Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương (bình luận bản thảo)
Thứ ba, 03/07/2012 10:30
Cuốn sách do PGS.TS. Trịnh Sinh chủ biên thuộc mảng sách lịch sử

Tóm tắt nội dung:

Kỷ niệm Hà Nội tròn 1000 năm trở thành kinh đô. Đúng như Vua Lý Công Uẩn đã nói trong chiếu dời đô, mảnh đất này là đất trung tâm của trời đất, mảnh đất “rồng cuộn hổ ngồi”.

Mảnh đất địa linh nhân kiệt đó không chỉ có lịch sử từ 1000 năm cách đây mà còn có lịch sử xa xưa hơn nữa, ít ra từ cách đây hàng vạn năm với văn hoá thời đồ đá Hoà Bình. Sau đó, cách đây khoảng 4000 năm, Hà Nội bước vào thời đại đồng thau, tiền đề để xã hội tiến đến thời đại Hùng Vương - An Dương Vương của người Việt cổ, trong đó có người Việt cổ Hà Nội.

Mục đích chính của đề tài là nâng cao lòng tự hào về thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử, đồng thời cũng là một tài liệu khoa học cho bất cứ một nhà khoa học trong và ngoài nước nào cần tham khảo để nghiên cứu về Hà Nội ngàn xưa. Đề tài cũng là một tác phẩm phục vụ đông đảo bạn đọc, người Hà Nội và cả nước. Thông qua đề tài có thể phổ biến những kiến thức lịch sử cho nhân dân Hà Nội và những ai quan tâm đến lịch sử Hà Nội.

Đề tài còn như một nén hương dâng lên các vị tiền nhân đã khuất có công xây dựng và mở mang Hà Nội từ xưa đến nay để Hà Nội luôn xứng đáng là một Kinh đô ngàn đời.

Bình luận bản thảo

* PGS.TS. Trịnh Thị Minh Đức - Đại học Văn hóa Hà Nội

Đọc bản thảo cuốn sách của tác giả Trịnh Sinh, cá nhân chúng tôi có một số nhận xét sau đây:

1. Về nội dung cuốn sách: cuốn sách được kết cấu 7 chương trong từng chương đã thể hiện rõ những đóng góp có giá trị:

- Tập hợp và phân tích những tư liệu, công trình của các học giả trong nước và nước ngoài về thời Hùng Vương - An Dương Vương ở nước ta nói chung trong đó có Hà Nội cổ. Đây là một tập hợp công phu, cần thiết thể hiện quan điểm nhìn nhận của học giả đi trước về thời đại này như thế nào (chương 1).

- Thời đại Hùng Vương - An Dương Vương được đánh giá, phân tích từ góc độ nghiên cứi khoa học liên ngành (khảo cổ học, Thư tịch học, Văn hóa dân gian, Tôn giáo học...). Tuy nhiên trọng tâm hơn cả là từ góc độ Khảo cổ học - Nguồn tư liệu từ các di chỉ Khảo cổ đã phát hiện được sẽ là minh chứng có sức thuyết phục cao đối với người đọc (chương 1).

- Giới thiệu khái quát về địa lý, cảnh quan và môi trường Hà Nội. Phần này có dung lượng 20 trang nhưng là những tư liệu rất cần thiết. Căn cứ vào vị trí địa lý, cảnh quan và môi trường của người Hà Nội cổ để giải thích cho lý do tại sao và vào thời điểm nào ở khu vực Hà Nội cổ đã có con người đến sinh sống, khai phá. Những tư liệu về quá trình di cư của các cộng đồng cư dân đến định cư ở vùng Hà Nội cổ là rất đáng quan tâm. Đó chính là cơ sở, nguyên nhân có những thành tựu trong cả 2 lĩnh vực vật chất và tinh thần. Xuất phát từ quan điểm con người là chủ thể sáng tạo (chương 2).

- Vấn đề tiền Hùng Vương và Hùng Vương được minh chứng qua nguồn tư liệu khảo cổ học văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun - đó là sự phát triển kế tiếp trong lịch sử (chương 3).

- Phần viết về các làng cổ, các khu mộ cổ, dấu tích Kinh đô Âu Lạc đã xác định về tổ chức xã hội của cộng đồng người Hà Nội cổ tụ cư theo làng (làng xóm cũng có sự phát triển đột biến về số lượng - cư dân đã đông đúc hơn). Từ một diện tích thu hẹp Hà Nội đã mở rộng gấp đôi (tr.146). Có nhiều làng cổ đào được trống đồng. Các khu mộ thuyền đã xác định thêm địa điểm nơi người Hà Nội cổ sinh sống và xác định một phong tục trong đời sống tinh thần của người Hà Nội cổ. Dấu tích Kinh đô Âu lạc với các di vật, dấu tích có giá trị cho nghiên cứu (chương 3).

- Cuốn sách đã dành một chương viết về di vật thời Hùng Vương - An Dương Vương ở Hà Nội (dung lượng 80 trang). Các di vật này tìm được qua các di chỉ khảo cổ được khai quật ở Hà Nội, giới thiệu các loại hình công cụ: đồ đồng, đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, đồ đan lát, đồ xương sừng, đồ sắt, đồ vải sợi... Những di vật này rất quan trọng vì nó thể hiện quá trình sáng tạo của cư dân Hà Nội cổ, chủ thể văn hóa.

Những di vật cổ còn là những chứng tích vật chất khoa học để minh chứng cho luận điểm cơ bản về sự tồn tại cả thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương ở nước ta nói chung và Hà Nội cổ nói riêng (chương 4).

- Từ những dấu tích, di vật, cổ vật, địa điểm tìm được trong các di tích khảo cổ học, tác giả đã dành 1 chương với dung lượng 50 trang để viết về đời sống vật chất của cư dân Hà Nội trên các mặt như: Nghề nghiệp (nông nghiệp, săn bắn, hái lượm, đánh cá, chăn nuôi, các ngành nghề thủ công, thương nghiệp). Về đời sống văn hóa vật chất bao gồm ăn, ở, mặc. Đây là chương viết rất có giá trị rõ ràng đã xác định được một mặt quan trọng trong đời sống của người Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương.

- Cuốn sách dành 1 chương (51 trang) viết về đời sống tinh thần của người Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương được biểu hiện qua các nội dung như: Tư duy khoa học, tư duy về thế giới, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội, luật lệ, các ngành nghệ thuật. Đây là một chương viết khó vì những biểu hiện của đời sống tinh thần còn nhiều bí ẩn không có thể chắc chắn rằng tư duy suy nghĩ của chúng ta có thể trùng hợp với suy nghĩ của con người trước kia, những sáng tạo còn nhiều ẩn số cần có nhiều thời gian để khẳng định qua nhiều tư liệu. Hiện tại những nhận định của tác giả cuốn sách là những nghiên cứu bước đầu đã có những cơ sở khoa học có tính thuyết phục.

- Tuy còn nhiều vấn đề đặt ra, cuốn sách đã dành 1 chương để giải mã đôi nét về lịch sử Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương: Giải mã thư tịch cổ về nước Âu Lạc, giải mã dòng chữ cổ trên chân trống đồng Cổ Loa. Đặc biệt phần viết về bóng dáng của thời Hùng Vương - An Dương Vương qua truyền thuyết và các di tích.

Phần viết này tuy gắn với các truyền thuyết nhưng có thể nhận thấy rằng Hùng Vương, các bộ tướng, gia đình của vua Hùng đã có vị trí như thế nào trong đời sống văn hóa tâm linh của con người hiện đại, từ đó để thấy được quá trình tập hợp công phu của tác giả kèm theo phần viết chính còn có các ảnh minh họa có giá trị tham khảo, phụ lục phong phú góp cho phần tài liệu chính được minh chứng tốt hơn.

2. Phần bố cục: 7 chương khá hợp lý nhận thấy tác giả đã đi từ khái quát thời đại, nghiên cứu cụ thể vùng đất Hà Nội cổ, tìm hiểu quá trình chuyển dời của con người về định cư tại vùng đất Hà Nội cổ, phạm vi cư trú, cơ cấu cộng đồng làng, các di tích di vật do con người sáng tạo trong quá trình chinh phục và thế ứng xử với thiên nhiên. Từ các giá trị sáng tạo các di tích, di vật để phác thảo rõ hơn đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương. Các chương được tiếp nối có tính logic và khoa học.

Phần góp ý cho bản thảo

* Về cấu trúc đề mục:

- Mục 1 chương I nên đặt là “Tổng quan về lịch sử nghiên cứu...” có thể bỏ cụm từ “đôi nét”.

- Tiểu mục I.1 nên ghi là “Thời đại Hùng Vương - An Dương Vương qua các bộ sử Trung Quốc”.

- Các tiểu mục I.2, I.3 cũng cấu trúc như I.1

- Tiểu mục II.6 nên là “Các vua Hùng - Thủ lĩnh quân sự” không có cụm từ “Luyện kim” có lẽ chủ yếu là các nghệ nhân đúc đồng.

- Thêm từ “cổ” hoặc thời Hùng Vương - An Dương Vương vào mục địa lý, cảnh quan, môi trường Hà Nội “cổ” thời Hùng Vương - An Dương Vương”.

- Thay hai từ “cuộc sống” bằng 2 từ “đời sống” hoặc đời sống văn hóa tinh thần.

- Tiểu mục VI.1 có nên chăng để mục “tâm hồn lạc quan” lồng ghép vào phần lễ hội hoặc nghệ thuật chăng?

* Về nội dung:

- Chú ý thêm phần viết về cư dân, con người ở thời Hùng Vương - An Dương Vương và cần xác định rõ một tổ chức cư trú của người Việt cổ, kinh đô, mộ cổ đó chính là các di chỉ cư trú và mộ táng (2 loại di tích Khảo cổ học).

- Phần viết về di vật thời Hùng Vương - An Dương Vương (không cần viết quá dài), cơ bản ở đây là xác định những giá trị sáng tạo của cư dân thời Hùng Vương - An Dương Vương (những di vật đưa ra và cả trống đồng được coi là minh chứng cho luận điểm, để không rơi vào tình trạng báo cáo khảo cổ học).

Cần chú ý: còn lỗi máy vi tính.

4. Tác giả đã tiếp thu rất tốt, khá đầy đủ những ý kiến góp ý cho bản đề cương và chỉnh sửa theo ý kiến của các thành viên Hội đồng duyệt đề cương.

5. Kết luận:

Cuốn sách “Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương” là một công trình đã được tác giả biên soạn rất công phu, nghiêm túc, có chất lượng khoa học. Nội dung cơ bản của cuốn sách đã đáp ứng yêu cầu cơ bản để người đọc có thể hiểu được Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương.

Đề nghị NXB Hà Nội duyệt và cho xuất bản cuốn sách này để phục vụ đông đảo người đọc và là một trong các xuất bản phẩm có giá trị trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

 

 


Nhà xuất bản Hà Nội

 

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá