Tóm tắt nội dung:
-
Câu đối (Đối liên, doanh
liên…): là một sản phẩm ngữ văn đặc biệt, một “thể loại văn học đặc biệt”, “một
loại thơ ngắn”… Nó hội tụ đầy đủ đặc trưng giá trị về nội dung, hình thức của
một tác phẩm văn học. Với hai vế đối liên nhau, câu đối đã ra đời sớm trong
lịch sử văn học Trung Quốc và Việt
Nam thời Trung đại. Câu đối được
sáng tác bằng văn tự Hán và Nôm, rồi sau này người Việt còn sáng tác câu đối
bằng chữ Quốc ngữ (trên thực tế âm của chữ Quốc ngữ là âm Nôm). Khả năng phản
ánh về diễn đạt cuộc sống của câu đối cũng rất rộng và đa dạng.
Ngay
từ khi xuất hiện, câu đối đã gắn bó với nghệ thuật thư pháp, điêu khắc và sơn
thếp để trở thành một sản phẩm “văn học - nghệ thuật” đặc sắc, phát huy hiệu
quả trong đời sống và đặc biệt là trong trang trí của
các công trình kiến trúc như: Nhà cửa, đình chùa, đền miếu, cung điện… những
sinh hoạt văn hoá và đời sống hội hè, hiếu, hỉ…
- Hà Nội là
trung tâm chính trị, văn hoá, học tập và khoa cử,
nơi hội tụ nhân tài bốn phương. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, đã để lại trên
đất Kinh kỳ nhiều di tích văn hoá, lịch sử; gắn với các di tích là hệ thống câu
đối - hoành phi có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.
- Sách
chuyên khảo Câu đối và Hoành phi Thăng
Long - Hà Nội, tinh tuyển hệ thống câu đối tại các
di tích hoặc đã từng có tại các di tích văn hoá, lịch sử Thăng Long - Hà Nội là
chủ yếu và ở chừng mực trong các sử sách về Hà Nội. Trong số sáng tác đó, có một phần đáng kể là do các tác giả Hán Nôm, các
nhà Khoa bảng thứ bậc cao sáng tác, nó tiêu biểu cho chuẩn mực của văn học biền
ngẫu.
-
Qua sách chuyên khảo và tinh tuyển câu đối - hoành phi này, nhóm
biên soạn ngoài việc chuyển tải tới độc giả giá trị nội dung chuẩn xác, thưởng
thức cái hay cái đẹp của văn từ, còn thưởng thức vẻ đẹp của văn tự Hán Nôm qua
thư pháp và nghệ thuật điêu khắc sơn thếp.
Bình luận sách:
* PGS.TS. Chương Thâu -
Viện Sử học
1. Là một công
trình sưu tầm biên soạn dày dặn; khá đồ sộ chứng tỏ nhiệt tình tâm huyết, công
sức trí tuệ của các soạn giả bỏ ra không ít. Lại được hoàn thành trong một thời
gian tương đối hạn hẹp thì thật là đáng hoan nghênh, đáng trân trọng biết bao!
- Nội dung hàm
chứa trong công trình này thật phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều lĩnh vực lịch
sử, văn hoá, văn học rất bổ ích đối với giới nghiên cứu Khoa học xã hội nhân
văn và đối với đông đảo bạn đọc. Thật là có ý nghĩa thực tiễn góp phần tích cực
trong dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội của năm 2010 lịch sử này. Nó
góp phần làm phong phú thêm giá trị của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
- Phần Mở đầu
nhằm giới thiệu khái quát mục đích, yêu cầu, giá trị khoa học và ý nghĩa thực
tiễn của công trình, tác giả đã dành khá nhiều trang (gần 90 trang) để trình
bày về lý luận, phương pháp phân tích, nghiên cứu khá tỉ mỉ, chi tiết về môn
“hoành phi - câu đối” học như là một “giáo trình cao cấp” của môn “khoa học câu
đối” này đã cung cấp cho người đọc những kiến thức thật bổ ích, giúp mọi người
hiểu sâu, hiểu kỹ giá trị của thể loại văn học (câu đối) này. Thiện chí của tác
giả đã rõ và trình độ uyên bác của tác giả về bộ môn “câu đối học” này là hết
sức thuyết phục, đáng tin cậy. Tuy vậy viết về các luận thuyết và phân tích quá
tỉ mỉ như tác giả đã thể hiện có quá liều lượng cho một luận văn nghiên cứu,
giới thiệu khái quát hay không? Theo ý tôi, tác giả có thể viết gọn hơn, thoáng
hơn... hợp với trình độ độc giả phổ thông hơn. Và tác giả nên dành cho phần
giới thiệu khái quát nội dung “Câu đối Hà Nội” nhiều hơn, kỹ hơn (con số 10
trang hiện nay), đưa ra nhiều dẫn chứng hơn của câu đối Hà Nội để sát hợp hơn
với mục đích yêu cầu của tập sách. Tác giả nên chỉnh sửa lại tỷ lệ trang viết
giữa 3 phần nội dung của Phần Mở đầu này cân đối hơn. Ở mục 3 (tức phần 3) gồm
3.1 và 3.2 và 3.2.1, 3.2.2 là hơi ít, có nên thêm một vài mục như 3.2.3,
3.2.4... để nói thêm về giá trị thực tiễn của câu đối trong việc góp phần giáo
dục phát huy truyền thống từ ý nghĩa của các câu đối ở các di tích lịch sử đền,
chùa, miếu mạo và di tích nhà thờ họ, các danh nhân nữa không?...
2. Nội dung
chính: Với hơn 1000 câu đối được tuyển chọn sắp xếp theo các di tích dù mới ở
9/10 quận và 1/19 huyện thị của Hà Nội, thì cũng đã là một số câu đối khá lớn
và nội dung bao quát nhiều tư tưởng, nhiều ý nghĩa lịch sử về nhiều mặt ẩn chứa
trong đó, giúp ta hiểu thêm nhiều lĩnh vực như tôn giáo, tín ngưỡng, như sự
phát triển tư tưởng, hành trạng của danh nhân - nhân vật lịch sử (là tác giả
các câu đối). Câu đối là một nguồn tư liệu quý báu bổ sung cho chính sử, nó
cũng có giá trị bổ sung cho chính sử như gia phả, tộc phả, thần phả... mà ở đây
là câu đối của địa bàn Thăng Long - Hà Nội cũng sẽ góp phần soi sáng cho lịch
sử “nghìn năm Thăng Long - Hà Nội” vậy.
Tuy khối lượng
hơn 1000 câu đối chiếm cả 1000 trang sách, xem ra đã quá bề bộn, nhưng tôi vẫn
thấy tiếc vì còn lại ở các di tích của mấy chục quận, huyện, thị còn lại của
Thăng Long - Hà Nội chưa được sưu tầm và công bố ra như ở tập sách này là một
khuyết hám cần sớm được bổ sung trong các tập sách Câu đối Thăng Long - Hà
Nội như dự kiến của đề tài “Hoành phi - câu đối ở Thăng Long - Hà Nội”
trước đây đã đặt ra.
Một vài góp ý cho
phần tuyển chọn và trình bày sắp xếp câu đối ở các quận, huyện, thị ở tập sách
này là:
- Vấn đề tiêu
chí tuyển chọn câu đối có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật: giá trị cao
thấp (hay hoặc dở) của câu đối phụ thuộc nhiều nhất vào ý nghĩa và tư tưởng về
nghệ thuật của nó (mà ngày nay đối với độc giả hiện đại là phải được dịch ra
tiếng Việt thật đúng... và cũng có nhiều cách hiểu những từ, những khái niệm
thuật ngữ, chữ Hán cổ dùng trong mỗi câu đối). Tôi cho rằng phần dịch nghĩa ở
trong khá nhiều câu đối được tuyển chọn ở đây chưa thật tốt, có nhiều câu còn
bỏ sót chưa dịch.
- Vấn đề vị trí
toạ lạc của di tích (có được trích chọn câu đối) phần lớn các di tích đền chùa
miếu điện trong đây chưa được tiểu dẫn ghi chú đầy đủ để giúp người đọc hiểu
tốt hơn về lịch sử, về truyền thống của di tích, về giá trị của câu đối phản ánh
nó.
- Điều đặc biệt
thiếu sót là ở hầu hết các câu đối đều không có lạc khoản ghi tên tác giả của
câu đối, xem như toàn bộ câu đối tuyển chọn ở đây đều của “tác giả vô danh” như
vậy là không giúp độc giả hiểu đầy đủ ý nghĩa của câu đối được tuyển chọn.
- Về cách trình
bày thể hiện các câu đối cũng có một số khuyết điểm về kỹ thuật (chữ viết
thiếu, phiên âm sai, chú thích dở dang... - tôi đã có bảng ghi chi tiết ở các
trang nào).
3. Ở trước phần
nội dung chính (các câu đối được tuyển chọn) nhất thiết phải có một mục trình
bày rõ lý do: vì sao chỉ tuyển chọn được 9/10 quận, 1/19 huyện thị? Theo tiêu
chuẩn và do điều kiện khách quan, chủ quan nào mà chỉ chọn chừng ấy di tích? Vì
sao lại không xếp các di tích đình chùa (chùa Hương và một số chùa khác) vào
địa bàn một vài huyện của nơi các đình chùa đó toạ lạc? Mục XII nên đề là: Câu
đối ở các nhà thờ của các danh nhân văn hoá ở Thăng Long - Hà Nội thì hợp
lý hơn (và chắc chắn cũng không phải chỉ có 16 nhà thờ này). Vì vậy mà ở mỗi di
tích cần có lời tiểu dẫn, giải thích, giới thuyết cho rõ, để tiện theo dõi, tìm
hiểu được tốt hơn.
Và ở một số
quận, huyện được chọn trích câu đối ở các di tích, theo tôi cũng còn sót một số
di tích và nhà thờ họ đáng được sưu tầm bổ sung một số câu đối hay và có ý
nghĩa, như:
+ Ở quận Đống
Đa còn có di tích chùa Cảm Ứng, đền Thái Thịnh - Thịnh Quang...
+ Ở quận Cầu
Giấy: còn có di tích: chùa Cót (Hạ yên Quyết)...
+ Ở quận Hai Bà
Trưng: còn có di tích chùa Vua...; đình Trại Găng...
+ Ở huyện Từ
Liêm: còn có di tích đền thờ Lý Ông Trọng, đình làng Đông Ngạc (Chèm Vẽ...)...;
nhà thờ họ Phạm, họ Phan, họ Hoàng...
Nhà xuất bản Hà Nội