo địa danh làng xã (Phần
Tài liệu tham khảo trang 83). Ngoài ra là một số lỗi chính tả do chế bản vi
tính.
Kết luận: Đề tài Tuyển
tập thần tích thần phả Thăng Long - Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Tá Nhí và
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh đồng chủ biên là một đề tài hay, mang ý nghĩa thiết
thực trong tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và
đề nghị sớm đưa công trình này vào xuất bản.
Nhà xuất ban Hà Nội