Tóm tắt nội dung
- “Tuyển tập Ngô gia văn
phái” là công trình được đầu tư nghiên cứu từ nhiều năm nay, được đánh giá
là thành tựu lớn nhất trong dòng văn học đương đại cả về số lượng và chất
lượng.
- Ngô gia văn phái là một “dòng văn” lớn chảy dài qua hai thế kỷ
18, 19, từ Ngô Thì Ức (đầu thế kỷ XVIII) đến Ngô Giáp Đậu (đầu thế kỷ XX). Số
tác gia có tác phẩm để lại chừng 15 người; số lượng trang khoảng 5000 trang chữ
Hán. Đặc biệt là tác phẩm của Ngô gia rất phong phú về môn loại, thể loại, đề
tài và đặc sắc nghệ thuật. Công trình đã đánh giá tổng quát toàn bộ thành tựu
của Ngô gia văn phái với ý nghĩa một dòng văn; bước đầu khái quát thành lý luận
về dòng văn trong văn học cổ điển Việt Nam đồng thời tuyển chọn và dịch các tác
phẩm của văn phái để đạt tới một bộ tuyển tập của Ngô gia hoàn thiện và đầy đủ.
- Việc tuyển chọn, sắp xếp
các tác giả của dòng văn Ngô gia theo diễn tiến thời gian cho thấy được đỉnh cao
và thoái trào của dòng văn, có ý nghĩa tích cực trong việc nghiên cứu về các
dòng họ nổi tiếng hiện nay.
Bình luận
* PGS.TS. Chương Thâu (Bình
luận đề cương)
1. Ngô gia văn phái
là một “dòng văn” lớn chảy dài qua hai thế kỷ 18, 19, cũng là “văn phái” lớn,
có giá trị cao. Tác phẩm của các tác giả dòng họ này phản ánh nhiều mặt của
thực tế lịch sử xã hội Việt Nam thời Lê - Trịnh - Tây Sơn đầy biến động. Ngoài
giá trị lịch sử, tác phẩm của họ với nhiều mặt tốt đẹp về tình cảm tư tưởng và
tài năng, còn cung cấp cho chúng ta nhiều bài học bổ ích. Ngô gia văn phái quả
là một “sản phẩm tinh thần” - một kho tàng văn học đồ sộ của “ngàn năm văn hiến”
của nền văn minh Thăng Long, rất đáng tôn vinh.
Tôi hết sức hoan nghênh “kho
tàng” quý giá này được biên soạn và xuất bản để kịp chào mừng “Thăng Long – Hà
Nội ngàn năm văn hiến”.
2. Thực ra thì từ trước đến
nay, lẻ tẻ cũng đã có một số tác phẩm của Ngô gia văn phái được xuất bản, nhưng
chưa thấm tháp vào đâu so với hàng chục ngàn trang của Ngô gia văn phái. Đặc
biệt, năm 1978 – 1980, Ty Văn hoá - Thông tin Hà Sơn Bình cũng đã có tổ chức
biên soạn một tập sách “Tuyển Ngô gia văn phái” gọi là: “Một số tác
giả và tác phẩm trong Ngô gia văn phái” chỉ có 7 tác giả. Nay, với “đề
cương” này, soạn giả tuyển 12 tác giả và in thành 4 tập là đã khá tiêu biểu.
Nhưng tôi vẫn thấy: có thể tuyển nhiều hơn và số trang
cũng phải nhiều hơn 2000 trang. Có như thế mới xứng đáng với Ngô gia văn phái.
3. Tuy vậy, để có được 2000
trang tuyển Ngô gia văn phái tiêu biểu, cũng là một sự lao động gian khổ của
nhiều soạn giả (chuyên gia). Cũng xin mách với 2 chủ biên và các soạn giả “Tổng
tập Ngô gia văn phái” là: Các bạn nên cố gắng tìm và kế
thừa những bản dịch của các cụ túc nho dịch Ngô gia văn phái trước đây
như: Ngô Lập Chi, Tham Tuyền (Nguyễn Quý Liêm), Khương Hữu Dụng, Thạch Can, Sơn
Nam Ngô Linh Ngọc, Nguyễn Văn Tú v.v...
4. Công việc đối chiếu, so
sánh các văn bản tác phẩm trong Ngô gia văn phái cũng hết sức phức tạp. Vì
trong số hơn 20 tác giả Ngô gia văn phái và các tác phẩm của họ (đại đa số là
bản chép tay) có nhiều tác phẩm bị lẫn lộn của người nọ sang người kia và trùng
lặp không ít.
5. Tôi vẫn muốn lần xuất bản
này, in được toàn tập là điều lý tưởng, nhất là “nghìn năm một
thuở” (có Dự án, có kinh phí dồi dào thì nên cố gắng công bố tối đa Ngô gia văn
phái).
6. Đề nghị chủ biên công
trình này biên soạn một đề cương biên soạn chi tiết, thậm chí có mục
lục cho từng cuốn sách định lựa chọn sẽ in những bài nào... để đến hôm
Hội đồng khoa học góp ý kiến được cụ thể và đạt chất lượng cao nhất.
Nhà xuất bản Hà Nội