Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Năm trăm năm lịch Việt Nam (1504-2043)
Thứ ba, 08/06/2010 11:18
Cuốn sách của tác giả: PGS.TS. Lê Thành Lân thuộc thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Thuộc mảng sách: Lịch sử

Tóm tắt nội dung:

1.1 Cuốn Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544-2043)(có ghi chú về lịch chúa Nguyễn và lịch Trung Quốc) trong đó còn có một Niên biểu lịch sử Việt Nam được soạn lại, chính xác và dễ dùng là một sách công cụ hữu hiệu cho việc nghiên cứu Lịch sử Văn hóa của Hà Nội nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung với các vương triều, các danh nhân, các biến động lịch sử ... Các trường học, các nhà văn hóa, các viên bảo tàng cần có cuốn lịch này. Các nhà nghiên cứu khoa học Xã hội như Lịch sử, Khảo cổ, Văn hóa, Văn học cổ, Hán Nôm, Gia phả học ... các giáo viên, sinh viên ... đều cần đến nó.

1.2. Nhờ tìm kiếm kỹ trong các thư viện tại Hà Nội, chúng tôi đã phát hiện được giá tri to lớn của 3 cuốn lịch cổ Việt Nam vô cùng quý báu là:     

a) Bách trúng kinh (bản in) ở TV Viện Hán Nôm; có lịch Lê–Trịnh từ 1624 đến 1786.

b) Khâm định vạn niên thư (bản in) ở TV Quốc gia; có lịch Lê từ năm 1544 đến 1630, lịch của Chúa Nguyễn ở Đàng trong từ 1631 đến 1801; lịch nhà Nguyễn từ 1802 đến 1903.

c) Lịch đại niên kỷ bách trung kinh (LĐNK – một bản chép tay) ở TV Viện Hán Nôm, có lịch Lê – Trinh từ 1744 đến 1788; lịch Tây Sơn từ 1789 đến 1801; lịch nhà Nguyễn từ 1802 đến 1883.

Chúng tôi đã khảo cứu kỹ về Văn bản học cũng như đối chiếu so sánh toàn diện các cuốn lịch để tìm ra lịch Lê – Trịnh từ 1544 đến 1788, lịch Tây Sơn từ 1789 đên 1801, lịch Nguyễn từ 1802 đến 1945. Chúng tôi còn xác định lại cho chính xác niên đại của 8 niên hiệu nhà Mạc mà Đại Việt sử ký toàn thư chép sai dẫn đến nhiều sự kiện khác cũng bị cuốn sử gốc này chép sai niên đại.

1.3. Một điều quan trọng là: các cuốn thư tịch cổ, đặc biệt các cuốn cổ sử đều dùng lịch Việt Nam mà chúng tôi đã phát hiện được này để ghi chép các sự kiện lịch sử.

1.4. Nhiều triều đại đóng đô tại Thăng Long – Hà Nội, nhiều sự kiện quan trong của đất nước diễn ra tại Hà Nội, còn đây 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc tử giám. Tất cả đều cần xác định rõ, chính xác thời điểm. Đến như Toàn thư còn ghi sai thời điểm 53 sự kiện, Cương mục ghi sai thời điểm 40 sự kiện, Các nhà khoa bảng chép sai năm thi đỗ của 126 vị Tiến sĩ ... Tất cả đều liên quan đến Hà Nội và đều cần đến cuốn lịch này mỗi khi cần khảo cứu.     

1.5. Cuốn lịch còn là kết quả của việc khai thác các cuốn lịch cổ hiện được lưu giứ tại Hà Nội. Sách sẽ in chụp để cung cấp cho độc giả 2 văn bản lịch cổ quý hiếm. Đưa cuốn lịch này vào Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là một cách tôn vinh báu vật đó của Hà Hội, góp một phần vào việc khẳng định vị trí trung tâm văn hóa dân tộc của Hà Nội.

Bình luận sách của PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn - Viện Sử học

Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 - 2043) của PGS.TS. Lê Thành Lân, là một cái mốc thật sự có ý nghĩa khoa học trong lịch sử nghiên cứu lịch Việt Nam. Đối với chuyên gia về lịch pháp Lê Thành Lân, đây có lẽ cũng là công trình tâm huyết, quan trọng nhất của ông.

Bản thảo Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 - 2043) dầy 750 trang vi tính khổ A4, gồm có 4 chương chính:

1. Các vấn đề chung về lịch và lịch Việt Nam.

2. Lịch Việt Nam từ 1544 - 2043.

3. Niên biểu lịch sử Việt Nam.

4. Các lịch vĩnh cửu.

Và một Phụ lục.

Sau khi đọc xong tất cả các chương mục, tôi thấy kết cấu của cuốn sách trình bầy như vậy là hợp lý.

chương I, sau khi giới thiệu các loại lịch âm, lịch dương, lịch âm dương với các tính chất chính của chúng, trong đó trọng tâm là lịch âm dương, tác giả dành nhiều nhiều trang viết, nói về quá trình đi tìm lại lịch cổ Việt Nam mà việc phát hiện ba cuốn lịch cổ Bách trúng kinh (bản in quãng nửa đầu thế kỷ XVIII), Khâm định vạn niên thư (in thời Tự Đức, thế kỷ XIX) và Lịch đại niên kỷ Bách trúng kinh, là một đóng góp quan trọng, thật sự có ý nghĩa khoa học mới mẻ, làm cơ sở vững vàng để tác giả Lê Thành Lân khôi phục lại lịch Việt Nam được dùng từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX.

Phần tác giả Lê Thành Lân khảo cứu văn bản ba cuốn lịch cổ nói trên, từ khâu mô tả văn bản, đoán định niên đại đến hiệu đính những nhầm lẫn năm, tháng trong văn bản, đã được thực hiện kỹ lưỡng, đáng tin cậy.

Theo tôi nghĩ, PGS.TS. Lê Thành Lân đã có công lớn tìm kiếm, phát hiện ra ba cuốn lịch cổ này cũng như quá trình ông nghiên cứu, giám định về mặt văn bản học, để từ đó làm luận chứng khoa học xác lập một nền tảng lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc, được Nhà nước phong kiến Việt Nam nói chung dùng phổ biến dưới triều Lê - Trịnh, chính quyền của các Chúa Nguyễn ở Đằng Trong, triều Tây Sơn và triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX.

Giá trị khoa học mới mẻ, có sức hấp dẫn của công trình Năm trăm năm lịch Việt Nam(1544 - 2043) chính là ở nguồn tài liệu lịch pháp cổ mới được phát hiện và nghiên cứu một cách công phu, trình bầy một cách hết sức thuyết phục.

Chương II, tác giả trình bày về Lịch Việt Nam từ 1544 đến 2043.

Phần hướng dẫn tra cứu gọn và độc giả dễ tiếp nhận.

Phần tính lịch giai đoạn Lê - Trịnh(1544 - 1630), Lê Trịnh (1631- 1788) và lịch Tây Sơn - Quang Trung (1789 - 1801)... được làm rất công phu.

Chương III, giới thiệu Niên biểu lịch sử Việt Nam, có đối chiếu với niên biêu lịch sử Trung Quốc, chia theo từng giai đoạn lịch sử, từ thời Bắc thuộc Đường, Hậu Lương qua các giai đoạn độc lập Ngô Vương Quyền, Đinh, Tiền Lê... đến Nguyễn.

Trong Niên biểu lịch sử này tác giả đưa nhà Mạc thành chính triều là đúng, phù hợp với quan điểm mới của giới sử học khi đánh giá lại vai trò của nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Tôi cho rằng, trong công trình Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 - 2043), phần Niên biểu lịch sử Việt Nam sẽ được độc giả thích thú và sử dụng nhiều nhất.

Kết luận

1. Tập bản thảo Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 - 2043), của PGS.TS. Lê Thành Lân đã được thực  hiện đúng như Hồ sơ Đề cương đề tài nghiên cứu và biên soạn Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 - 2043), đã được Hội đồng nghiệm thu đề cương nhất trí thông qua ngày 02 tháng 2 năm 2010.

2. Đây là một công trình lịch Việt Nam có quy mô lớn, có những phát hiện mới và quan trọng về tài liệu lịch cổ Việt Nam, chứng minh trong lịch sử từng tồn tại một nền lịch cổ Việt Nam khác với lịch Trung Quốc.

3. Nội dung công trình Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544 - 2043), hết sức phong phú, vừa có giá trị khoa học, vừa có giá trị sử dụng thiết thực, phục vụ được nhiều đối tượng độc giả.

4. Phần Phụ lục có in văn bản ba cuốn lịch cổ Việt Nam là cần thiết và rất hay.

5. Đề nghị tác giả dành thêm thời gian hoàn thiện bản thảo.                                                            

 



Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá