Tóm
tắt nội dung:
- Tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, trân
trọng danh nhân là một truyền thống lâu đời và thực sự có ý nghĩa trong việc
giáo dục tình yêu nước thương dân, tinh thần chống ngoại xâm, chống thiên tai
và đó cũng chính là nhiệm vụ, nhu cầu, đích đến của công tác sưu tầm, biên
soạn, nghiên cứu tiểu sử danh nhân qua ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
- Hướng tới kỷ niệm
1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên công trình sưu tập cần tuyển chọn được những
danh nhân Lịch sử - Văn hóa tiêu biểu trong trường kỳ lịch sử. Chú ý ưu tiên
tuyển chọn các danh nhân sinh sống hoặc có đóng góp rõ ràng với Thăng Long - Hà
Nội.
Đây thực sự là việc làm hữu ích và in đậm
tính thời sự, cần có sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu và mất nhiều
năm nữa mới có thể thực hiện được tương đối đầy đủ, trọn vẹn vấn đề “Danh nhân Thăng Long - Hà Nội” trong hệ
đề tài Nghiên cứu tiểu sử danh nhân… Trên cơ sở loại đề tài “Danh nhân Thăng
Long - Hà Nội”, sau này có thể thành lập một Trung tâm Tiểu sử danh nhân Việt
Nam (Tập hợp và định hình ngân hàng dữ liệu tiểu sử, phục vụ nghiên cứu, tra
cứu và kỷ niệm, tuyên truyền về danh nhân…).
- Khái niệm "danh nhân Thăng Long - Hà
Nội" bao quát phạm vi rộng lớn, bao gồm những người từng gắn bó, góp công
với Hà Nội, bất kể người đó đã sinh ra hay chỉ có một phần đời hoạt động trên
đất Hà thành. “Danh nhân” ở đây được quan niệm là những người có tên tuổi, có
tiểu sử tương đối rõ ràng và tồn tại như là những con người thực trong cuộc
sống, được lưu truyền trong lịch sử. Tuy nhiên, còn có những nhân thần và nhiên
thần đã được thần thoại hóa, cổ tích và truyền thuyết hóa, có khi nằm ở đường
biên hoặc giao thoa với kiểu danh nhân lịch sử (loại thần núi, thần sông, thần
làng nghề, thần tứ trấn, tổ làng nghề, thành hoàng…). Loại danh nhân này cần
được cân nhắc, phân loại và có cách xếp đặt trong một công trình khác, hoặc đặt
trong một đề mục độc lập với loại danh nhân lịch sử.
- Trên cơ sở hệ
thống tư liệu, công trình biên soạn, sưu tập, phác thảo chân dung danh nhân lưu
ý chọn lựa các nhân vật tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử, sát đúng với tiêu
chí danh nhân lịch sử…
- Công trình Danh nhân Thăng Long - Hà
Nội không chỉ nhằm phục vụ một dịp kỷ niệm mà thực sự có ý nghĩa trong
việc giới thiệu chiều sâu truyền thống văn hoá, cung cấp một cách nhìn khái
quát về lịch sử thủ đô thông qua chính những tấm gương danh nhân vốn là chủ
nhân của Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình
luận sách:
*
PGS.TS. Vũ Thanh - Khoa Văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội
1. Gần một năm, sau khi bản Đề cương đề tài Danh nhân Thăng Long - Hà Nội được thẩm định, góp ý, ngày hôm nay
chúng ta đã có được bản thảo cuốn sách trong tay. Điều đó đã thể hiện cố gắng
về nhiều mặt của tập thể các soạn giả. Theo tôi, về cơ bản, bản thảo cuốn sách
đã đáp ứng được những đòi hỏi và góp ý của Hội đồng thẩm định Đề cương. Tập
sách dày dặn đến gần một ngàn trang này sẽ là một đóng góp quan trọng và có ý
nghĩa trong bộ sách Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới.
Tập sách tập hợp gần 170 gương mặt thuộc
loại tiêu biểu nhất cho tinh hoa Thăng Long - Hà Nội thời trung cận đại. Trong
đó có nhiều gương mặt lần đầu tiên xuất hiện với một diện mạo mới, đem lại sức
hấp dẫn cho cuốn sách, chắc chắn sẽ được bạn đọc tiếp nhận một cách trân trọng.
Sức hấp dẫn của cuốn sách còn ở chỗ:
nhiều tên tuổi trong cuốn sách, nhất là các nhân vật lịch sử bị coi là “có vấn
đề” đã được nhìn nhận bằng con mắt mới. Các tác giả cuốn sách đã cập nhật được
các thành tựu học thuật của giới khoa học xã hội về việc đánh giá các danh nhân
này, đặc biệt với các tên tuổi như Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, Mặc Đăng Doanh,
Trịnh Sâm, Lê Hoan... Có những bài viết thật sự đã đem tới cho bạn đọc những
thông tin mới và nhận thức mới về lịch sử dân tộc và lịch sử Thăng Long - Hà
Nội.
Nguồn tư liệu được các tác giả cuốn sách sử
dụng là phong phú, cơ bản và đáng tin cậy. Công trình tập trung thống kê, hệ
thống hóa và cập nhật các nguồn tài liệu mới, kể cả bổ sung và đính chính sử
liệu, đánh giá các nhân vật, sự kiện theo tinh thần khách quan, khoa học. Công
trình chắc chắn sẽ có những đóng góp mới cho việc nhìn nhận lại lịch sử của Thủ
đô qua trường kỳ lịch sử.
* Một số ý kiến
- Tên của cuốn sách đã được chúng ta
thống nhất từ lần thẩm định Đề cương.
Chúng tôi nhất chí với các soạn giả về tên sách hiện nay, mặc dù đó là một nhan
đề chưa hoàn toàn chính xác vì cuốn sách chỉ viết về các nhân vật trung đại mà
không viết về các nhân vật hiện đại.
- Về kết cấu của công trình: các tác giả
cuốn sách sắp xếp bài viết theo trật tự thời gian chứ không chia thành từng
thời kỳ, giai đoạn như góp ý của Hội đồng thẩm định Đề cương. Với gần 170 nhân
vật, việc sắp xếp như vậy tạo cảm giác hơi rối rắm. Tôi xin bảo lưu ý kiến: vẫn
xếp như vậy nhưng chia theo thế kỷ hoặc giai đoạn sẽ khiến cho bạn đọc dễ hình
dung và tạo cảm giác chặt chẽ về mặt kết cấu cho cuốn sách hơn.
- Mục lục cuốn sách còn khá lộn xộn, rất
khó theo dõi xem thực chất có bao nhiêu tác giả (tôi đếm được 168 tác giả). Một
vài tác giả còn để 2 bài viết mà chưa được chọn lựa. Có tác giả được đánh số
thứ tự, có tác giả lại không, hoặc đánh số nhưng lại không có bản thảo bài
viết...
- Việc đặt tên bài viết:
+ Một số nhan đề ở phần Mục lục khác với nhan đề thật trong
chính văn, như bài viết sau mục 8 (không đánh số thứ tự) có tên là: Khuông Việt - Đại sư khuông phò nước Việt,
ở chính văn lại là Khuông Việt Ngô Chân
Lưu - Đại sư khuông phò nước Việt. Khuông Việt là viết tắt của Khuông phò
nước Việt rồi, vậy thì chỉ cần viết: Ngô
Chân Lưu - Đại sự khuông phò nước Việt là đủ. Ở mục 10 viết là Lý Thái Tổ...
nhưng ở bài viết lại là Thái tổ Lý Công
Uẩn v.v...
+ Sau tên nhân vật là phần phụ đề. Trước
hết cần phải thấy rằng việc đặt phụ đề này là một sáng tạo, khiến cho bài viết
thêm hấp dẫn và đa số các phụ đề đều phù hợp và làm sáng rõ nội dung bài viết
nhưng việc làm này vẫn còn khiếm khuyết.
Thứ nhất, vẫn còn có bài viết chưa được đặt phụ đề như bài số 7. Bố cái đại vương Phùng Hưng (nếu khó
đặt tên cho bài viết này thì chỉ cần đặt tên nhân vật lên trước chúng ta cũng
có được một đề bài có ý nghĩa: Phùng Hưng
- Bố cái đại vương). Thứ hai, có phụ đề bị trùng lặp: ví dụ, mục 21- Từ Đạo Hạnh - Thiền sư, thi nhân lặp với 11. Viên Chiếu - Thiền sư, thi nhân. Cũng vậy, mục 24 - Trần Thái Tông – Nhà thiền học, nhà thơ
cũng là một với 21 và 11 và cũng chưa
có gì để phân biệt với 25 - Trần Tung -
Nhà thiền học yêu nước. Các phụ đề của mục 14. Lý Thái Tông – Nhà quân sự tài giỏi với 15. Lý Thường Kiệt - Nhà quân sự kiệt xuất cũng trong tình trạng
như vậy. Thứ ba, có phụ đề chưa hợp như: Hồ
Quý Ly - Bài học cải cách không được lòng dân. Nên đặt một phụ đề với dụng
ý ca ngợi thì hợp hơn với cuốn sách. Ví như: Hồ Quý Ly - Nhà thơ, nhà cải cách lớn. Đây đều là những nhân vật
nổi tiếng và có những đóng góp khác nhau cho lịch sử, các nhà soạn sách nên có
sự đầu tư để đặt phụ đề cho cụ thể và chính xác hơn.
- Về Lời
nói đầu của cuốn sách. Đây là một bài viết tốt, tuy nhiên lại chưa đáp ứng
đầy đủ yêu cầu cao của một bài mở đầu cuốn sách như ở phần Đề cương trước đây do chính các soạn giả đề ra. Trong đó các soạn
giả cho rằng phải xác định được “các xu thế định hình nhân cách, cá tính,
truyền thống và phẩm chất danh nhân”, “xác định những phẩm chất, tài hoa và cốt
cách Thăng Long qua các nhân vật lịch sử...”. Nếu còn thời gian các soạn giả
cần nâng cao hơn nữa những vấn đề cần đề cập trong Lời nói đầu theo hướng đã được xác định. Đây sẽ là một trong những
bài viết khá quan trọng của toàn bộ “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
- Trong Quy cách biên soạn, mục 3 nên đưa về thành một phần của mục 1 thì
bài viết sẽ chặt chẽ hơn.
- Nhận xét các bài viết về các nhân vật:
+ Có bài được đánh số, có bài không. Cần
phải thống nhất quy cách.
+ Nói chung các bài đều được viết tốt.
Tuy nhiên, một số bài viết về các nhân vật quan trọng còn quá ngắn. Ví như bài
viết về Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải chỉ có hơn 2 trang. Nhiều bài của
tác giả Tạ Ngọc Liễn hơi ngắn, cần gia công thêm. Có lẽ mỗi bài viết phải tối
thiểu 4 trang thì mới khắc họa nổi chân dung của một danh nhân, mới xứng với
mỗi danh nhân.
+ Có 2 bản Trần Khát Chân nên chọn bản của Quỳnh Chi. 2 bản Phùng Khắc Khoan nên chọn bản của Lưu
Minh Trị.
+ Bài viết về Thái Thuận nếu trích thơ thì không nên quên hai bài thơ nổi tiếng
nhất của ông: Muộn giang tức sự và Hoàng giang tức sự.
Nhà xuất bản Hà Nội