Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tuyển tập tác phẩm về văn hoá ẩm thực Thăng Long - Hà Nội
Thứ ba, 08/06/2010 11:19
Cuốn sách do PGS.TS. Phạm Quang Long - Ông Bùi Việt Thắng đồng chủ biên thuộc thể loại sách nghiên cứu, tuyển chọn. Mảng sách: Văn hóa – Xã hội.

Tóm tắt nội dung:

- Các công trình nghiên cứu về văn hoá Việt Nam thường nghiên cứu văn hoá từ hệ thống giá trị vật chất và tinh thần tới hệ thống các khái niệm, giá trị mang tính phổ quát, tuy “có” nhưng “ít” chú ý đến khía cạnh ẩm thực nhất là ẩm thực Hà Nội nho, khía cạnh của bản sắc văn hoá người Hà Nội. Khía cạnh ẩm thực thường bị nhìn nhận như một tập quán, một thói quen, một phong tục, chưa nhìn nó trong sự vận động. Đề tài tập hợp những trang viết tinh hoa nhất về món ăn, thú ăn văn hoá ẩm thực của người Hà Nội như một đặc trưng, một nét trội của văn hoá Hà Nội.

- Qua văn hoá ẩm thực giới thiệu nét đẹp trong tính cách người Hà Nội; khẳng định ý nghĩa tích cực và sự vận động của một số phương diện về văn hoá người Hà Nội trong lịch sử.

Bình luận sách

* Nhà nghiên cứu Giang Quân:

1. Nhận xét chung:

Sách gồm hai phần: 1- Tổng quan về văn hoá ẩm thực Hà Nội (33 trang)

2- Tuyển chọn tác phẩm về văn hoá ẩm thực Hà Nội (770 trang)

cả tập 803 trang A4, chưa có phụ lục.

1.1. Bài tổng quan gồm 30 trang, các tác giả đã lập luận trên cơ sở viện dẫn những kết quả nghiên cứu của các học giả - nhà văn đi trước viết về vấn đề này như Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm, Hữu Ngọc, Phan Ngọc, Nguyễn Thị Bảy, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài... và cả tác giả nước ngoài như André Masson, William Pampier, Lady Boston nhưng vẫn còn thiếu một số tác giả viết về phong tục ăn uống như Toan Ánh, Đặng Đức Siêu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Lạp, Trần Lê Văn...

Quan 3 tiểu mục, những đặc điểm môi trường tạo sinh đặc trưng văn hoá ẩm thực Hà Nội, tính chất hội tụ, kết tinh của văn hoá ẩm thực Hà Nội, cư dân Thăng Long - Hà Nội và ẩm thực của đất kinh kỳ trong quá trình vận động của đời sống; các tác giả đã nêu được rõ nét những đặc điểm về địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái góp phần tạo nên những sản vật làm phong phú ẩm thực Hà thành.

Tính chất ẩm thực đặc thù của đất đế kinh có vua, quan, giới trí thức nho học sành điệu, hiểu biết giá trị và quen hưởng thụ các món ngon, vật lạ, lại tiếp thu được tinh hoa trăm miền, kể cả hương vị nước ngoài để chế biến tài hoa thành nghệ thuật ẩm thực phong phú và đặc sắc cho Thăng Long - Hà Nội, mà các vùng miền khác không có điều kiện thực hiện.

Các tác giả cũng đề cập đến thời hội nhập, tiếp nhận văn hoá nói chung, trong đó có văn hoá ẩm thực, nên có những yếu tố truyền thống bị mai một và có những yếu tố mới nảy sinh. Đó là quy luật tự nhiên của tiến trình phát triển xã hội. Điều cần thiết là phải biết bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, giữ lấy những giá trị truyền thống cơ bản mà hiện nay đang có xu hướng quay trở lại (cơm niêu, cá kho tộ, muối vừng cơm nắm...) đồng thời kết hợp với xu thế ăn uống nhanh để hoà nhập với toàn cầu, nhưng vẫn giữ được chất thanh lịch, hào hoa, tế nhị, phong nhã của người Thăng Long - Hà Nội. Cho nên cần bổ sung thêm về thói tục, tập quán, phong cách ăn uống của ta qua các thời kỳ, sự khéo léo sáng tạo của bàn tay phụ nữ chế biến từ gốc thô sơ, giản dị thành món tinh tuý, đặc sản. Cũng nên sử dụng kinh nghiệm y học cổ truyền dùng món ăn chữa bệnh như thực phẩm chức năng.

1.2. Phần tuyển chọn tác phẩm bố cục chưa thật chặt chẽ, tuyển chưa kỹ, trùng nhiều bài của nhiều tác giả về một món ăn quá, lại tập hợp theo tác giả, nên không ở liền nhau để có cái nhìn tổng thể mà lại rải ra nhiều đoạn cách nhau.

Theo tôi, mục 1 nên tập trung các bài có tính chất lý luận, công trình nghiên cứu về văn hoá ẩm thực Hà Nội xưa và nay. Có thể kể các tác phẩm của: Vũ Quỳnh - Kiều Phúc, Hải Thượng Lãn Ông, Phạm Đình Hổ, Phan Kế Bính, Trần Quốc Vượng, Hữu Ngọc, Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Quang Lê, Vũ Ngọc Phan, Tản Đà (chỉ lấy bài văn: Ăn ngon), Nguyễn Bá Hoàn, Nguyễn Thị Bảy. Nên thêm bài: “Một vài cách ăn của người Hà Nội” của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Toan Ánh (Tạp chí Tản Viên Sơn số 3/2009) nêu một vài kiểu ăn cũ mà nay không còn nhưng phản ánh nét tinh tuý sắc sảo của người Hà Nội. Đồng thời chọn thêm một số đoạn về tục ăn uống nơi thôn ổ, ngoại ô trong các tác phẩm của Ngô tất Tố (Việc làng), Nguyễn Đình lạp (Ngoại ô), Trần Tiêu (Con trâu), Quang Dũng (Mây đầu ô), Trần Lê Văn (Mặt gương Tây Hồ)...

Bài của Đinh Hùng về uống rượu với Tản Đà và các bài thơ của Tản Đà chuyển sang mục 3 (Văn hoá ẩm thực qua văn học hiện đại).

1.3. Mục 2 - Văn hoá ẩm thực qua ca dao, ngạn ngữ dân gian.

Mục này chỉ nên tuyển những câu về ăn, uống, sản vật tiêu biểu các vùng không nên lấy cả những câu nói về vấn đề khác. Hà Nội đã mở rộng, vùng xứ Đoài, Sơn Nam Thượng và đất Mê Linh cũng có khá nhiều ca dao ngạn ngữ về ẩm thực nên tuyển thêm (đã có một vài câu nhưng còn quá ít). Tránh để lọt các câu ca dao mới mà soạn giả Nguyễn Kiều Liên đã đưa vào cuốn sách thiếu tin cậy lại đã được các tác giả tuyển theo.

Một số câu ca dao mới nên loại ra, như:

-   Ở đâu thơm húng, thơm hành

Có về làng Láng cho anh theo cùng...

- Cốm Vòng thơm mãi bàn tay

Đi xa Hà Nội nhớ ngày cốm thơm...

- Gạo thơm bởi giống thóc vàng

Trải qua năm tháng thơm càng thêm thơm

- Ngọt thay cái quả cam tròn

Vừa thơm vừa mát hãy còn ở Canh

Trong khi đó còn nhiều câu ca dao, ngạn ngữ khác cần đưa vào:

- Dù ai chồng rẫy vợ chê

Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau

Ăn trước thì bảo người sau

Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng

- Ếch tháng mười, người Hà Nội

- Bánh giò Kẻ Núc, bánh đúc Kẻ Săn

- Bún Kẻ Đô, ngô Kiều Mộc

nên có thêm một số câu ngạn ngữ về cách ăn uống:

- Lời chào cao hơn mâm cỗ

- Ăn trông nồi ngồi trông hướng

- Miếng ăn quá khẩu thành tàn

- Ruợu vào lời ra

- Nói với người say như vay không trả...

Cần có chú thích địa danh cổ nay là nơi nào.

Cũng nên tước bỏ những câu ca dao không liên quan đến ẩm thực:

-         Họ Lại làm giấy sắc vua

Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê...

- Trong làng già trẻ luôn mong

Sớm khuya bện chổi thong dong tháng ngày

- Vải may tấm áo lĩnh chùng

Cha mặc áo tết vui cùng cháu con

(Vải lĩnh chỉ may váy, quần phụ nữ, đây có lẽ là vải láng)

- Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến

Rất nhiều câu trích trùng lặp 2, 3 lần cần xem lại kỹ và dồn 2 phần ca dao lại làm một (tuyển trong 2 cuốn của Nguyễn Kiều Liên và Võ Văn Trực).

1.4. Mục 3: Văn hoá ẩm thực qua văn học hiện đại.

Tuyển chưa kỹ, chưa chọn lọc, gần như tập hợp vào cho đông đảo. Thành ra món phở có tới 9 bài (chưa kể còn nhắc đến trong các bài chung), các món bún 11 bài, bánh cuốn 7 bài, chả cá 5 bài, thịt chó 5 bài, mâm cỗ Hà Nội 4 bài, cốm 6 bài...

Có lẽ món ăn đặc biệt nhất cũng chỉ nên 3 bài, nên tuyển những bài đã nổi tiếng được bạn đọc công nhận và in tuyển đã nhiều lần. Thí dụ: giữa 2 bài: Chõ bánh khúc... (Ngô Văn Phú) và Mùa rau khúc (Song Hà), Rươi (Vũ Bằng), Rươi phương Bắc (Mai Khôi), Giò chả Ước Lễ (Mai Thục), Giò chả Ước Lễ (Nguyễn Vinh Phúc) chỉ nên chọn 1 bài.

Phở chỉ cần của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài là đủ.

Phần  thơ Tản Đà và Đinh Hùng chuyển vào mục 3 này, nên bố cục sắp xếp theo trình tự: Tản Đà, Đinh Hùng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài, Băng Sơn, Mai Thục, Nguyễn Vinh Phúc, Lý Khắc Cung (nên xem lại rút những bài trùng đề tài).

Rồi đến các tác giả một bài: Ngọc Giao trở đi...

Một số truyện ngắn chỉ mượn ẩm thực là cớ để nói chuyện khác có nên đưa vào không? Như: Rượu cúc (Nguyễn Thị Thu Huệ); Bưởi, hương mùa thu (Nguyễn Lợi), bưởi Đoan chứ không phải Diễn; Cúc (Thế Mạc); đoạn “Câu chuyện bên cốc bia” (Hữu Ngọc).

Thịt chó nên tuyển bài của Nguyễn Hà là bài viết sắc sảo về món này. Riêng bài “Ẩm thực Hà thành sợ cũng phải ăn” còn băn khoăn. Phê bình trực diện hơi gay gắt, lấy cả ý kiến khách nước ngoài. Sự thật có những nơi chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng đâu phải tất cả. Viết thế này có “chém một nhát chết tươi không”? Có ảnh hưởng đến ngành du lịch nước ta đang quảng bá không? Nên cân nhắc nếu Hội đồng nghiệm thu đồng ý thì cũng cần biên tập cho mềm mỏng hơn và cắt bỏ đoạn sau về “Hà Nội ở dễ thở hơn ăn” không ăn nhập gì với ẩm thực.

Về ẩm thực trong lễ hội truyền thống, nếu đã có bài “Thổi cơm thi Thị Cấm” của Nguyễn Vinh Phúc thì nên tuyển thêm: cỗ 7 tầng trong lễ hội làng Kim Liên, hội Chạy lợn ở Phú Xuyên...

Phô lôc theo ®Ò c­¬ng ch­a thÊy cã, nªn bæ sung.

Nói chung, các soạn giả đã rất cố gắng nhưng có thể chưa đọc được nhiều, các cộng tác viên cũng xoay quanh các sách đã có trong tay, chưa tận dụng thư mục số của các thư viện mà tìm bài.

Nên sửa chữa lại, bổ sung, lược bớt bài trùng đề tài mà không có phát hiện mới, những bài chỉ ghé vào ẩm thực để nói vấn đề khác. Tuyển tập nên thu gọn lại với tầm 700 trang là vừa gọn, vừa tinh, không bị ép ăn một món nhiều lần với gia vị khác nhau dẫn đến nhàm chán. Thêm phụ lục là cần thiết.

Được như vậy Tuyển tập tác phẩm về văn hoá ẩm thực Thăng Long - Hà Nội sẽ là một tác phẩm tốt, xứng đáng trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.




Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá