Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Thăng Long - Đàng Ngoài thế kỷ XVII
Thứ hai, 16/08/2010 08:34
Cuốn sách do TS. Hoàng Anh Tuấn (Chủ trì tuyển dịch) thuộc mảng sách: Tư liệu tổng hợp

Tóm tắt nội dung:

Khối tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh (EIC) liên quan đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài đã bước đầu được khảo cứu từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Mặc dù vậy, trong hơn một thập kỷ tiếp theo, khát vọng khai thác một cách tương đối hệ thống nguồn tư liệu VOC và EIC của nhiều thế hệ sử học Việt Nam vẫn cơ bản bị bỏ ngỏ. Nguyên nhân chủ yếu là những khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ nhằm hợp tác khai thác các nguồn sử liệu lưu trữ quý giá trên.

Phải đến những năm đầu thế kỷ XXI mới xuất hiện một số cơ hội rõ rệt cho triển vọng khai thác các kho tư liệu lưu trữ của hai Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Từ những tiền đề đó, mùa hè năm 2008, Nhà Xuất bản Hà Nội đã tổ chức chương trình điều tra và thu thập các nguồn tư liệu lưu trữ phương Tây liên quan đến kinh đô Kẻ Chợ và vương quốc Đàng Ngoài. Đây chính là cơ sở để hình thành cuốn sách này nhằm giới thiệu các nguồn tư liệu lưu trữ của hai Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài. Qua thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 11.000 trang tư liệu viết tay của hai Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh liên quan đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài.

Các tư liệu Công ty Đông Ấn này giúp ta hiểu biết thêm nhiều về tình hình kinh tế, xã hội, ngoại thương, về tầng lớp vua chúa, quan lại ở Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này qua cách ứng xử, giao dịch với người ngoại quốc, bổ khuyết cho các bộ chính sử Việt Nam.

Ngoài hai chương tư liệu chính (chương 2 và 3), trong phần mở đầu, chương I và phần phụ lục, người biên soạn cũng đã cung cấp thêm một số chuyên đề phân tích sâu về các nguồn tư liệu, một số mặt hoạt động của các công ty Đông Ấn, những bảng thông tin hướng dẫn bổ trợ giúp cho người đọc dễ theo dõi cuốn sách.

Bố cục của cuốn sách như sau:

Lời giới thiệu                                

Mở đầu

Phần thứ nhất: Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII

Phần thứ hai: Tư liệu của công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài 

Phần thứ 3: Tư liệu của công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài

Phụ lục

Tài liệu tham khảo

Bình luận sách

* PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Khoa Lịch sử, Đại học KHXH & NV

Cho phép tôi được kết luận trước khi bắt đầu. Ý kiến của tôi: đây là một cuốn sách tư liệu quý, rất xứng đáng được in trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi tin rằng đông đảo những người đọc, các học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, các giáo viên và giảng viên, các nhà nghiên cứu, doanh nhân, nhà quản lý và nhà chính trị sẽ hoan nghênh cuốn sách. Qua đó, chắc chắn họ sẽ biết thêm, hiểu và học được nhiều điều bổ ích về kiến thức cũng như nhận thức.

          Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, người chủ trì sưu tầm, giới thiệu và tuyển dịch những tư liệu cổ này với sự hỗ trợ của nhóm cộng tác, đã tự khẳng định được mình như một chuyên gia có thẩm quyền về VOC và EIC, về lịch sử các quan hệ giao thương Đàng Ngoài - Hà  Lan, Đàng Ngoài  - Anh trong thế kỷ XVII, trong đó điểm nhấn là Thăng Long - Kẻ Chợ.

          Cái quý nhất ở tác giả là lòng nhiệt thành say mê lao động nghiên cứu một cách vô điều kiện, đức tính không thể thiếu được của một nhà khoa học đích thực. Có thể có ai đó cho rằng tiến sĩ Tuấn là một “con mọt sách”. Đúng, nhưng tôi quý trọng và đánh giá cao loại mọt này gấp trăm lần những loại sâu mọt khác đang ngày đêm đục ruỗng tiền của của nhân dân và tài nguyên của đất nước ta.

          Bản thảo cuốn sách, phát triển lên từ một bộ sưu tập thư mục đề yếu, là một chuyên khảo giá trị về các công ty VOC và EIC ở Đàng Ngoài và Thăng Long – Kẻ Chợ, nó tiếp nối dòng mạch của các tác giả lưu trữ học đi trước như Ch. Maybon, Đặng Phương Nghi, Farrington... Các tư liệu Công ty Đông Ấn này không phác họa cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ XVII, nhưng nó đã giúp ta hiểu biết thêm nhiều về tình hình kinh tế, xã hội, ngoại thương, về tầng lớp vua chúa, quan lại ở Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này qua cách ứng xử, giao dịch với người ngoại quốc. Tư liệu cũng hé lộ một số những câu chuyện thâm cung bí sử, nội tình chính quyền Thăng Long, bổ khuyết cho các bộ chính sử Việt Nam.

          Ngoài hai chương tư liệu chính (chương 2 và 3), trong phần mở đầu, chương I và phần phụ lục, người biên soạn cũng đã cung cấp thêm một số chuyên đề phân tích sâu về các nguồn tư liệu, một số mặt hoạt động của các công ty Đông Ấn, những bảng thông tin hướng dẫn bổ trợ giúp cho người đọc dễ theo dõi cuốn sách. Đó là những đóng góp học thuật tốt và bổ ích.

          Tuy nhiên, một điều phản cảm dễ nhận thấy hiện ngay ra trong đề tài cuốn sách. Tại sao một cuốn sách chuyên sâu về hai công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh mà đề tài lại không hề có chỉ dẫn gì về hai công ty này? Tư liệu Anh Hà Lan quá chung chung. Lại còn lỗi kỹ thuật nữa (thiếu chữ và). Anh Hà Lan ở đây là anh nào?

          Vẫn biết rằng đưa tên hai Công ty vào, đề tài cuốn sách sẽ dài hơn, có thể sẽ kém “bắt mắt” hơn. Cũng biết rằng cụm từ Thăng Long - Kẻ Chợ cần phải được hiện lên nổi bật, do lý do tồn tại của cuốn sách, và do yêu cầu của Tủ sách Dự án. Nhưng tước đi vị thế của hai Công ty - ít nhất cũng là đáng bình đẳng với cụm từ Thăng Long - Kẻ Chợ, thậm chí bỏ qua tên gọi của nó trong nhan đề sách, theo ý tôi, dù với bất cứ lý do gì, là điều không thể chấp nhận được.

          Nếu cứ theo nhan đề “Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII qua tư liệu Anh (và) Hà Lan” như hiện nay, người đọc có quyền chờ đợi một nội dung khác. Đó phải là một bản phác họa tương đối toàn diện của Thăng Long – Kẻ Chợ qua việc khai thác nhiều nguồn tư liệu khác nhau của người Anh và người Hà Lan. Nhưng nội dung bản thảo cuốn sách không được trình bày theo hướng đó. Và những chê trách khắt khe khi đó sẽ có thể cho rằng đúng là chuyện “treo đầu dê bán thịt chó”. Chí ít, với tư cách người phản biện, tôi cho rằng nếu cứ giữ nguyên nhan đề như vậy, thì bản thảo là lạc đề không đạt yêu cầu và cần phải viết lại.

          Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn thông cảm với những điều tế nhị khi cần phải làm nổi bật lên cụm từ “Thăng Long - Hà Nội” hoặc “Thăng Long - Kẻ Chợ” trong những cuốn sách của Tủ sách Dự án. Ở đây, vẫn có thể tìm ra được những giải pháp thỏa hiệp. Thí dụ những nhan đề được đề nghị như sau:

“Tư liệu các Công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan ở

THĂNG LONG KẺ CHỢ THẾ KỶ XVII”

hoặc:

“TƯ LIỆU THĂNG LONG - KẺ CHỢ THẾ KỶ XVII:

các công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan”

          Như vậy, các công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan cũng vẫn sẽ có mặt, nhưng với một cỡ chữ nhỏ hơn, giữ một vị trí khiêm nhường, ẩn náu hơn.

          Trở lại nội dung chính của bản thảo:

Chương 2: “Tư liệu VOC về Đàng Ngoài” nên chăng sửa lại : Tư liệu VOC ở Đàng Ngoài - Kẻ Chợ, để thể hiện được trình tự thời gian?

          Nội dung, chất lượng tư liệu tốt. Người đọc sẽ có thể tìm kiếm được, trong đống lộn xộn những con số, tên người, tên đất, tên tàu buôn, nhiều thông tin chi tiết quý giá về quá trình xác lập và hoạt động của thương điếm, tính chất buôn bán khá lạ kỳ giữa nhà nước phong kiến Lê Trịnh ở Thăng Long với VOC, những mánh khóe và tệ tham nhũng của đám quan chức hải quan kafados (hoạn quan, cai bạ tàu), thói xa xỉ hiếu kỳ chuộng lạ của vua chúa, quý tộc, qua việc đòi và nhận những món quà hiếm quý, những vụ bê bối trong nội tình phủ chúa cũng như trong nội bộ công ty. Ở một tầng xa hơn là cuộc sống của quần chúng bình dân, thân phận của những thợ thủ công, tình cảnh bần cùng qua những nạn đói... Hoặc như những chi tiết về ý đồ và hoạt động cũng như kết cục bi hài của “tập đoàn mafia xuyên quốc gia” nhà chúa Onjatule Hoàng Nhân Dũng – Resimon” nổi tiếng đã là những sự kiện lịch sử lý thú và có ý nghĩa đáng để chúng ta ngày nay suy ngẫm.

          Chương này và cuốn “Silk for Silver” của Hoàng Anh Tuấn ( Leiden, 2007) cùng với chuyên khảo nổi tiếng “La cirupagime des Indes Néerlandaises et l’Indochine của J.M Buch trước đó (BEFEO 1936 – 1937) sẽ bổ sung cho nhau rất nhiều để tạo nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về VOC ở Đàng Ngoài.

          Tuy nhiên, cách thức trình bày tư liệu trong chương này xem ra có điều chưa ổn. Nó bộc lộ mấy điểm yếu sau:

          Những đề mục lưu trữ nguyên bản viết bằng tiếng Hà Lan thế kỷ XVII mà không dịch, có phần rườm rà và khó hiểu.

          Người đọc muốn nếu không dịch toàn bộ đề mục, thì chí ít cũng nên tóm tắt lại trong độ nửa trang, ý nghĩa chính của nội dung các đề mục tư liệu đó cho mỗi năm.

          Những nội dung trình bày trong chương còn lẫn lộn. Người đọc không phân biệt được đâu là đoạn giới thiệu, đâu là đoạn tóm lược sự kiện và tư liệu, đâu là đoạn trích dịch nguyên bản, xuất xứ từ tài liệu nào.

          Người đọc mong có được sự phân biệt rõ ràng, kèm theo nguồn xuất xứ.

          Một số góp ý chi tiết về nội dung cụ thể đã được ghi trực tiếp vào bản thảo.

          Chương 3: “Thư mục đề yếu tư liệu Công ty Đông Ấn Anh” (Ở Đàng Ngoài - Kẻ Chợ?) có tiêu đề khiêm tốn hơn, nhưng người phản biện lại đánh giá cao hơn và thích thú hơn.

          Cách thức chọn dịch gần như toàn bộ các cuốn sổ nhật ký của giám đốc trưởng điếm theo trình tự thời gian ngày, tháng, năm, chỗ nào rườm quá thì lược đi thay bằng một ghi chú trong dấu móc đứng [chi tiết], bước đầu có ghi mã nguồn, tỏ ra là thích hợp theo phong cách nghiên cứu khoa học.

          Tôi cho rằng nội dung tư liệu của chương này, kết hợp với chuyên khảo “Une factoreric cuylaise au Tonkin au XVII sìede” của Ch. B. May bon (BEFEO 1910), có thể tạo nên một cơ sở dữ liệu khá đầy đủ cho việc nghiên cứu về EIC ở Đàng Ngoài - Kẻ Chợ trong thế kỷ XVII.

          Đúng thật là đáng tiếc khi chúng ta thiếu mất (ngay từ nguồn) những tư liệu EIC trong những năm 1683 - 1693, nhất là đó lại là thời kỳ phát triển ban đầu của công ty ở Kẻ Chợ. Ch. Maybon, cũng lấy làm tiếc về sự khiếm khuyết đó, tuy nhiên nói rằng có thể dựa trên một số nguồn tư liệu khác (thí dụ hồ sơ lưu trữ Java 7) để có thể bổ sung. Thí dụ một vài chi tiết:

          - Đám cháy lớn ở Kinh thành năm 1685 đe dọa đến thương điếm EIC.

          - Việc xây dựng hầm ngầm chứa hàng hóa chống hỏa hoạn của thương điếm năm 1687, cũng như việc dựng thêm những cửa hàng thương điếm năm 1688.

          - Việc chúa Trịnh chỉ nhận 7 trong số 20 khẩu đại bác của EIC gửi đến năm 1688.

Cũng có thể bổ sung thêm những chi tiết đối sánh trong cuốn du ký của W. Dampier ghi năm 1688 và trong tư liệu VOC.

           Nhìn chung, chương này viết khá chắc. Tuy nhiên, cũng cần chỉnh sửa một số lỗi kỹ thuật nhất là tên của viên giám đốc trưởng điếm cuối cùng, chính xác là Richard Watts, không thể lầm lẫn được. Nhưng trong bản thảo trong gần 100 chỗ, ngang nhiên tồn tại 5 tên gọi khác nhau của viên giám đốc này, trong đó có đến 4 tên gọi là sai, không chính xác. Một trường hợp khác đó là tên con tàu Mary Bowyear, còn nhiều chỗ ghi chưa chính xác.

          Phần phụ lục là những tham khảo tốt, bổ ích. Một vài chi tiết thuật ngữ nên giải thích rõ hơn. Có điều cần nói là có đến 20 trang ghi các đề mục tư liệu bằng nguyên bản tiếng Hà Lan cổ (mà tôi tin chắc rằng đối với lại văn tự này, đại đa số chúng ta đều là những kẻ khiếm thị) đã làm cho người đọc phải căng nhức mắt đến hãi hùng. Liệu tác giả có nhã ý tặng cho người đọc một vài dòng tóm tắt - ngắn thôi cũng được về nội dung chính của các đề mục đó không?

          Tôi cho rằng việc chỉnh sửa cuốn sách, về một số chi tiết trong nội dung cũng như một số ít lỗi kỹ thuật là điều khá dễ dàng, đơn giản và nhanh chóng. Ngoại trừ việc chọn lựa tên gọi chuẩn xác và thích hợp cho cuốn sách, có lẽ cần phải qua những trao đổi, thảo luận.

Hy vọng cuốn sách tư liệu có giá trị này, sẽ được sớm ra mắt, với sự hân hoan đón chờ của các độc giả.

 




Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá