Tóm tắt nội dung:
- Đề tài
nghiên cứu tiến trình lịch sử khu vực Hà Nội từ khi phát hiện dấu tích con
người đầu tiên (khoảng 50.000 năm cách ngày nay cho đến khi vùng đất này được
chọn làm kinh đô Thăng Long của nhà Lý). Những tư liệu khảo cổ học và cổ sử
được tập hợp và phân tích một cách khoa học nhằm tìm hiểu và giải thích bản
chất “kinh kỳ” mang tính tất yếu và tự nhiên của vùng đất này trong tiến trình
lịch sử dân tộc.
- Được coi như chuyên khảo
đầu tiên tập trung giới thiệu và làm rõ những vấn đề về thời tiền sử, sơ sử và
sử sớm dựa trên nguồn tư liệu và phương pháp tiếp cận chính là khảo cổ học,
tiền sử học hiện đại.
- Dựa trên việc giới thiệu và
phân tích các hiện tượng khảo cổ học, tiền sử học, đề tài này nghiên cứu, đong
lường một cách khách quan ý nghĩa trung tâm của vùng đất Hà Nội - cái lý thật
để Lý Công Uẩn quyết định dời đô và khiến trường tồn hàng ngàn năm nay một
Thăng Long trái tim Tổ quốc.
- Đề tài đặt Hà Nội trong một
khung cảnh “vùng văn hoá - lịch sử” chứ không đóng khung trong giới hạn
hành chính hiện tại. Đây là cách đặt vấn đề khoa học, bởi lẽ cái vĩnh hằng của
một vùng đất chính là ý nghĩa địa lý nhân văn của nó chứ không phải là khung
hành chính luôn bị biến đổi. Lịch sử Hà Nội cũng không bao giờ là lịch sử đơn
thân. Lịch sử chứng minh tính hội tụ, tứ chiếng đã tạo lập Thăng Long, và ở mỗi
đời vua chúa Thăng Long lại ghi nhận dấu ấn của một hội tụ dân cư, văn hoá mới.
Nhưng dù ở đâu đến, ở thời nào, cái lõi Thăng Long vẫn hoà tan mọi yếu tố ngoại
nhập để giữ mãi một bản sắc Thăng Long - Hà Nội.
- Đề tài cũng dành một phần
đáng kể xây dựng catalogue các di tích khảo cổ, lịch sử và tôn giáo có liên
quan đến “Hà Nội cổ xưa” để giúp các nhà nghiên cứu, giáo viên và các nhà hoạt
động văn hoá - xã hội cũng như những người yêu thích sử tiện tra cứu.
- Là
một công trình nghiên cứu chuyên sâu nhưng được tác giả chuyển tải đến bạn đọc
qua một cuốn sách nhẹ nhàng, thú vị. Những thông tin, tư liệu của cuốn sách hấp
dẫn, mới mẻ, thu hút được sự quan tâm của người đọc.
Bình luận
* PGS.TS. Trịnh Vương Hồng (Bình
luận đề cương)
Đây là một đề
tài lịch sử rất hay sẽ giúp người đọc bồi dưỡng kiến thức về lịch sử Thủ đô Hà
Nội. Tôi thực sự ấn tượng và hoan nghênh việc triển khai đề tài này. Việc Nhà
xuất bản giao cho TS. Nguyễn Việt làm chủ biên đề tài là đúng người, đúng việc.
Bản đề cương mà tác giả xây dựng chi tiết, công phu đã thể hiện được điều đó.
Để đề cương,
hoàn chỉnh chi tiết hơn đề nghị tác giả xem xét một số điểm trong đề cương. Thứ
nhất, tên đề tài theo tôi là chưa phù hợp với nội dung. Hơn nữa khái niệm “sử
sớm” chưa được khẳng định sẽ gây ra nhiều tranh cãi, nhất là đối với một cuốn
sách trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm
văn hiến”. Một số thuật ngữ khác sử dụng còn chưa có tính phổ cập. Nếu lạm
dụng sẽ mất đi tính phổ thông của cuốn sách. Tác giả trong quá trình biên soạn
bản thảo cần lưu ý sử dụng những thuật ngữ trong sáng, dễ hiểu để người đọc dễ
tiếp cận với vấn đề hơn.
Bố cục cuốn
sách như vậy là phù hợp, đảm bảo được nội dung, trữ lượng thông tin. Người đọc
sẽ được tiếp cận với nội dung theo một trình tự phù hợp. Đây sẽ là một cuốn
sáng hấp dẫn về đề tài lịch sử. Đề nghị Chủ đầu tư thông qua.
Nhà xuất bản Hà Nội