Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Di sản văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Thứ hai, 16/08/2010 08:32
Cuốn sách do PGS. Phan Văn Các - PGS.TS. Trần Ngọc Vương (Đồng chủ biên) thuộc mảng sách: Văn học – Nghệ thuật

Tóm tắt nội dung:

Giới thiệu những tác phẩm văn chương hiện tồn tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội trong một mức độ nhất định còn giới thiệu - di tích lịch sử văn hoá lâu đời, biểu tượng văn hoá của Thủ đô, của cả nước tới bạn đọc trong và ngoài nước nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đồng thời có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với bạn đọc trẻ.

Làm rõ các giá trị văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong nền văn học trung đại Việt Nam: giá trị thẩm mỹ, giá trị ngôn ngữ, giá trị văn hoá, giá trị tư tưởng, tính dân tộc của văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Sưu tầm dịch chú: Đại tự, Hoành phi, Câu đối tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tuyển dịch văn bia, Tuyển dịch văn sách, Tuyển dịch thơ văn của các hoàng đế, các văn quan viết về Văn Miếu và giáo hoá, Tuyển dịch thơ văn của các vị Tế tửu và Tư nghiệp.

Bình luận sách

* PGS. Trần Nghĩa - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tập bản thảo đã phản ánh tinh thần tiếp thu nghiêm túc và thận trọng của nhóm biên soạn đối với các ý kiến mà Hội đồng thẩm định đề cương chi tiết đã góp trong buổi họp tổ chức tại NXB Hà Nội vào chiều 16/10/2008.

Sau gần 18 tháng thực hiện, một khoảng thời gian không phải là nhiều, công trình biên soạn đã đạt được những ưu điểm nổi bật như:

1. Bố cục chặt chẽ; giữa phần Tổng luận và phần Văn thơ tuyển dịch có quan hệ khăng khít với nhau, bên tung bên hứng...

2. Bài Tổng luận có tầm bao quát rộng và nêu lên được những “vấn đề” để thảo luận, đối thoại, tạo hứng thú cho người đọc.

3. Phần văn thơ trích dịch nói chung bao gồm được những tác phẩm tiêu biểu và được giải mã một cách bài bản, mang chất lượng khoa học cao.

Tuy nhiên, để công trình có thêm sức nặng cho “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, ta có thể gia công thêm chút nữa, chủ yếu là ở một số điểm sau đây, theo tôi nghĩ:

1. Phần Văn thơ tuyển dịch cần được trình bày theo một quy cách nhất quán hơn, kể cả các nguồn tư liệu trích tuyển, cách đánh số các chú thích, chỗ nào chữ cần in nghiêng, chỗ nào cần in thường... Tình hình hiện thấy trong tập bản thảo là còn khá lộn xộn, đang đợi một bàn tay thống nhất chỉnh lý lại.

2. Cũng ở phần văn thơ tuyển dịch này, số lượng tác phẩm của các “học quan” chiếm tỉ lệ lớn quá so với 2 phần còn lại (di văn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và văn thơ viết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám), nội dung do vậy rất dàn trải, phần nào đã làm loãng mục tiêu chính của cuốn sách là nêu bật “giá trị văn chương” của “Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. Vậy có thể điều hoà được chút nào không về dung lượng của phần này với phần kia?

3. Phần Tổng luận nói chung là viết hay, nhưng cũng có một vài chỗ, theo tôi, cần xem lại, như:

a. Tên gọi nơi thờ Khổng Tử tại Thăng Long vào thời Lý chưa thể là “Văn Miếu” được. Có khả năng hồi ấy, nó được gọi là “Khổng Tử Miếu” (như cách gọi truyền thống của người Trung Quốc kể từ  Lỗ Ai Công) hay “Văn Tuyên Vương Miếu” (như cách gọi của người Trung Quốc kể từ năm 739 đời Đường Huyền Tông). Danh xưng “Văn Miếu” ở Trung Quốc, như ta biết, chính thức được sử dụng từ niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424) đời Minh; ở Việt Nam cách gọi này chỉ có thể được du nhập dưới thời Minh thuộc (1412-1427), hoặc muộn hơn, vào đầu triều Lê.

 b. Ở Việt Nam, Nho giáo chưa bao giờ được “độc tôn”, ngay cả dưới triều Lê Thánh Tông là buổi hoàng kim của đạo Khổng. Vào thời này, Nho học chỉ giữ ngôi chính thống trong hệ tư tưởng thống trị mà thôi (“chính thống” khác với “độc tôn”).

c. Nho học Việt Nam từ Lê sơ trở đi, chưa bao giờ cắt đứt quan hệ với Phật và Lão. Trên thực tế, nó tiếp tục phát triển theo hướng “tám giáo hỗn dung”...

Kết luận: Nhìn chung, đây là một tập bản thảo tốt, được biên soạn công phu, có thể sửa sang thêm chút ít sau buổi nghiệm thu này để sớm đưa in.

 



Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá