Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hà Nội - Tiểu sử một đô thị (Hanoi - Biography of a city)
Thứ hai, 16/08/2010 08:32
Cuốn sách của William S. Logan - Người dịch: PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thuộc thể loại sách: Lịch sử

Tóm tắt nội dung:

Cuốn sách “ Hanoi - Biography of a city” của tác giả William Logan được xuất bản năm 2000, bản quyền thuộc Nhà xuất bản University of New South Wales Press, Australia. Khi tổ chức biên soạn, tuyển chọn các đề tài cho Tủ sách nhân dịp Thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, NXB Hà Nội nhận thấy cuốn sách có nội dung tốt, được dư luận độc giả đánh giá cao và hoàn toàn xứng đáng được tuyển chọn vào cơ cấu Tủ sách nên mong muốn nhân dịp này được xuất bản cuốn sách bằng tiếng Việt. Được sự đồng ý của NXB University of New South Wales Press, NXB Hà Nội đã triển khai dịch cuốn sách trên, với người chịu trách nhiệm về dịch thuật là PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ.

Cuốn sách đã phác họa tiểu sử một đô thị khá chi tiết và trải đều suốt một thiên niên kỷ. Với tư cách là một chuyên gia khoa học có thẩm quyền đồng thời là một người bạn tốt của Việt Nam, một người “thiết tha muốn hiểu và yêu Hà Nội”, tác giả đã cung cấp cho chúng ta những thông tin bổ ích, thú vị, đôi khi mới lạ độc đáo, về một đô thị ngàn năm tuổi, đặc biệt về mặt quy hoạch, kiến trúc và các di tích lịch sử - văn hóa.

Trên cơ sở tư liệu phong phú thu thập từ nhiều nguồn và có chọn lọc, tác giả đã phục dựng lại một cách thuyết phục đô thị Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, một thành phố với đầy những cảnh quan và huyền thoại quyến rũ bên cạnh đó là những điều vẫn cần tiếp tục phải suy ngẫm.

Bình luận sách

* PGS.TS. Trịnh Vương Hồng - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự

Là người có hiểu biết rộng và tay nghề cao, William S. Logan đã viết về Hà Nội 1000 năm, đề cập toàn diện mọi nội dung, đúng như tên sách “Tiểu sử một đô thị”, mặc dù tư duy chính của ông dành cho lịch sử kiến trúc. Ông dành ra hàng chục năm nghiên cứu tỉ mỉ, cụ thể về Hà Nội, bên cạnh tư liệu, sách trên thế giới cùng thể tài, với cái máy ảnh, cây bút, đến hầu khắp những nơi cần đến (không chỉ tập trung ở các lưu trữ, thư viện) ở Hà Nội, tận mắt tiếp cận tư liệu và di sản kiến trúc... để viết về một Hà Nội với 1000 năm, gồm cả biến động, phát triển và thụt lùi, trên nhiều phương diện, xoay quanh trục kiến trúc.

Cuốn sách là một đề tài mới, đề cập khoảng thời gian dài, nội dung rộng và cách trình bày sinh động, hẳn sẽ giúp ích nhiều không chỉ giới kiến trúc (qua những bài học về bộ mắt kiến trúc Hà Nội trong quá khứ mà nghĩ về quy hoạch trong hiện tại và tương lai) và có lẽ cho nhiều giới khi “nhìn lại” tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Sách được thể hiện một cách khoa học, riêng về tư liệu cũng là một đóng góp rất quý.

Tuy nhiên, vì là người nước ngoài nghiên cứu về Hà Nội, nên Logan có cái nhìn ở nhiều chỗ khác chúng ta, thậm chí là rất “kỵ” theo quan niệm của chúng ta. Ngoài ra, cũng có những sai sót về sự kiện, hiện tượng lịch sử. Đó là điều không lạ, nhưng nếu in, xuất bản, cần có cách xử lý. Thêm vào đó, có lẽ tác giả khách quan và tỏ ra khách quan nên không ngại dùng một số tư liệu (trích dẫn) và phân tích một số nội dung, nêu ra một số hiện tượng nhạy cảm, dễ gây phản cảm, khó được nhất trí, kể cả trong bộ phận lãnh đạo và quần chúng. Thí dụ:

- Tr.283: “Sau khi quân Mỹ và Đồng minh rút đi vào đầu năm 1973, cuộc nội chiến trong miền Nam vẫn tiếp tục với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

- Tr.309, “... những kiến trúc sư và những nhà quy hoạch Việt Nam không bất bình về sự có mặt của chuyên gia Liên Xô. Đó là ảnh hưởng “rất lặng lẽ”, hơn là công khai mang tính chất chủ nghĩa thực dân mới”.                             

- Tr.341, tên chương “Đổi mới và sự trở lại của chủ nghĩa tư bản - Hà Nội những năm 1990”.

- Tr.347, “thay đổi ý thức hệ, thay đổi di sản. Bước chuyển tiếp về ý thức hệ Nhà nước, sự cắt đứt những mối quan hệ với nước Nga (Liên Xô cũ), những mối liên hệ gia tăng với phương Tây, với sự mờ nhạt dần của những ký ức và nhiệt tình cách mạng đã phối hợp với nhau để tạo nên một sự thay đổi lớn chưa từng có trong các quan niệm di sản đô thị ở Hà Nội”...

Tóm lại, nên làm việc với tác giả để có thể in dưới hình thức “lược dịch”, bỏ những đoạn “nhạy cảm”, còn nếu in nguyên văn, cần nói rõ hơn trong “Lời Nhà xuất bản”. Cụ thể là ở khổ 2, tr.6, cần nói rõ có những nội dung, quan điểm học thuật của tác giả khác ta (vấn đề nội chiến); có những hiện tượng (đơn lẻ) mà tác giả đã coi là hiện thực (vấn đề được gọi là thay đổi ý thức hệ)... Nên viết tinh tế, không tranh luận và làm tác giả phiền lòng, nhưng cũng biểu thị được thái độ của Nhà xuất bản, khi in rộng rãi cuốn sách này ở Việt Nam.

Xin Giám đốc NXB và các đồng chí suy nghĩ thêm. Xin cảm ơn.

 




Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá