Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI: Bình luận để cương
Thứ tư, 24/08/2011 03:21
Cuốn sách do nhạc sĩ Hoàng Dương và nhạc sĩ Hồ Quang Bình làm Chủ biên. Thuộc mảng sách Văn học - Nghệ thuật

Tóm tắt nội dung

- Tuyển chọn những ca khúc Hà Nội trong thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI đã được đời sống âm nhạc công nhận.

- Tiêu chí tuyển chọn: những ca khúc phản ánh, tinh thần cốt cách của người Hà Nội, những sáng tác đậm dấu ấn Hà Nội lẫn những sáng tác mà Hà Nội không hiển hiện trên bề mặt ca từ nhưng hồn Hà Nội vẫn chứa đựng bên trong và đều hướng đến ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp của mảnh đất này. Qua đó không những ca ngợi vẻ đẹp của Hà Nội như nguồn cảm hứng cho âm nhạc, thể hiện tình yêu của các nhạc sĩ dành cho mảnh đất ngàn năm văn hiến mà còn khẳng định được diện mạo của nền âm nhạc Thủ đô.

- Ngoài các bản phổ được tuyển chọn là các bài viết dẫn luận công phu về bối cảnh ra đời, nội dung, tính nghệ thuật của mỗi thời kỳ. Dẫn luận cũng đặt ra những vấn đề lý luận, đối chiếu, từ thực trạng sáng tác và thưởng thức âm nhạc của từng thời kỳ. Đây sẽ là nguồn tư liệu phục vụ cho các nhà nghiên cứu âm nhạc, giảng viên, học sinh của các nhạc viện, Đại học, cao đẳng âm nhạc cũng như người yêu nhạc.

- Các tác phẩm được tuyển chọn phong phú. Mỗi ca khúc phản ánh được không khí của Hà Nội gắn với từng giai đoạn lịch sử cụ thể và hơn hết là chứa đựng cái hồn của Hà Nội, tiếng lòng của Hà Nội và tình yêu đối với mảnh đất này.

          Bình luận

* Nhạc sĩ Dương Viết Á (Bình luận đề cương)

1. Bắt gặp tên gọi tập sách và khi đọc kỹ đề cương – bao gồm danh mục tác phẩm cùng với dự kiến người viết lời bình – tôi rất tán đồng với dự án này:

- Tán đồng về ý đồ của tập sách;

- Tán đồng về cách thức phân kỳ lịch sử;

- Tán đồng về bảng liệt kê khá cụ thể và chi tiết tên các bài hát quan các giai đoạn lịch sử của Hà Nội (cùng với lịch sử cả nước).

Cũng vì sự tán đồng đó, tôi muốn nêu một số ý kiến với kỳ vọng làm cho tập sách hoàn hảo hơn.

2. Về tên gọi của tập sách, theo tôi nên có một tên gọi khác: văn vẻ hơn (một chút) và cho ngang tầm với tên gọi của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Tên gọi (theo dự án) dễ chìm lẫn vào một số không ít những tập ca khúc tuyển chọn khác.

3. Theo trí nhớ của tôi, dường như có thể bổ sung thêm một số bài hát nữa! Thí dụ: giai đoạn 1946 - 1954 còn có Đêm trăng nhớ Hà Nội của Nguyễn Đức toàn, Bác về Thủ đô của Lê Yên…; và còn bài Một chiều mây trắng lên cao… nghe đồn là của Nguyễn Đình Thi, và tôi đã hát vào khoảng 1951 - 1952 khi đang học cấp 3 ở Hà Tĩnh…

Giai đoạn 1955 – 1975, có thể bổ sung Khi con chim chưa hót của Văn Tuyền (viết về ngoại thành Hà Nội), Sông Hồng nghìn năm reo hát (đây là vở thanh xướng kịch do tôi viết kịch bản và lời ca, có nhiều ca khuc có thể trích được; nó đã được trình diễn năm 1964. Có thể hỏi nhạc sỹ Hồng Đăng là tác giả âm nhạc); còn có một bài hát của Lê Quỳnh (tức Hoàng Việt) viết từ miền Nam gửi ra…

4. Về giai đoạn 1975 cho đến nay, theo tôi nên cố gắng sưu tầm và tuyển chọn những ca khúc của những người con xa quê, và vốn quê gốc là Hà Nội. Có thể kể đến Lân Tuất, Mai Lâm…

5. Cũng theo tôi, có lẽ không nên viết và đăng lời bình của từng bài hát. Mỗi bài hát được tuyển chọn vào tập sách, ngoài tên tác giả nhạc sỹ và tác giả ca từ cần ghi thêm:

+ Năm tháng sáng tác vì đây là biên niên sử bằng ca khúc (theo Nguyễn Thị Minh Châu).

+ Chỉ in những bài tổng luận theo từng giai đoạn lịch sử.

6. Cuốn sách nên vươn lên tầm của một tổng tập, và như thế mới xứng đáng nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Do đó, cuốn sách sẽ được cấu trúc như sau:

Phần thứ nhất: 70 năm hát về Thăng Long – Hà Nội gồm những bài hát tính từ Gò Đống Đa cho đến năm 2010.

Phần thứ hai: Hà Nội – Trái tim cả nước gồm những bài hát trong cả nước và đã, đang ở nước ngoài. Phần thứ hai này thể hiện nội dung tinh thần: Hà Nội vì cả nước và Cả nước vì Hà Nội.

7. Và nếu được, có thể thêm Phần thứ ba: tuyển chọn một số bài nghiên cứu và luận bình về truyền thống âm nhạc Hà Nội trải 1000 năm lịch sử. Phần thứ ba này, muốn tiến hành, phải có sự giúp rập, tham gia của Viện Âm nhạc.

Và vì tăng số lượng công việc và người tham gia trong ban biên tập, không thể không tăng thêm kinh phí để hoàn thành bộ tổng tập mang ý nghĩa lịch sử.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá